,

Dụng công nghệ tạo lợi thế cạnh tranh

Với sự phát triển của công nghệ, giải pháp chuyển đổi số (CĐS) trong sản xuất, vận hành doanh nghiệp (DN) ngày càng sát thực, mang lại hiệu quả đầu tư rõ rệt. Tuy nhiên, CĐS hoàn toàn không phải là câu chuyện bỏ đi lợi thế nhân công giá rẻ hiện có. Theo chuyên gia tư vấn Nguyễn Hữu Hùng, nhà sáng lập IRTECH, quá trình này sẽ giúp DN nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

* Là người gắn bó với công nghệ, trong hành trình hơn 18 năm tư vấn CĐS, ông đánh giá thế nào về nhận thức của DN về vấn đề này?

– Đến bây giờ thì CĐS không còn là khái niệm mới. DN đã nhận thức được tầm quan trọng của CĐS trong việc nâng cao năng suất, gia tăng lợi thế cạnh tranh, nhưng gần như DN các ngành khi bắt đầu con đường này đều bị vướng trong việc xác định mục tiêu.

Cần phải thấy CĐS là khoản đầu tư sẽ mang lại được những giá trị cụ thể nào. Đây là một hành trình có nhiều biến số, liên quan đến hoạt động thực tế. Với ngành gỗ, mô hình sản xuất chứa rất nhiều công đoạn, với sự tham gia của không ít thành phần dễ dẫn đến nhiều vấn đề phát sinh, mất thời gian và nhiều sai sót. Do vậy, xác định mục tiêu càng cụ thể thì DN càng nhanh đến đích, tránh được tình trạng mơ hồ, dẫn đến tình trạng mất nhiệt tình, thiếu quyết tâm.

* DN sẽ thiết lập chiến lược CĐS dựa trên các yếu tố nào, thưa ông?

– Tựa như một khối rubic, chiến lược CĐS bao gồm 6 trụ cột chính, hỗ trợ nhau tạo nên giá trị bền vững cho DN. Bao gồm: Phân tích dữ liệu, chiến lược, công nghệ, văn hóa công ty, tinh thần đổi mới sáng tạo và cuối cùng là tương tác khách hàng. Đây cũng là những yếu tố mà một DN bền vững, toàn diện cần phải hội tụ đủ.

Lộ trình CĐS sẽ bắt đầu từ xác định mục tiêu và chiến lược chuyển đổi số, sau đó việc thành lập ban chuyên trách về chuyển đổi số để giám sát, thực hiện tiếp các bước tiếp theo. Lộ trình này thường kéo dài từ 3 đến 5 năm. Trong thời gian đó, tinh thần, quyết tâm là giá trị quan trọng nhất. Bắt buộc phải có sự chuyển đổi nhận thức cả công ty, từ chủ DN đến đội ngũ quản lý, nhân viên…

* Nhưng DN thường quan tâm nhiều đến lựa chọn công nghệ nào là phù hợp?

– Các vấn đề ưu tiên trong CĐS cần được xếp theo hình kim tự tháp. Trong đó, đứng đầu là kinh doanh, tầng thứ hai là vận hành và công nghệ thuộc tầng cuối cùng, sau khi các vấn đề trên được làm sáng tỏ. Công nghệ chỉ là một phần trong tam giác 3 tầng này.

Với sự tiến bộ rất nhanh của khoa học, thị trường mang đến cho DN nhiều công nghệ, giải pháp cũng nhiều hơn. Hiện các ngành sản xuất đã có thể ứng dụng từ IoT, Robotics, Blockchain, EMS, đo đếm thông minh AMI, GIS đến Machine Learning, Big Data,…  Hệ thống quản lý thì cũng phong phú với ERP, POS, CRM, PMS, QSM… Do vậy, DN phải biết biết lựa chọn công nghệ phù hợp. Như đã nói, đặc thù của sản xuất đồ nội thất Việt Nam hiện nay là nhiều khâu, dẫn đến thực tế sẽ có nhiều vấn đề phát sinh, nếu quá trình phân tích dữ liệu được thực hiện tốt thì việc hoạch định chiến lược cũng sẽ hiệu quả hơn.

* Hiện tại, nhân công giá rẻ vẫn đang là lợi thế cạnh tranh của DN Việt Nam. Nếu so sánh việc tận dụng lao động và đầu tư công nghệ, theo ông, lựa chọn nào mang lại hiệu quả trước mắt hơn?

– Bản chất của CĐS là làm thế nào để tăng doanh thu chứ không phải là giảm nhân lực. Kết quả từ các DN đã thực hiện thành công CĐS cho thấy, có thể tiết kiệm đến 50% chi phí nhân sự và quản lý, nâng cao sự hợp tác giữa các phòng ban. Tiết kiệm đến 30 – 40% thời gian triển khai các hoạt động nhờ tối ưu quy trình và tự động hóa triển khai. Việc ứng dụng hệ thống sẽ làm lộ ra những vị trí dư thừa trong hệ thống. DN có thể từ đó bố trí lại cơ cấu nhân lực hợp lý, tạo điều kiện và cơ hội để nhân lực phát triển kỹ năng cho những công việc phù hợp. Như vậy, CĐS cũng sẽ góp phần nâng cao chất lượng lao động.

Ngoài những con số cụ thể, về mặt kinh doanh, CĐS còn giúp DN cải thiện các quyết định kinh doanh nhờ khả năng phân tích dữ liệu và dự báo thị trường, tăng khả năng cạnh tranh, duy trì năng lực đổi mới bất chấp hạn chế về quy mô, nhân lực và ngân sách; cải thiện trải nghiệm khách hàng và nhân viên, gia tăng khách hàng mới và giữ chân khách hàng cũ nhờ tối ưu hóa quy trình.

Với tất cả những lợi ích thiết thực này, DN có thể nâng cao hiệu quả hoạt động, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu sai sót. Từ đó, tăng trưởng trung bình 55% lợi nhuận.

* Vấn đề chi phí đầu tư, sau thời gian khó khăn do thiếu đơn hàng suốt năm 2023 vừa qua, cũng là vấn đề cản trở quyết định CĐS?

– Bài toán kinh tế đúng là phải được đặt lên cân nhắc rất kỹ và việc lựa chọn hệ thống, công nghệ cũng sẽ tùy thuộc vào khả năng, ngân sách của DN. Trong vấn đề này, lại phải quay về viên gạch đầu tiên trong khối rubic là việc mổ xẻ hiện trạng DN, phân tích dữ liệu. Phải xem phần công nghệ nào DN đã đầu tư còn dùng được, tổ chức kết nối với hệ thống mới để tận dụng được hết các nguồn lực.

Cũng cần lưu ý rằng, với sự biến chuyển rất nhanh của thị trường hiện nay, việc đầu tư hệ thống công nghệ đòi hỏi tính nhanh, linh hoạt chứ không phải tính chắc chắn như thời gian trước.

* Xin cảm ơn ông!

Quân Huỳnh thực hiện

Danh mục:

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác