,

Cơ hội mang tên MFC

Với sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử trong những năm gần đây, nhu cầu về dịch vụ kho bãi và giao hàng đang ngày càng tăng cao. Tất nhiên, các dịch vụ này cũng phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn nhưng cơ hội để bứt phá cũng không hề nhỏ.

 

Xu hướng toàn cầu

Trung tâm hoàn tất đơn hàng vi mô (Micro-fulfillment – MFC), dịch vụ giúp cải thiện hai bước cuối cùng của hoạt động bán hàng trực tuyến là lấy sản phẩm và giao hàng chặng cuối hiện là xu hướng mới trên thế giới. Honeywell Intelligrated, nhà cung cấp giải pháp xử lý vật liệu tự động hàng đầu cho rằng dịch vụ MFC sẽ phát triển mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, 56,2% dân số thế giới hiện đang sống ở các thành phố. Liên Hiệp Quốc dự báo vào năm 2050, 68% nhân loại sẽ sống ở khu vực thành thị, đại diện cho mức tăng dân số thêm 2,5 tỷ người, với 90% mức tăng trưởng sẽ diễn ra ở châu Phi và châu Á. Các trung tâm phân phối vùng ở khu vực thành thị không thể đáp ứng đơn hàng đủ nhanh, đặc biệt khi các thành phố trở nên đông dân hơn. Điều này tạo ra cơ hội tuyệt vời cho các doanh nghiệp (DN) triển khai dịch vụ MFC.

Theo Fabric, nhà cung cấp công nghệ MFC nổi tiếng ở Mỹ, các chuỗi cửa hàng truyền thống tổn thất 5-15 USD cho mỗi đơn hàng được giao hàng theo cách thủ công. Việc chịu khoản lỗ này có thể ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của cửa hàng. Dịch vụ MFC thực hiện hai bước quan trọng trong bán hàng là giúp DN lấy hàng và giao hàng chặng cuối, giúp tối ưu hóa quy trình với chi phí thấp hơn nhiều so với việc tự triển khai. Đó chính là lý do MFC là dịch vụ được dự đoán sẽ phát triển tốt trong thời gian tới.

Nhanh và nhanh hơn nữa

Theo khảo sát của Invesp, một công ty tư vấn chuyên về tối ưu hóa tỷ lệ chuyển đổi, 56% khách hàng trực tuyến trong độ tuổi từ 18 đến 34 mong đợi đơn hàng của họ sẽ được giao trong ngày. Hệ thống phân phối truyền thống phục vụ các khu vực rộng lớn không thể làm được điều này và việc đưa sản phẩm đến gần khách hàng hơn đã trở thành một chiến lược đầy hứa hẹn.

Cũng trong khảo sát ấy, 49% người mua cho biết họ có nhiều khả năng mua hàng trực tuyến hơn nếu được cung cấp dịch vụ giao hàng trong ngày. Nói cách khác, dịch vụ này mang lại lợi thế tiếp thị cho công ty nào cung cấp. Ví dụ: Cùng một sản phẩm được hai nhà bán lẻ bán với cùng mức giá, khách hàng có thể chọn nhà bán nào cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh hơn.

Nghiên cứu trên cũng cho thấy 80% người mua muốn giao hàng trong ngày, thậm chí 61% còn mong đợi gói hàng của họ sẽ được giao trong vòng chưa đến ba giờ. 25% người mua sẽ từ bỏ giỏ hàng nếu không có dịch vụ giao hàng trong ngày và 61% sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho dịch vụ này. Dịch vụ MFC được đánh giá tốt khi cam kết sẽ hoàn tất các đơn đặt hàng nhanh, với khoảng cách tương đương từ thành phố New York đến Hamptons trong vòng chưa đầy hai giờ. Nghĩa là, chỉ mất khoảng 15 phút cho việc lấy hàng, đóng gói… sau đó là hành trình giao nhận.

Sự hỗ trợ của công nghệ và “thiên thời”

Ví dụ trên cho thấy, tốc độ thực hiện đơn hàng mà ngành thương mại điện tử yêu cầu đang bắt đầu vượt quá khả năng của con người, nhất là khi khách hàng yêu cầu hoàn tất đơn hàng trong ngày, thậm chí là trong vòng 1 giờ. Tuy nhiên, khi đã tận dụng được sức mạnh của công nghệ, một đơn hàng phải mất vài phút nếu lấy hàng theo cách thủ công, nhưng có thể sẵn sàng trong vòng vài giây khi sử dụng tính năng tự động hóa kho hàng. So với việc lấy hàng thủ công trong bán lẻ truyền thống, các trung tâm hoàn tất đơn hàng vi mô có thể đưa sản phẩm đến gần với khách hàng hơn, đồng thời lấy hàng cho đơn hàng nhanh gấp khoảng 10 lần bằng cách sử dụng công nghệ tự động hóa. Nhờ các robot nhỏ và nhanh, sản phẩm có thể được xếp chồng lên nhau chặt chẽ hơn và đưa lên các kệ cao hơn.

Bên cạnh khả năng giao hàng nhanh hơn, công nghệ còn giúp công tác quản lý được thực hiện tốt hơn. Khi rất nhiều công ty triển khai thương mại điện tử, sự đa dạng của sản phẩm có thể mua trực tuyến đã tăng lên đáng kể. DN có thể không gặp vấn đề gì khi quản lý việc lấy hàng theo cách thủ công nếu chỉ có 100 sản phẩm, nhưng nếu có hàng nghìn sản phẩm thì công nghệ sẽ là giải pháp cần thiết. Ngoài ra, theo Curt Barry, người sáng lập công ty tư vấn chuỗi cung ứng F. Curtis Barry & Company, chi phí triển khai dịch vụ MFC có thể dao động từ 3.000 đến 10.000 USD cho mỗi nhân viên. Công nghệ hoàn tất đơn hàng vi mô có thể giúp các nhà bán lẻ bớt phụ thuộc vào lực lượng lao động

Bên cạnh sự hỗ trợ của công nghệ, dịch vụ MFC đang được hưởng “thiên thời” khi mà khó khăn lớn nhất trong việc triển khai dịch vụ này, là kiếm được một địa điểm thích hợp để tổ chức một trung tâm phân phối đủ rộng, ở các thành phố lớn. Theo IMF, bất động sản thương mại, các tòa nhà văn phòng có tỷ lệ trống cao nhất trong lịch sử và bán lẻ là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Các công ty MFC hoàn toàn có thể tận dụng, chuyển đổi mục đích sử dụng các bất động sản trống để có được mặt bằng cần thiết.

Nhu cầu thị trường cao, công nghệ giải quyết được các yêu cầu từ phía khách hàng, lại được hưởng “thiên thời” ở thị trường bất động sản, triển khai dịch vụ MFC lúc này là cơ hội để tạo bước đệm thuận lợi cho việc cung ứng sản phẩm nội thất đến với thị trường tiêu dùng tiềm năng như Mỹ.

Diệp An

Danh mục:

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác