,

Còn nhiều dư địa, nội thất Việt mở rộng thị trường: Cách nào?

Khi các dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 tiếp tục khá ảm đạm, doanh nghiệp (DN) sẽ phải nỗ lực nhiều hơn trong thời gian tới. Liên kết cùng đầu tư nghiên cứu thị trường, xây dựng tổng kho chung, tranh thủ các hiệp định thương mại tự do… là những giải pháp giúp ngành nội thất có thể đứng ở vị trí cao trong chuỗi giá trị toàn cầu.

 

Những dự báo cho năm 2024 không có nhiều tín hiệu tích cực. Việc chi tiêu của các hộ gia đình sau đại dịch Covid cũng thay đổi rất nhiều. Ngoài việc mất đi tính lạc quan tiêu dùng, các hộ gia đình ít có nhu cầu đổi mới các sản phẩm đồ điện gia dụng, đồ tập thể thao, đồ nội thất… vốn đã được mua ồ ạt trong giai đoạn giãn cách xã hội. Nói cách khác, đối với sản phẩm gỗ và nội thất, chưa nói đến góc độ cạnh tranh, chỉ xuất phát từ góc độ cầu của thị trường, xuất khẩu của chúng ta ra thế giới sẽ còn gặp khó khăn trong một vài năm tới.

Những thách thức mới

Với những thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản, do cơ cấu dân số già và xu hướng sống đơn thân ngày càng phổ biến, nhu cầu đối với các sản phẩm gỗ nội thất truyền thống sẽ chững lại, thậm chí giảm dần theo thời gian. Ngành gỗ sẽ còn đối mặt với thách thức trong thời gian tới khi mất dần các lợi thế thuế quan do Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mang lại vì nhiều đối thủ cạnh tranh của chúng ta cũng đã và đang triển khai ký kết các hiệp định này. Trong khi xuất khẩu của Việt Nam gặp bất lợi lớn về chi phí vận tải và thời gian giao hàng so với các đối thủ cạnh tranh. Khả năng đáp ứng được những tiêu chuẩn xuất khẩu mới, đặc biệt là các vấn đề về sản xuất xanh, tiêu chuẩn bao bì, thuế chuyển dịch carbon xuyên biên giới… là những thách thức mà chúng ta phải vượt qua.

Do căng thẳng trong quan hệ giữa Canada và Trung Quốc, không chỉ các DN Canada có xu hướng thoái lui khỏi thị trường Trung Quốc và đa dạng hóa nguồn cung, mà cả người tiêu dùng Canada cũng ưa chuộng các sản phẩm có xuất xứ ngoài Trung Quốc. Tuy nhiên, năm 2023, thị phần của chúng ta đã sụt giảm so với năm 2022: 5 năm sau Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thị phần của Việt Nam tăng từ 4% lên 6% vào năm 2022 nhưng lại giảm chỉ còn 5,1% trong năm 2023.

Điều đó cho thấy, ngoài yếu tố cầu của thị trường giảm sút, chúng ta chưa tận dụng được hết CPTPP để trở nên cạnh tranh hơn về giá. Theo nghiên cứu chúng tôi thực hiện năm 2023, sản phẩm nội thất HS 94 vào Canada có tỷ lệ sử dụng C/O CPTPP là 35% và MFN là 63%; số còn lại vẫn sử dụng GSP hoặc thuế thông thường. Hiện 368 triệu CAD sản phẩm nội thất xuất sang địa bàn đang chịu mức thuế MFN từ 5 – 15,5%, trong khi đáng lý được hưởng 0% theo CPTPP, chủ yếu là các sản phẩm ghế ô tô (6%); chân nến, đèn, thiết bị chiếu sáng (5 – 7%); nội thất văn phòng, nội thất nhà bếp, nội/ngoại thất bằng sắt, đệm (8%); nội thất từ mây tre, nội thất nhựa, nội thất gỗ gia dụng, nội thất trẻ em, giá gỗ, ngoại thất gỗ, đệm vật liệu tự nhiên (9,5%); chăn bông, gối, đệm tổng hợp (14%); túi ngủ (15,5%)…

Tương tự, tỷ lệ sử dụng C/O CPTPP và GSP đối với  xuất khẩu sản phẩm gỗ có mã HS 44 lần lượt là 40% và 6%. Trong khi đó, 53% vẫn sử dụng C/O MFN để xuất sang địa bàn; với giá trị gần 26 triệu CAD (đa số có thuế suất MFN bằng 0%). Tuy nhiên, trên 5 triệu CAD sản phẩm vẫn chịu mức thuế từ 3 – 9%, trong khi đáng lý được hưởng 0% theo CPTPP, chủ yếu là các sản phẩm hộp gỗ (7 – 9,5%), khung tranh hoặc tranh chạm gỗ, thớt, gỗ tấm dụng cụ, bát và đũa gỗ, tượng trang trí, mắc áo (6 – 7%), gỗ xây dựng và gỗ sàn (3%)…

“Quên” CPTPP

Ngoài việc không tận dụng tốt CPTPP, cơ cấu mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang cũng không đủ đa dạng, không đủ linh hoạt để đổi mới và cạnh tranh với các đối thủ cùng phân khúc, chứ chưa nói đến cạnh tranh với các đối thủ ở phân khúc cao hơn. Hiện nay, Trung Quốc vẫn tiếp tục giữ khoảng 36% thị phần nội thất của Canada; giảm khoảng 4% so với năm 2022; và Mexico là nước đã giành được thị phần này, đưa thị phần của Mexico ở Canada từ mức 8% lên 12%.

Ngoài việc chưa quan tâm đến khai thác nguyên tắc xuất xứ cộng gộp trong chiến lược đầu vào để hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu, một số DN còn làm ảnh hưởng đến xuất khẩu những lĩnh vực mặt hàng khi sử dụng các bộ phận cấu thành nhập khẩu từ Trung Quốc, chỉ lắp ráp tại Việt Nam, lấy xuất xứ Việt Nam để lẩn tránh thuế. Hiện nay, mặt hàng ghế bọc đệm gia dụng đã bị Canada áp thuế chống bán phá giá trên 100%, làm ảnh hưởng đến xuất khẩu của các DN khác không liên quan. Theo dư luận ở sở tại, các nhà sản xuất của Canada hoàn toàn có khả năng kiện yêu cầu Chính phủ Canada điều tra chống bán phá giá với một số mặt hàng xuất khẩu khác của Việt Nam như ghế bọc đệm văn phòng, tủ bếp, tủ nhà tắm sử dụng gỗ dán…

Từ sau CPTPP, giá trị xuất khẩu nội thất của Việt Nam vào Canada đã tăng, từ mức 322 triệu USD năm 2018 lên đến 604 triệu USD năm 2022 và đạt khoảng 500 triệu USD năm 2023. Giá trị xuất khẩu nội thất vào thị trường Canada lớn hơn toàn thị trường EU và còn rất nhiều dư địa để tăng cả về giá trị kim ngạch lẫn thị phần.

Nghiên cứu thị trường, tìm hướng đi mới

Muốn tiếp cận người dùng, dù ở thị trường nào công tác nghiên cứu thị hiếu và đặc điểm thị trường để có chiến lược tiếp cận phù hợp là rất quan trọng. Các hiệp hội và DN lớn nước ngoài thường sẵn sàng bỏ chi phí để thuê các công ty nghiên cứu thị trường để có báo cáo định kỳ về xu hướng, cơ hội, nguy cơ, các thay đổi pháp lý… ở những thị trường chính. Có thể DN nội thất Việt Nam có quy mô nhỏ, chưa thể tự làm riêng nghiên cứu thị thiếu và xây dựng chiến lược thị trường/ngành hàng thì cần phải liên kết cùng nhau để thực hiện.

Bên cạnh đó, mô hình cùng nhau chia sẻ chi phí để vận hành tổng kho ở nước ngoài, tự phân phối vào các kênh bán lẻ, không phụ thuộc vào trung gian, đại lý cũng là một xu hướng phù hợp ở địa bàn Canada mà các DN trong ngành có thể cân nhắc. Ngoài ra, công tác tiếp cận trực tiếp khách hàng vẫn có thể thực hiện thông qua thương mại điện tử. Đây là giải pháp tiết kiệm để các DN có thể hiểu nhu cầu/đánh giá của người tiêu dùng và có các hiệu chỉnh kịp thời đối với chiến lược sản xuất và kinh doanh.

Hiểu được đặc điểm thị trường, xu hướng tiêu chuẩn, nhu cầu khách hàng… đều là những chìa khóa để gia tăng lợi thế cạnh tranh. Về lâu dài, để tăng thị phần, vượt qua các đối thủ cạnh tranh, các DN và hiệp hội cần phải đầu tư hơn nữa vào công tác nghiên cứu đổi mới, đưa ra được những thiết kế/vật liệu sáng tạo và những giải pháp nội thất mới, đặc biệt là những thiết kế và giải pháp đáp ứng các nhu cầu theo đặc thù sắc tộc và độ tuổi, nhắm vào các phân ngách cao cấp như nội thất thông minh, nội thất cá nhân hóa (cho trẻ em, người già, người bệnh đặc thù…), nội thất kết hợp đa vật liệu (gỗ, đồng, da, đá, sơn mài…).

Đây là lúc cần nghĩ đến xây dựng sự nhận diện công nghiệp nội thất Việt Nam mang dấu ấn riêng, gắn thiết kế, sản phẩm với vùng nguyên liệu và công nghiệp vật liệu trong một hệ sinh thái đồng bộ và hoàn chỉnh. Đặc biệt, đối với thị trường như Mỹ, Canada… do nhân công lao động đắt, các giải pháp thiết kế dễ lắp đặt, dễ tháo dỡ và vận chuyển sẽ ngày càng có nhiều cơ hội.

Thương vụ Việt Nam tại Canada rất quan tâm hỗ trợ ngành gỗ nội thất của Việt Nam. Ngoài việc mang các đoàn nhập khẩu vào Việt Nam dự các hội chợ, thương vụ luôn chú trọng đẩy mạnh công tác vận động Chính phủ Canada tài trợ các dự án nâng cao năng lực cho ngành, tổ chức các khóa đào tạo cho cán bộ của các hiệp hội, các DN cũng như hỗ trợ xây dựng các nền tảng số. Thời gian tới, Thương vụ sẽ tiếp tục thúc đẩy và vận động các dự án tài trợ nâng cao năng lực nhằm hỗ trợ cho DN có thể đứng ở vị trí cao trong chuỗi giá trị toàn cầu: thiết kế – sáng tạo – công nghệ. Đồng thời, tiếp tục tiến hành nhiều hoạt động quảng bá CPTPP và cách thức tận dụng Hiệp định này nhằm giúp các nhà nhập khẩu Canada hiểu được lợi thế của Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh về giá.

Tiến sĩ Quỳnh Trần
Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Canada

Danh mục:

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác