Đích đến là tự động hóa hoàn toàn

Chưa bao giờ, đầu tư công nghệ cho sản xuất, chế biến gỗ nhiều như hiện nay. Tuy nhiên, vấn đề được quan tâm không còn là đầu tư bao nhiêu mà là đầu tư thế nào để hiệu quả? Và, công nghệ nào sẽ giúp doanh nghiệp (DN) trong ngành tạo được nhiều bước tiến hơn? Là người trực tiếp triển khai, mang công nghệ đến DN trong hơn 10 năm qua, ông Nguyễn Đức Biên, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Phát Triển Kỹ Thuật Việt Nam VTD, đã có những chia sẻ thú vị về vấn đề này
Showroom VTD-Felder

Nhiều chuyên gia cho rằng ngành gỗ đang có những bước chuyển biến rất tích cực, các DN sẵn sàng đầu tư trang thiết bị hiện đại để cải tiến sản xuất. Ông đánh giá thế nào về sự đầu tư này? 

Không chỉ những DN lớn, có doanh số hàng triệu USD, dành nhiều kinh phí để cải tiến sản xuất, mà ngay cả những DN khối SME cũng đang đẩy mạnh đầu tư máy móc và tìm ra những giải pháp để ít lệ thuộc vào con người hơn. Kỳ vọng lớn nhất của họ là có thể tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, tinh xảo hơn để gia tăng giá trị sản phẩm. Tôi nghĩ, đây là quyết định phù hợp với xu thế, nhất là trong bối cảnh ngành gỗ Việt Nam có nhiều lợi thế lẫn tiềm năng như hiện nay.

Đã sẵn sàng bỏ vốn nhưng cách đầu tư của DN Việt Nam hiện hay liệu có hiệu quả?

Như tôi đã nói, khi đầu tư máy móc, DN đều hướng đến hoàn thiện quy trình sản xuất. Do vậy, những lựa chọn của họ được nghiên cứu khá thận trọng và có chiến lược rõ ràng. Theo ghi nhận của chúng tôi, 95% DN đầu tư máy móc đã thực sự có hiệu quả. Phần còn lại vẫn đang loay hoay, chưa thấy được đích đến. Nguyên nhân thì nhiều, trong đó bao gồm cả việc thị trường có những biến chuyển nhất định, khoản đầu tư ấy chưa kịp phù hợp với xu thế.

Vậy theo ông, DN Việt Nam cần chú ý gì trong việc đầu tư trang thiết bị trong bối cảnh hiện nay?

Quan trọng nhất trong đầu tư máy móc, thiết bị chính là chiến lược kinh doanh. Trước khi quyết định khoản đầu tư này sẽ đổ vào đâu, DN cần trả lời được mình đang hướng đến thị trường mục tiêu nào, phân khúc nào, sản phẩm ra sao… và sau đó, tương lai DN mình sẽ thế nào.

Thực tế, cũng có nhiều DN chọn dòng máy chất lượng thấp, công nghệ cũ để đẩy mạnh sản xuất trong thời điểm hiện tại. Con đường này ban đầu thì dễ dàng, giúp DN cho ra những sản phẩm giá thành rẻ hơn nhưng tương lai sẽ không bền. Mức độ cạnh tranh ở thị trường toàn cầu hiện nay là rất lớn, chỉ cạnh tranh về giá là không lâu dài. Thị trường luôn cần và đón nhận những sản phẩm chất lượng cao hơn. Nếu đã đi thì đi phải đến đích cao nhất, phải khẳng định DN mình là ai thay vì thị trường chỉ biết DN mình chỉ làm ra sản phẩm giá rẻ.

Từ việc đầu tư đến gặt hái thành quả là cả một hành trình dài, theo ông, DN cần chú ý điều gì sau đầu tư? Làm thế nào để khai thác sức mạnh của máy móc triệt để nhất?

Trong kinh doanh, từ việc lập kế hoạch đến việc triển khai thành công là con đường dài. DN khi đã đầu tư, không chỉ cần biết cách vận hành, hiểu máy mà còn phải biết quan sát nhịp đập của đời sống sản xuất của ngành để có những điều chỉnh hợp lý. Khách hàng chỉ tính trong nước thôi cũng đã có ảnh hưởng bởi tính chất vùng miền, dẫn đến những lựa chọn khác nhau, huống gì là thị trường thế giới. Có hệ thống sản xuất hiện đại nhưng thiếu sự tinh tế, quan sát thị trường để có những điều chỉnh phù hợp về nhân lực, quản lý thì DN cũng sẽ không tận dụng hết sức mạnh của máy móc để tạo lợi thế riêng cho mình.

Nhắc đến sự hiện đại, ông thấy công nghệ sản xuất đồ gỗ Việt Nam thế nào so với thế giới?

Với sự tham gia năng động của những DN nhập khẩu máy móc, hiện các dòng sản phẩm ứng dụng công nghệ mới nhất của thế giới đều đã có mặt ở Việt Nam. Những DN đầu ngành đều đã có hệ thống CNC, hệ thống quản lý hiện đại, robot… Nghĩa là, chúng ta đã có tài lực, có công nghệ. Đáng tiếc, nếu so sánh với các nước thì 3 yếu tố còn lại để có một nền sản xuất tốt là nguyên liệu, con người và phương pháp sản xuất thì vẫn chưa ổn. Nhiều đơn vị nhập khẩu đồ gỗ của thế giới vẫn phàn nàn DN Việt ở 3 yếu tố này.

Theo ông, công nghệ chế biến gỗ Việt Nam nên đi hướng công nghệ gì trong những năm tới?

Chủ đạo vẫn là công nghệ chính xác cao CNC, và thời gian tới, công nghệ này sẽ cải tiến nhiều hơn, tốc độ nhanh hơn, độ chính xác cao hơn… Đồng thời, tương lai không xa sẽ là sự phát triển của tự động hóa hoàn toàn. DN sẽ hướng đến những giải pháp có thể vận hành từ khâu đầu vào nguyên liệu đến đầu ra thành phẩm. Tất nhiên, xu hướng này cũng đòi hỏi đầu tư khá cao.


Một sản phẩm máy dán cạnh của Felder

Điều DN quan tâm nhất là vấn đề hậu mãi, giải quyết các công tác phát sinh trong quá trình sử dụng, vận hành thiết bị… VTD giải quyết vấn đề này thế nào, thưa ông?

Chúng tôi quan niệm phòng bệnh hơn chữa bệnh. Khi mang đến DN những thiết bị, giải pháp, cách tốt nhất là phải đồng hành cùng họ. Ngoài việc tổ chức tốt vấn đề huấn luyện, chuyển giao công nghệ… thì ba tháng một lần, VTD sẽ  tổ chức thăm khách hàng để kiểm tra hệ thống mình đã bàn giao. Với những trục trặc không thể tránh khỏi dù đã “phòng bệnh” như vậy, chúng tôi dự phòng bằng phương án nhập sẵn trang thiết bị thay thế để nếu có phát sinh, có thể thay thế ngay. Với DN, tiến độ sản xuất rất quan trọng, trong tình huống xấu nhất là thiết bị hỏng thì thời gian thay thế, sữa chữa cũng giảm thiểu nhất.

Xin cảm ơn ông về những trao đổi này! 

Năm 2011, sau gần 10 năm kinh doanh thiết bị công nghệ cho ngành điện, truyền hình, hàng không…, Công ty Phát triển kỹ thuật Việt Nam (VTD) trở thành nhà phân phối độc quyền sản phẩm máy chế biến gỗ của Tập đoàn Felder – Áo. Felder là một trong những nhà sản xuất máy chế biến gỗ hàng đầu trên thế giới, sản phẩm của họ đã được sử dụng rộng rãi hơn 60 năm qua.

Danh mục:

No tag

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác