, , , , ,

Đẩy mạnh giao thương, tạo đà tăng trưởng

180 cuộc giao thương, kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với đại diện mua hàng các nước đã được thực hiện trong 4 ngày (25 – 28/5/2023) tại Hội chợ hàng Việt Nam xuất khẩu năm 2023.

Tổng lực cho xúc tiến thương mại

Sáng ngày 25/5, Hội chợ hàng Việt Nam xuất khẩu năm 2023 khai mạc tại Trung tâm hội chợ và triển lãm Sài Gòn – SECC với nghi thức khá ấn tượng: đại diện doanh nghiệp (DN) các ngành xuất khẩu chủ lực như nội thất, may mặc, da giày, thủy hải sản, nông sản… cùng xếp mô hình container lên con thuyền xuất khẩu chung. Đây là sự kiện do Sở Công Thương TP.HCM phối hợp cùng Cục Xúc tiến thương mại (Vietrade) tổ chức, dưới sự chỉ đạo của UBND TP. Hồ Chí Minh và Bộ Công Thương.

Phát biểu tại sự kiện, Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, thành phố kỳ vọng rất lớn vào sự kiện này. Theo ông Hoan, trong 4 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước chỉ đạt 211 tỷ USD giảm 13,6% so với cùng kỳ. TP. Hồ Chí Minh với vai trò đầu tàu cả nước, hoạt động xuất nhập khẩu cũng giảm 21,1%. Điều này tác động đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội cả nước. “Tìm kiếm thị trường mới là giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu cho tương lai”, ông Hoan nói.

Ngay ở lần đầu tiên tổ chức, hội chợ đã đạt quy mô 250 gian hàng với sự tham gia của 200 DN xuất khẩu tiêu biểu ở các ngành chủ lực của cả nước như: chế biến gỗ, lương thực thực phẩm, cao su, nhựa, điện tử, cơ khí, dệt may, da giày… “Thị trường xuất khẩu các quốc gia đều giảm sút nhưng nhu cầu tiêu dùng thì vẫn luôn còn. Hội chợ là môi trường tốt nhất để DN có thể tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường”, bà Lê Thị Giàu – Chủ tịch HĐQT Công ty thực phẩm Bình Tây nhận xét. Đã tham gia khá nhiều hội chợ quốc tế và xuất khẩu sản phẩm sang nhiều thị trường, bà Giàu cho biết, hội chợ lần này rất khác biệt vì công tác tổ chức không đặt nặng yếu tố kinh doanh mà thể hiện sự quan tâm của cơ quan quản lý, hỗ trợ DN trong tình trạng khó khăn chung từ việc chi phí tham dự đến khâu thiết kế, tổ chức hoạt động…

Đặt nặng mục tiêu giao thương Quốc tế, ban tổ chức đã mở rộng phối hợp với các cơ quan ngoại giao, tham tán tương mại các nước, các hiệp hội ngành hàng xuất khẩu… để có thể tổ chức các đoàn mua hàng đến từ Mỹ, Hàn Quốc, Myanmar, Campuchia, Ấn Độ… Đây là những thị trường có nhu cầu tìm kiếm sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến, dệt may, thủ công mỹ nghệ, cao su, nhựa… Chỉ trong 2 ngày đầu của hội chợ, 25 và 26/5, đã có 180 cuộc giao thương diễn ra, mang đến cơ hội cho DN cải thiện doanh số xuất khẩu những tháng cuối năm 2023.

Ngoài ra, chương trình cũng chứng kiến sự tham gia của đối tượng mua hàng mới là hệ thống siêu thị, nhà phân phối và các sàn thương mại điện tử. Nỗ lực này từ ban tổ chức giúp gia tăng cơ hội khởi tạo đơn hàng, tỉ lệ kết nối ngoại thương trúng đích, mở rộng thị trường đáng kể so với hoạt động trưng bày – giới thiệu đơn thuần. Chỉ tính riêng chương trình giao thương với Tập đoàn MM trong ngày 26/5, đã có đến 20 bản ghi nhớ (MOU) được ký kết, tổng giá trị hơn 5 tỷ đồng.

Thị trường nội địa vẫn rộng cửa

Bên cạnh những hợp đồng ghi nhớ giữa các DN, Hội chợ hàng Việt Nam xuất khẩu năm 2023 cũng đã ghi nhận con số 1,15 tỷ đồng DN thu về sau hội chợ. Đây là con số khá ấn tượng với 33 DN tham gia chương trình. Bởi, trong khuôn khổ 4 ngày tổ chức, chỉ có 2 ngày cuối hội chợ mới mở cửa đón chân khách tham quan trong nước. “Không chỉ mang hàng hóa ra nước ngoài, chinh phục nhiều người dùng nội địa hơn nữa cũng là con đường DN xuất khẩu cần nghiên cứu nghiêm túc trong giai đoạn này”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM nhận xét. Theo ông Vũ, đây là lần đầu tiên, một hội chợ xuất khẩu chính thức mở cửa để DN xuất khẩu trực tiếp tiếp cận người dùng bản địa. Khách tham quan được mua sắm hàng Việt xuất khẩu với ưu đãi đến 50% cùng các chương trình đồng giá hấp dẫn và tự do trải nghiệm sản phẩm với nhiều hoạt động sáng tạo theo từng thương hiệu.

Lần đầu tiên tiếp cận người dùng TP.HCM, ông Nguyễn Minh Trực, đại diện thương hiệu giày dép VOL’SCI cho biết, sự đón nhận của người mua hàng tại sự kiện lần này giúp DN tự tin hơn rất nhiều. Thời gian trước, VOL’SCI chủ yếu sản xuất gia công cho các thương hiệu lớn và kinh doanh nhỏ ở thị trường Hà Nội. Tiếp cận và biết được nhu cầu khách hàng phía Nam dịp này sẽ là động lực để VOL’SCI mạnh dạn Nam tiến, mở rộng thị trường trong nước, giải quyết bài toán thiếu hụt đơn hàng.

“Không chỉ mang hàng hóa ra nước ngoài, chinh phục nhiều người dùng nội địa hơn nữa cũng là con đường doanh nghiệp xuất khẩu cần nghiên cứu nghiêm túc trong giai đoạn này”Ông Bùi Tá Hoàng Vũ

Không chỉ VOL’SCI, hầu hết các DN tham gia hội chợ đều đón nhận được tín hiệu tích cực từ thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Theo đại diện Vietrade, sau Hội chợ hàng Việt Nam xuất khẩu năm 2023, các cơ quan xúc tiến thương mại cả nước sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình hỗ trợ DN tham dự các hội chợ quốc tế, giao thương kết nối B2B để DN có thể tiếp cận các khách hàng thông qua hệ thống các thương vụ. Bên cạnh đó, Cục Xúc tiến thương mại cũng sẽ phối hợp với các hội ngành nghề tổ chức các chương trình tập huấn DN, báo cáo chia sẻ xu hướng mới để DN nắm được thông tin, từ đó xây dựng lại, cơ cấu lại phương thức kinh doanh để có thể thích nghi trước những biến động và đòi hỏi mới của thị trường hiện nay, đặc biệt là các tiêu chuẩn xanh.

NGUYỄN TRIỀU

Danh mục:

No tag

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác