Quốc gia xuất khẩu nội thất đứng thứ ba thế giới dường như đang đứng ngoài vòng xoáy của thuế đối ứng nhờ vào việc tạo dựng được lợi thế cạnh tranh riêng biệt.
Ngành công nghiệp nội thất Ba Lan đã được công nhận trên toàn cầu trong nhiều năm qua. Theo Cục Thống kê Trung ương, năm 2024, Ba Lan có hơn 32.000 nhà sản xuất nội thất, sử dụng khoảng 150.000 lao động. Năm 2023, giá trị sản xuất nội thất của Ba Lan đạt 15,8 tỷ USD, đưa Ba Lan trở thành nhà sản xuất lớn thứ ba trên toàn thế giới, sau Italy và Đức. Các nhà sản xuất nội thất Ba Lan ngày càng mang đến cơ hội nhập khẩu hấp dẫn cho các doanh nghiệp Mỹ.
Thế mạnh tổng hòa
Thành công của hoạt động xuất khẩu đồ nội thất Ba Lan tổng hòa của các yếu tố: Giá cả cạnh tranh, thiết kế hấp dẫn và vật liệu chất lượng cao. Các nước Tây Âu là thị trường chính cho sản phẩm nội thất xuất khẩu của Ba Lan, trong đó dẫn đầu là nước Đức (6,8 tỷ USD), tiếp theo là Pháp và Cộng hòa Séc (gần 1,5 tỷ USD mỗi nước), Hà Lan và Vương quốc Anh (hơn 1,15 tỷ USD mỗi nước, dựa vào dữ liệu xuất khẩu năm 2023).
Các nhà sản xuất Ba Lan có được lợi thế về giá cả cạnh tranh nhờ chi phí sản xuất thấp hơn so với các đối tác Tây Âu. Sự sẵn có của vật liệu chất lượng cao là nhờ ngành công nghiệp gỗ lớn mạnh và ngày càng mở rộng của Ba Lan. Trong năm 2023, Cục Lâm nghiệp Nhà nước Ba Lan đã bán ra 39,164 triệu mét khối gỗ.
Một yếu tố quan trọng khác dẫn đến thành công của ngành nội thất là thế mạnh thiết kế. Theo Bảng xếp hạng Thiết kế Thế giới (World Design Rankings) 2024, Ba Lan nằm trong số 20 quốc gia sở hữu nhiều nhà thiết kế tài năng nhất. “Các nhà sản xuất nội thất Ba Lan không chỉ bắt kịp mà còn tạo ra những xu hướng mới trong ngành. Họ hiểu được nhu cầu của người dùng cuối, luôn thể hiện sự linh hoạt và đổi mới trong các lĩnh vực chính như thiết kế, tìm nguồn cung ứng và sản xuất. Chúng ta cũng đang chứng kiến xu hướng mua nội thất trực tuyến ngày càng tăng và đồ nội thất Ba Lan xuất hiện ngày càng nhiều trên các nền tảng thương mại điện tử”, Anna Jurkowska, chuyên gia chính thuộc Phòng Hỗ trợ Xuất khẩu Cơ quan Đầu tư và Thương mại Ba Lan (Polish Investment and Trade Agency – PAIH) cho biết.
Khả năng thay thế Việt Nam
Sự hợp tác giữa các công ty Ba Lan và Mỹ trong lĩnh vực nội thất không ngừng phát triển. Năm 2022, Ba Lan được xếp hạng là nhà cung cấp đồ nội thất lớn thứ 13 cho thị trường Mỹ, năm 2023 và 2024, nước này vươn lên vị trí 11 và là một trong những nhà cung cấp tăng trưởng nhanh nhất so với các quốc gia quan trọng khác. Năm 2024, Ba Lan xuất khẩu khoảng 302 triệu USD sang Mỹ.
Từ mức thuế 0 đến 3% hiện tại, chính sách thuế đối ứng của Tổng thống Donald Trump sẽ tác động đến nền kinh tế Ba Lan ở mức vừa phải. Theo báo cáo có tiêu đề “Hậu quả tiềm tàng của những thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ đối với nền kinh tế Ba Lan” cho thấy 2,6% GDP của Ba Lan được tạo ra nhờ nhu cầu của Mỹ đối với giá trị gia tăng của Ba Lan. Nếu Mỹ áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ EU, GDP của Ba Lan có thể giảm 0,38 – 0,43%.
Danh mục sản phẩm lớn nhất trong hoạt động xuất khẩu đồ nội thất của Ba Lan là sản phẩm nội thất ghế ngồi, chẳng hạn như: Đồ nội thất bọc nệm, nội thất văn phòng và bán lẻ, nội thất nhà bếp và nệm. Đồ nội thất Ba Lan có tiềm năng trở thành lựa chọn thay thế hấp dẫn trong bối cảnh thuế quan đe dọa đánh vào các sản phẩm từ Trung Quốc, Việt Nam, Mexico hoặc Canada.
Nắm bắt cơ hội này, PAIH đưa ra chương trình “Ba Lan kinh doanh vươn xa”, hỗ trợ và thúc đẩy ngành công nghiệp nội thất Ba Lan. Sáng kiến này như một phần của dự án “Quốc tế hóa các doanh nghiệp nhỏ và vừa – Brand HUB” của Cơ quan Đầu tư và Thương mại Ba Lan, hợp tác với Bộ Phát triển và Công nghệ, theo chương trình “Các quỹ châu Âu dành cho nền kinh tế hiện đại 2021-2027”.
Bùi Trần