,

Công văn 633 bít lối ra tiền hoàn thuế

Theo quy định thời gian đối với hồ sơ kiểm tra trước hoàn thuế sau là 40 ngày nhưng hồ sơ hoàn thuế của các doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ; phần lớn là DN chế biến dăm gỗ, viên nén, gỗ dán… lại bị kéo dài mà không nhận được quyết định hoàn hay không hoàn. Lượng tài chính tồn đọng lên đến hơn 6.000 tỷ đồng.

 

Có vốn nhưng không được dùng

Hai năm nay, Công ty TNHH Tỷ Long có đơn hàng nhưng không đủ năng lực tài chính để thực hiện. Vừa khó vì tiếp cận vốn ngân hàng, vừa khó vì có tiền nhưng không được lấy lại để dùng. Nguyên nhân là do đã nộp hồ sơ hoàn thuế cách đây 2 năm, tới nay vẫn chưa được hoàn thuế với số tiền lên đến gần 100 tỷ đồng.

Tỷ Long chỉ là một trong số những DN chế biến gỗ đang “mắc kẹt” tiền trong cơ quan thuế. Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), số tiền thuế VAT DN chế biến, xuất khẩu gỗ chưa được hoàn trả lên đến hơn 6,1 ngàn tỷ đồng. Ông Thang Văn Thông – Phó chi hội trưởng Chi hội Dăm gỗ Việt Nam (trực thuộc Viforest) cho biết, dù cố gắng đến đâu, DN cũng khó lòng hoàn tất thủ tục kê khai hoàn thuế. Lý do là, theo quy định tại Công văn 633/TCT-TTKT ngày 7/3/2022 của Tổng cục Thuế (Công văn 663), DN phải xác định nguồn gốc hàng hóa từ F1, F2, F3 – nghĩa là truy xuất nguồn gốc đến tận hộ trồng rừng. Điều này rất khó cho DN chế biến vì quy trình mua nguyên liệu của DN là từ các đơn vị cung cấp khắp nơi trên cả nước, phần lớn không trực tiếp từ chủ rừng.

Trước khi có Công văn 633, cơ quan thuế thực hiện Thông tư 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế, DN chỉ truy xuất đến người phát sinh thuế. Quy định mới của cơ quan thuế khiến DN gặp khó vì quá trình hoàn thuế kéo rất dài. Thông tin từ cơ quan thuế, hồ sơ hoàn thuế của các DN được chuyển sang cơ quan thứ ba là lực lượng công an để điều tra nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu. Tuy nhiên, theo tính toán sơ bộ của ông Thông, mỗi ngày, nếu 2 nhân lực chuyên trách đi xác minh được 4 hộ gia đình trồng rừng, thì với lượng nguyên liệu DN mua ở nhiều địa bàn từ rất nhiều hộ và cơ sở kinh doanh khác nhau, có thể từ hàng ngàn chủ rừng, công tác xác minh đầy đủ theo yêu cầu của cơ quan thuế có thể phải mất hơn 5 năm.

Thực tế, gỗ rừng trồng trong nước đương nhiên là gỗ hợp pháp và quyền truy xuất nguồn gốc không nằm ở Cục Thuế mà là cơ quan hữu trách khác. Chủ rừng trồng hưởng mức VAT bằng 0. Khi bắt đầu khâu đầu tiên của chuỗi sản xuất là khâu sơ chế và xẻ mới phát sinh giao dịch chịu thuế VAT. Việc truy xuất chỉ cần đến khâu xẻ gỗ đầu tiên theo hệ thống dữ liệu DN nộp thuế là đã đủ. “Việc đòi hỏi chứng từ truy xuất nguồn gốc mà ngành thuế đang làm hoàn toàn không nằm trong chức năng mình có mà đang lấn sân sang ngành khác. Và, đòi hỏi đó hoàn toàn không khả thi khi thực hiện vì chuỗi giá trị sản xuất của ngành đã đi qua khá nhiều trung gian”, ông Thông nói.

Ngành thuế sẽ nỗ lực

Trước thực trạng DN trong ngành thiếu vốn trong khi hàng ngàn tỷ đồng lại chôn trong cơ quan thuế, Viforest đã có kiến nghị gửi Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế, đề nghị rà soát vướng mắc tại các văn bản quy định hiện hành để gỡ khó cho DN. Theo Viforest, số tiền hoàn thuế của các DN rất lớn. Trong đó, các DN xuất khẩu dăm thuộc Chi hội Dăm gỗ Việt Nam khoảng trên 4 ngàn tỷ đồng (riêng với 11 DN xuất khẩu dăm lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, số thuế chưa được hoàn đến hết tháng 5/2023 là 1.105 tỷ đồng). Các DN hội viên Chi hội Gỗ dán cũng chưa được hoàn thuế trên 500 tỷ đồng. Số còn lại khoảng 1,6 nghìn tỷ đồng của các DN viên nén và chế biến xuất khẩu các sản phẩm gỗ khác.

Trả lời những vướng mắc của DN ngành gỗ, bà Lê Thị Duyên Hải – Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế (Tổng Cục thuế) cho biết, đối với các DN xuất khẩu dăm gỗ, Tổng cục Thuế có những văn bản chỉ đạo các cơ quan thuế khi tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế, phải xác minh các nguồn gốc gỗ mua vào. Đây là một bước cần thiết để góp phần cùng các DN và các đầu mối thu gom thực hiện đúng yêu cầu về công tác kê khai để thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước ngay từ khâu đầu vào. “Thực tế có hiện tượng khi xác minh hồ sơ đến đối tượng là các hộ trồng rừng, cơ quan thuế phát hiện trường hợp có những hộ cá nhân có tên trong hồ sơ kê khai nhưng thực tế lại không được giao đất rừng, không bán gỗ cho các đầu mối thu gom hoặc DN thương mại”, bà Duyên Hải cho biết. Vì điều này mà ngành thuế triển khai rà soát toàn bộ các hoạt động mua bán hàng hóa của các DN có dấu hiệu rủi ro để tránh những rủi ro thất thoát ngân sách của Nhà nước.

Cũng theo bà Hải, Tổng cục Thuế đã có chỉ đạo các Cục Thuế tiếp tục tăng cường tổ chức đối thoại với hiệp hội, DN có hồ sơ hoàn thuế VAT tồn đọng kéo dài để làm rõ vướng mắc, chủ động xử lý, giải quyết các vướng mắc triển khai công tác hoàn thuế để tháo gỡ khó khăn cho DN.

Diệp Minh

Chiến lược quản lý thuế để phát triển rừng trồng gỗ lớn

Nếu kết hợp với chính sách ưu đãi thuế, theo ông Thang Văn Thông, ngành gỗ có điều kiện phát triển rừng trồng gỗ lớn. Cụ thể, Nhà nước có thể áp dụng chính sách áp thuế trong vòng 5 năm. Nếu trong 5 năm đó chủ rừng khai thác để “bán lúa non” thì sẽ chịu thuế. Còn sau 5 năm, vừa giữ rừng cho môi trường, vừa có gỗ đủ tuổi cung ứng cho DN chế biến nội thất thì chủ rừng sẽ không phải chịu thuế. Để phát triển rừng gỗ lớn hơn nữa, rừng 7 năm, thì được thêm chính sách ưu đãi. Như vậy, chủ rừng có lựa chọn tốt hơn, phù hợp với điều kiện kinh tế. Chiến lược cho rừng trồng gỗ lớn cũng sẽ đạt mục tiêu.

Danh mục:

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác