,

Đón sóng phục hồi

Dù khó có thể hoàn thành mục tiêu xuất khẩu đạt 17 tỷ USD đề ra đầu năm 2023 và không giữ được đà tăng trưởng liên tục nhưng ngành chế biến gỗ Việt Nam được xem là đã bước qua được giai đoạn khó khăn nhất, tiến đến phục hồi.

 

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, ước tính trong tháng 10/2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,2 tỷ USD, tăng 5,7% so với tháng 9/2023. Đây là một trong những tín hiệu tích cực mà ngành chế biến gỗ mong đợi, dù tính chung 10 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu mới chỉ đạt 10,8 tỷ USD, giảm 19,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Bước chững lại của ngành chế biến gỗ

Nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm hỗ liên tục suy giảm kể từ đầu năm 2023 được các chuyên gia trong ngành xác định là do tổng cầu giảm. Đây là kết quả từ tác động của lạm phát và chính sách tiền tệ thắt chặt tại nhiều thị trường nhập khẩu đồ nội thất lớn. Theo ông Trần Lam Sơn – Tổng giám đốc Thiên Minh Furniture, thời gian gần đây hoạt động xuất khẩu của ngành gỗ đã và đang có xu hướng phục hồi tích cực. Nhiều doanh nghiệp (DN) trong ngành đã có đơn hàng trở lại, phục vụ cho mùa mua sắm đồ nội thất cuối năm của thị trường thế giới.

Hoạt động xuất khẩu của ngành gỗ có xu hướng phục hồi tích cực. Ảnh: Quý Hòa

Thống kê từ Tổng cục Hải Quan cho thấy, nhiều mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu đã tăng trở lại như ghế khung gỗ, ván sàn, dăm gỗ…. ông Nguyễn Chánh Phương – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký HAWA cho biết, mặc dù vẫn tăng trưởng âm, nhưng mức độ sụt giảm đã thu hẹp lại. Từ tháng 7 đến nay, tăng trưởng của ngành đều tăng so với tháng trước đó.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng toàn cầu được dự báo đạt 2,1% trong năm 2023, tốc độ thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Nhu cầu tiêu dùng của kinh tế thế giới sẽ sụt giảm, nhất là các mặt hàng không thiết yếu. Theo ông Nguyễn Chánh Phương, đến cuối năm 2023, tăng trưởng vẫn chưa thể có đột phá lớn.

Đối chiếu số liệu xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương dự kiến, trong 3 tháng cuối năm 2023 xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt khoảng hơn 4 tỷ USD, đưa kim ngạch xuất khẩu trong năm 2023 lên 13,6 tỷ đến 14 tỷ USD. Do đó, mục tiêu xuất khẩu 17 tỷ USD trong năm 2023 có thể không thể hoàn thành.

Cơ hội ở phía trước

Năm 2022, xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt đạt 15,67 tỷ USD, tăng 10,9% so với năm 2021. Doanh số dự kiến mà Bộ Công Thương đưa ra cho ngành gỗ trong năm 2023 cho thấy bước thụt lùi trong doanh số xuất khẩu. Đây có thể là năm đánh dấu sự gián đoạn trong mạch tăng trưởng liên tục của ngành chế biến gỗ Việt Nam. Tuy nhiên, xét về cơ hội thì độ phục hồi của ngành là khá nhanh, nếu so với các ngành xuất khẩu chủ lực khác.

Bắt đầu từ quý III, khi hàng tồn kho ở các thị trường mà Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu đã giảm, tình hình sản xuất nội thất đã có phần sáng sủa hơn. Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra đầu tháng 9/2023, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đưa ra con số khá lạc quan. Cụ thể, tại Mỹ, 6 tháng đầu năm tồn kho ở mức 20%, nhưng đến tháng 8 đã giảm còn 10% và dự báo đến cuối năm 2023 sẽ tiệm cận về mức 0%. Theo thứ trưởng, đây chính là cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Khảo sát tại các DN chế biến gỗ Việt Nam, thực tế sản xuất đã nhộn nhịp trở lại. Nguyễn Thanh, Lâm Hiệp Hưng, PORA… là những DN điển hình với việc khôi phục năng lực sản xuất.  Ông Nguyễn Văn Sang – Giám đốc điều hành Công ty Nội ngoại thất FURNIST cho biết, tính đến cuối tháng 10, đơn hàng đã trở lại khoảng 30 – 40%. Từ nay đến cuối năm, đơn hàng dự kiến vẫn tiếp tục trở lại.

Tuy nhiên, tín hiệu tích cực này vẫn đính kèm các thử thách nhất định, khi mà các thị trường tiêu thụ chính của Việt Nam như Mỹ, EU… liên tục đặt ra các tiêu chuẩn mới cho hàng hóa nhập khẩu. Trong đó, các tiêu chuẩn bền vững, thân thiện với môi trường được đặt ra hàng đầu. Ông Nguyễn Chánh Phương cho rằng, ngành đã trải qua thời gian tăng trưởng liên tục trong 10 – 15 năm với mức tăng trưởng mỗi năm đạt 10 – 15%. Bước sụt giảm lần này phụ thuộc nhiều ở yếu tố khách quan nhưng cũng đã cho thấy tính cần thiết trong việc chủ động hơn của kinh doanh toàn cầu, thay vì chỉ ngồi đợi đơn hàng đến như trước đây. “Thời gian tới, các DN cần đầu tư nhiều hơn trong công tác phát triển sản phẩm, mạnh dạn đầu tư chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, từ đó tạo lợi thế cạnh tranh”, ông Phương nhấn mạnh.

Theo ông Phương, tiềm năng mở rộng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong thời gian tới vẫn rất lớn, cơ hội mở rộng sang các thị trường mới như Ấn Độ, Trung Đông khá cao. Quy mô thị trường đồ nội thất toàn cầu được Fortune Business Insights định giá 516,66 tỷ USD vào năm 2022 và dự báo tăng trưởng từ 541,52 tỷ USD năm 2023 lên 780,43 tỷ USD vào năm 2030. Dư địa cho DN nội thất Việt Nam phát triển hoàn toàn rộng lớn.

Vì điều này mà Tổng cục Lâm nghiệp, các hiệp hội mà cụ thể là HAWA đang rất quyết liệt trong tìm kiếm các giải pháp nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành gỗ từ việc ứng dụng công nghệ, chủ động nguồn nguyên liệu hỗ trợ, thu hút đội ngũ sáng tạo trẻ cho ngành đến việc tiếp cận với những thị trường mới… Bước chuẩn bị này là hết sức cần thiết để DN trong ngành có thể sớm đón làn sóng phục hồi của nhu cầu nội thất thế giới.

Minh Nam

Danh mục:

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác