,

Đường mới ở Wayfair

22 triệu khách hàng mua sắm thường xuyên và hơn 20.000 nhà bán hàng tham gia là cơ hội đầy hấp dẫn mà Wayfair, nền tảng mua sắm nội ngoại thất online hàng đầu thế giới, có thể mang lại cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam.

 

Wayfair là một công ty bán lẻ trực tuyến chuyên về nội thất và trang trí nội thất, thành lập vào năm 2002 có trụ sở tại Boston, Massachusetts, Hoa Kỳ. Năm 2020, Wayfair trở thành thương hiệu đứng thứ hai trong danh sách các công ty nội thất lớn nhất thế giới. Hết năm 2022, tổng doanh thu thuần của Wayfair đạt 12,2 tỷ USD.

Hướng đi chuyên biệt

Từ Mỹ, Wayfair không ngừng phát triển sang các thị trường tiềm năng như: Canada, Anh… So với các ông lớn thương mại điện tử (TMĐT) toàn cầu, Wayfair nhiều khác biệt. Đây là nền tảng tập trung vào mảng nội và ngoại thất, vốn là ngành hàng đối mặt với trở ngại lớn khi tham gia TMĐT. “Thế mạnh của Wayfair là đã tổ chức thành công hệ sinh thái TMĐT, từ giao dịch đến giao nhận nội ngoại thất”, bà Jessica Zhou, Trưởng phòng Tư vấn giải pháp đối tác của Wayfair khu vực châu Á chia sẻ.

Theo bà Jessica Zhou, khách mua đồ nội thất online muốn giao tiếp với nhà bán hàng, muốn thấy được sản phẩm thực tế thế nào, ứng dụng vào không gian trong nhà ra sao… Do vậy, Wayfair tập trung ứng dụng công nghệ gia tăng trải nghiệm, chăm sóc khách hàng, cung cấp các công cụ kết nối nhà bán hàng với khách mua hàng. Để khắc phục đặc thù sản phẩm cồng kềnh, phải vận chuyển, lắp ráp… Wayfair đầu tư chuỗi cung ứng rất kỹ, từ dịch vụ nền tảng, khâu lưu kho, giao nhận, marketing… để khách hàng trải nghiệm mua sắm thuận tiện, giúp nhà cung cấp tiếp cận người dùng tốt hơn.

Khách hàng có thể tìm kiếm và mua mọi món đồ nội ngoại thất, từ tủ giường bàn ghế đến thảm chùi chân, lọ cắm hoa… trên Wayfair. Mới đây, sàn online này còn mở thêm ngành hàng phục vụ nhu cầu chăm sóc thú cưng. “Hiện, thị trường quan trọng của chúng tôi là Bắc Mỹ, doanh số hơn 470 tỷ USD, kế đó là châu Âu, 270 tỷ. Trong số 22 triệu người mua hàng toàn cầu, tỷ lệ khách hàng trung thành rất cao. 78% người mua hàng trên Wayfair sẽ mua lại. Chúng tôi đang nỗ lực thu hút thêm các nhà bán hàng để mang đến thêm lựa chọn cho người dùng, tạo điều kiện tối đa để cho tham gia sàn. Đây là cơ hội kinh doanh, xuất khẩu trực tiếp cho các DN sản xuất nội thất của Việt Nam”, đại diện Wayfair khẳng định.

Chủ động để có được lợi thế

Đánh giá cao tiềm năng của TMĐT, bà Dương Thị Minh Tuệ, đại diện Công ty Minh Dương cho rằng, trong bối cảnh suy giảm đơn hàng hiện nay, DN ngành nội thất đang rất nỗ lực để tìm kiếm những cơ hội mới. Tham gia các kênh bán hàng online là một trong số đó. Với việc tập trung chuyên vào ngành nội thất, Wayfair đã trở thành lựa chọn đầu tiên khi người dùng có nhu cầu mua sắm trang hoàng nhà cửa online. “Nền tảng này là mô hình B2B kết hợp B2C, linh hoạt để DN có thế tham gia theo năng lực của mình”, bà Tuệ nhận xét .

Với khách hàng chính từ 30 đến 70 tuổi, độ tuổi thường xuyên mua hàng điện tử, phần lớn đảm nhiệm vai trò nội trợ, thích trang trí, chăm sóc nhà cửa… khách mua hàng trên Wayfair thường chọn lựa rất kỹ, chú trọng chất lượng chứ không phải giá thành. Họ có “gu” tiêu dùng độc lập, ít bị ảnh hưởng và luôn tìm kiếm các sản phẩm độc đáo. “DN cần chủ động trong khâu phát triển thiết kế, sản xuất, đầu tư cho công tác tổ chức hình ảnh, thông tin sản phẩm chi tiết và vận chuyển trước đến thị trường tiềm năng”, bà Jessica Zhou chia sẻ. Theo bà Zhou, Wayfair có thế mạnh trong việc marketing cho sản phẩm. Khi người dùng lên đơn hàng, nhà cung cấp chỉ cần chuẩn bị hàng hóa, đóng gói rồi dùng dịch vụ chuyển phát. Wayfair làm việc với nhà cung cấp này. Sau đó, chăm sóc các vấn đề phát sinh như thanh toán, hoàn trả hàng nếu có. Nhờ vậy, DN tiết kiệm được thời gian, nhân lực.

Quy trình bán hàng trên Wayfair có những đòi hỏi nhất định. Trong đó, điều kiện bắt buộc để bán hàng trên Wayfair là sản phẩm phải chất lượng, phải đạt các tiêu chí kiểm duyệt về mặt chất lượng, môi trường… của bên thứ ba, các tổ chức độc lập. Sản phẩm phải được vận chuyển trước vào kho ngoại quan ở các quốc gia. Tài khoản đăng ký bán hàng phải là tài khoản của DN, không dùng tài khoản cá nhân. DN có trách nhiệm tuân thủ nghĩa vụ thuế với quốc gia mua hàng.

Ông Nguyễn Chí Mỹ, nhà sáng lập Yes4all cho biết, tuy đòi hỏi khá cao nhưng bù lại, Wayfair cũng tạo điều kiện phát triển rất tốt cho đối tác bán hàng. Tháng 2/2023, khi mới thử nghiệm với Wayfair, Yes4all vẫn chưa có đơn hàng nhưng chỉ đến tháng 5 thì đã ghi nhận tăng trưởng rất nhanh. Đà tăng trưởng đơn hàng kéo dài đến cuối năm, bất chấp mua sắm nội thất không được ưu tiên do ảnh hưởng bởi lạm phát. Trong năm mới, Yes4all tự tin sẽ giữ được “phong độ” bán hàng trên Wayfair nhờ hàng loạt chính sách hỗ trợ DN bán hàng từ phía sàn giao dịch. Ông Mỹ khẳng định, chiến lược của Yes4all là bán sản phẩm nội thất có thiết kế và sản xuất ở Việt Nam ra thị trường thế giới.

Sở hữu kinh nghiệm hơn 14 năm trong lĩnh vực TMĐT, ông Mỹ cho rằng, để có thể phát triển trên các sàn thương mại online, DN phải có khả năng dự đoán sản phẩm tiềm năng, dịch vụ phải sẵn sàng, đầu tư thiết kế và chú trọng công tác marketing… “Tiềm năng kinh doanh nội thất online là sự kết hợp giữa “thiên thời” và chiến lược riêng của mỗi DN. Năng lực sản xuất nội thất ở Việt Nam đã sẵn có và cơ hội ở thị thì rộng mở. Tôi tin đây sẽ là con đường giúp ngành có thể phát triển các giá trị cao hơn trên chuỗi cung ứng”, ông Mỹ nói.

Minh Phương

Danh mục:

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác