,

Chuyển tư duy, tăng giá trị

Trang bị thêm các giá trị sáng tạo, thiết kế, thương hiệu, thương mại… là con đường nâng cấp giá trị sản xuất mà công nghiệp nội thất Việt Nam tích lũy và xây dựng được trong gần ba thập kỷ qua.

Thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2024, Hoa Kỳ đã chi 821 triệu USD để mua gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, tăng đột biến 123,7%. So với cùng kỳ năm ngoái, khi lượng hàng tồn kho còn nhiều và sức mua giảm sút do ảnh hưởng từ lạm phát, đây là một con số đáng mừng.

Chuyển đổi tư duy

Thị trường Hoa Kỳ chiếm hơn 50% trong giá trị xuất khẩu nội thất của Việt Nam. Việc các nhà mua hàng Mỹ trở lại là tín hiệu cho thấy ngành nội thất Việt Nam đã bước qua giai đoạn khó khăn. Tháng 1, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ thu về gần 1,5 tỷ USD, tăng hơn 72% so với cùng kỳ năm ngoái và đang trên đà tăng.

Việc Hoa Kỳ mạnh tay chi tiền mua gỗ và sản phẩm gỗ góp phần quan trọng đưa ngành nội thất từ tăng trưởng âm chuyển sang tăng trưởng dương. Bởi, Mỹ đang là khách hàng lớn, chiếm gần 56% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành lâm nghiệp trong tháng 1. “Đơn hàng xuất khẩu đã trở lại, ngành chế biến gỗ dần phục hồi. Mục mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2024 sẽ đạt khoảng 15,2 tỷ USD, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ là 14,1 tỷ USD. Đây là mục tiêu hoàn toàn khả thi”, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp nhận xét.

Lạc quan hơn, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch HAWA cho rằng, với doanh số xuất khẩu 1,5 tỷ USD một tháng, nếu tiếp tục duy trì đà tăng, Việt Nam có thể đạt mốc 17 tỷ USD năm nay. Bởi, ngoài thị trường Mỹ, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang có điều kiện tiếp cận nhiều thị trường tiềm năng khác như Trung Đông, đặc biệt là Ấn Độ, tăng mạnh trên 200%.

Với tiềm lực vốn có và khả năng hấp thụ đồ nội thất Việt Nam của thị trường thế giới, DN Việt hoàn toàn có thể chinh phục được các mục tiêu tăng trưởng ngắn hạn. Tuy nhiên, xét trong dài hạn, ông Trần Quang Bảo cho biết, hầu hết các DN ngành chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam mới tập trung vào khâu trồng rừng, chế biến, sản xuất sản phẩm gỗ và lâm sản. Hạn chế lớn của DN ngành là chưa xây dựng được kênh phân phối sản phẩm, thương hiệu của riêng mình. Do vậy, sự tăng trưởng của ngành vẫn mang tính bị động và thiếu bền vững. Ông nhấn mạnh: “Đã đến lúc DN Việt Nam chuyển đổi tư duy của người sản sản sang tư duy của người bán hàng, đầu tư cho thết kế, xây dựng thương hiệu để có thể phát triển thương mại, gia tăng giá trị xuất khẩu cho ngành chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam”.

Đi tìm điểm bắt đầu

Cuối tháng 2/2024, doanh nhân Ấn Độ Samuel Prashant, chủ sở hữu thương hiệu Locobuzz Africa đến Việt Nam du lịch kết hợp tìm hiểu thị trường. Ông dành thời gian khảo sát các phố nội thất ở TP.HCM và… choáng trước hàng hà sa số đồ nội thất giá rẻ, kém chất lượng, không thương hiệu. Dành thời gian đến với các showroom nội thất, Samuel Prashant choáng lần 2 vì bắt gặp chủ yếu nội thất cao cấp của các thương hiệu châu Âu. “Có một sự chênh lệch quá lớn. Tôi không thể tìm thấy sản phẩm của các thương hiệu nội thất Việt Nam, dù đã đến tận… Việt Nam”, ông nhận xét.

Khoảng trống thương hiệu và thương mại không chỉ khiến ngành nội thất Việt Nam mà người dùng trong nước thiệt thòi. PGS-TS. Lý Tuấn Trường, Viện trưởng Viện Công nghiệp Gỗ và Nội thất cho biết, khi các thương hiệu nội thất nước ngoài sang Việt Nam đặt hàng sản xuất đồ nội thất, việc cộng thêm giá trị thương hiệu, hệ thống kinh doanh… giúp họ tiêu thụ sản phẩm ở nước ngoài với giá cao gấp 3 đến 5 lần. Nhưng thực tế, có những sản phẩm “made in Vietnam” dưới thương hiệu quốc tế ấy lại quay về Việt Nam, xuất hiện trong các showroom nội thất cao cấp và giá bán tiếp tục được đội lên.

Chuyên gia xây dựng thương hiệu Trần Tuệ Tri, cố vấn Vietnam Brand Purpose cho biết, khi chưa nhiều người Việt biết Việt Nam là một trong 5 quốc gia xuất khẩu nội thất hàng đầu thế giới và việc tiếp cận sản phẩm nội thất của những nhà xuất khẩu hàng đầu Việt Nam còn khó khăn ngay tại thị trường nội địa thì việc xây dựng và lan tỏa giá trị thương hiệu nội thất quốc gia sẽ còn nhiều thách thức. Do vậy, việc xây dựng giá trị thương hiệu cho ngành nội thất cần được bắt đầu ngay tại nơi sản phẩm được sinh ra.

Với lợi thế về mặt văn hóa truyền thống, lại có được hỗ trợ lớn trong mục tiêu chuyển đổi xanh từ phía Nhà nước, ngành nội thất Việt Nam có nhiều chất liệu và điều kiện để xây dựng thương hiệu. Điểm bắt đầu là việc bắt tay vào xây dựng chiến lược truyền thông bài bản, trong đó vai trò quan trọng để kể câu chuyện này cần có các thương hiệu biểu tượng (flagship brand). “Với đặc thù là phục vụ khách hàng DN (B2B), ngành gỗ có thể thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, các hội chợ quốc tế…. Tuy nhiên, để tạo ấn tượng và lan tỏa hình ảnh nội thất Việt Nam đến với người dùng cuối (B2C), rất cần thiết có những thương hiệu nội thất tiêu biểu của Việt Nam. Những thương hiệu tiêu biểu này khi kết hợp thêm các DN khác trong ngành làm thành một không gian nội thất tổng để giới thiệu và trưng bày sản phẩm sẽ tạo nên được ấn tượng cho ngành. Hiệu quả truyền thông sẽ cao hơn khi sử dụng thêm các kênh truyền thông hiện đại, nền tảng online để lan tỏa”, bà Tri tư vấn.

Đăng Nguyên

Danh mục:

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác