,

Cơ hội từ nhà mua hàng Trung Quốc

Là một trong 5 thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, những nhà mua hàng Trung Quốc đang mang đến hy vọng mới cho doanh nghiệp nội thất Việt từ mô hình kinh doanh thương mại điện tử.

 

Thống kê của nhóm nghiên cứu Forest Trends cho thấy Trung Quốc luôn là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất, đứng thứ hai (sau Mỹ) hoặc thứ 3 (sau Mỹ và Nhật Bản) của Việt Nam.

Cơ cấu lại tỷ trọng

Trong 5 năm trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Trung Quốc luôn chiếm từ 10 đến gần 12% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu gỗ nguyên liệu, dăm gỗ chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu vào Trung Quốc. “Thương mại điện tử (TMĐT) có thể làm cho mối quan hệ giữa các doanh nghiệp (DN) ngành chế biến gỗ của hai quốc gia phát triển sang một hình thái khác”, ông Trần Lam Sơn, ủy viên Ban chấp hành HAWA nhận xét.

Đánh giá cao tiềm năng của TMĐT, ông Sơn cho rằng trong chiến lược tìm kiếm, mở rộng kênh phân phối cho các sản phẩm nội thất làm từ nguyên liệu bản địa Việt Nam là Acasia (gỗ cây keo) ra thị trường toàn cầu, việc kết nối với các DN kinh doanh nội thất trên kênh thương mại Trung Quốc sẽ là cơ hội. Qua đó, DN Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm của đối tác để từng bước ứng dụng, giải quyết bài toán phát triển thị trường.

Bà Elly Nguyễn – Trưởng phòng Quản lý tài khoản Amazon Global Selling cho biết cơ hội hợp tác, cung ứng đồ nội thất cho DN Trung Quốc khá cao. Bởi DN hưởng nhiều lợi thế khi Việt Nam đã tham gia vào các hiệp ước kinh tế tự do như FTA. Khi DN kinh doanh nội thất Trung Quốc nhập khẩu hàng Việt Nam, họ điều hướng sản phẩm đến thị trường chính của họ là Mỹ bởi có những lợi thế về thuế quan.

Đồng quan điểm, ông Chaisan – Phó chủ tịch Hiệp hội Nội thất Trung Quốc – Đồng sáng lập Hội chợ TMĐT xuyên biên giới Ningbo Export cũng cho rằng tỷ lệ các DN kinh doanh nội thất trên kênh TMĐT khá cao. Các DN này  rất muốn hợp tác với các DN nội thất Việt Nam để mở rộng dải sản phẩm của mình, đồng thời hưởng những lợi thế đặc biệt từ DN Việt Nam.

Theo ông Chaisan, DN Trung Quốc mua sản phẩm từ khu vực châu Á không chỉ phục vụ thị trường nội địa mà còn qua kênh TMĐT đưa hàng đi khắp thế giới. Trong 5 năm qua, TMĐT toàn cầu có tốc độ phát triển rất nhanh, mảng nội thất không nằm ngoài số đó. Các DN nội thất ở Ninh Ba, Thượng Hải, Hàn Châu, Tô Châu… đang tăng tốc rất nhanh để có thể chiếm lĩnh thị trường này. “Doanh số kinh doanh nội thất online rất cao. Năm 2022, giá trị xuất khẩu của Ninh Ba đạt 25 tỷ USD, trong đó xuất khẩu nội thất 21 tỷ USD. Chiếm 11,2% doanh thu quốc gia. Có DN lớn nhất, đạt doanh số đến 2 tỷ USD”, ông Chaisan nói. Theo nhà sáng lập Ningbo Export, thị trường xuất khẩu nội thất online đang tập trung vào Mỹ, chiếm 25% nhưng trong tương lai có thể lên đến 40%.

Lấp những khoảng chênh lệch

Thống kê của Hiệp hội Nội Thất Trung Quốc cho thấy ở Mỹ, kênh truyền thống chỉ chiếm tỷ lệ tăng trưởng hơn 3% nhưng kênh TMĐT lại tăng trưởng hơn 30%. Đòi hỏi lớn nhất cho việc bán hàng nội thất online là sản phẩm cần nhẹ, đóng gói phẳng, khách hàng có thể tự lắp ráp. Ông Chaisan khẳng định: “Kinh tế Mỹ khó khăn, người dùng càng lựa chọn nội thất rẻ hơn. Phục vụ nhu cầu chuyển dịch chỗ ở, mua sắm nội thất online ở Mỹ sẽ còn phát triển hơn trong thời gian tới”.

Điều băn khoăn lớn nhất là hầu hết các DN cung ứng nội thất tại thị trường Việt Nam là nhỏ và vừa, số ít có quy mô sản xuất lớn. Theo đại diện Amazon Global Selling, đó là sự khác biệt với các nhà cung ứng Trung Quốc. Thực tế, so với DN Trung Quốc, DN Việt Nam cần thời gian sản xuất nhiều hơn, ít nhất 60 ngày mới có thể hoàn tất đơn hàng. Đó là một trong những trở ngại lớn bởi đặc thù mua sắm online thường đòi hỏi tốc độ nhanh, kịp thời theo đuổi xu hướng thị trường.

Đây cũng là ý kiến của đại diện Ningbo Yuxing Group, DN đang phân phối nội thất online khá mạnh ở thị trường Mỹ, Anh, Đức và Trung Quốc. Thời gian trước đây Ningbo Yuxing Group mua nguyên liệu và hàng nội thất từ Việt Nam nhưng sản lượng không nhiều vì thời hạn giao hàng chậm. Theo vị này, lựa chọn chưa thực sự phong phú do DN nội thất trong nước chưa chú ý đầu tư phát triển các thiết kế riêng cũng là điểm trừ khiến ngành nội thất Việt Nam chưa có được vị thế tốt hơn dù hội tụ nhiều lợi thế.

Bên cạnh đó, các nhà mua hàng Trung Quốc còn đòi hỏi sự linh hoạt. Theo đại diện Wudi Industry (Shanghai), đơn vị kinh doanh nội thất cho phòng game phân phối tại châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… cho biết, ngoài sản lượng tiêu thụ rất cao, Wudi còn thiết kế dựa trên sự khác biệt của từng thị trường và bán hàng không chỉ trên online mà còn tham gia kinh doanh trên kênh truyền thống. Do vậy, đòi hỏi nhà cung ứng phải có khả năng linh hoạt, tùy biến theo thiết kế đặc thù của từng thị trường. “Nếu đáp ứng được những yêu cầu đó, trong chiến lược mua hàng ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam sẽ là lựa chọn lý tưởng”, ông nói.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gỗ lớn thứ 2 của Việt Nam, chiếm 13% tổng giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong năm 2023 là gỗ nguyên liệu (mã HS44), chủ yếu là dăm gỗ và viên nén gỗ. Ngược lại, Việt Nam cũng là thị trường nhập khẩu gỗ chính của Trung Quốc, chiếm 37% thị phần vào năm 2023.

Thu Ân thực hiện

 

 

Danh mục:

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác