,

EUDR tác động và tác dụng

Chính thức có hiệu lực từ 29/6/2023, giai đoạn chuẩn bị kéo dài từ 18 đến 24 tháng, EUDR hướng tới mục đích chính là đảm bảo người dùng không góp phần tạo nên suy thoái rừng. Đồng thời, góp phần giảm phát thải ở quy mô quốc tế, chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

 

Cũng như các ngành cung ứng cà phê, cao su… chuỗi cung ứng chế biến gỗ sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong việc đáp ứng Quy định không phá rừng của Liên minh Châu Âu (EUDR).

Nguy cơ vùng rủi ro

Theo EUDR, EU sẽ cấm nhập khẩu những mặt hàng nông sản có quy trình sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng. Thời điểm mất rừng là sau ngày 31/12/2020. Cụ thể, trước khi nhập khẩu các mặt hàng vào EU các công ty phải đưa ra tuyên bố thực hiện trách nhiệm giải trình. Trách nhiệm này thể hiện ở việc công bố các thông tin bao gồm: chi tiết về công ty, sản phẩm nhập khẩu, số lượng nhập và địa điểm (geolocation) về vị trí của tất cả các mảnh đất nơi sản xuất các mặt hàng. Trong đó, vị trí địa lý của một thửa đất được mô tả bằng kinh độ và vĩ độ, có đường ranh giới thửa đất và được số hóa.

Dựa trên đó, cơ quan quản lý của EU (CA) có thể xác nhận về nguy cơ gây mất rừng bằng các hệ thống giám sát viễn thám. Không dừng lại ở đó, CA cũng sẽ quyết định tỷ trọng về số lượng công ty và hàng hóa nhập khẩu kiểm tra. Hàng hóa nhập khẩu hoàn toàn có thể bị tịch thu và các công ty có thể bị cấm xuất/nhập khẩu hoặc có thể bị xử phạt nếu không tuân thủ các quy định mới này.Đáng chú ý, các quốc gia hoặc vùng sản xuất hàng hóa sẽ được xếp hạng về rủi ro theo 3 nhóm: Rủi ro cao, thấp hoặc trung bình. Các sản phẩm nhập khẩu từ các quốc gia vùng rủi ro cao sẽ chịu giám sát chặt chẽ hơn, kiểm tra gắt gao hơn. Ví dụ, vùng rủi ro thấp, tỷ lệ kiểm tra nhà nhập khẩu tối thiểu chỉ 1% nhưng vùng trung bình là 3% và vùng rủi ro cao sẽ là 9%, kiểm thêm 9% tỷ lệ kiểm tra hàng hóa tối thiểu.

Việt Nam có khoảng 3,5 triệu ha rừng trồng sản xuất, chủ yếu là keo

Đến nay, EU vẫn đang trong quá trình phân loại các quốc gia cung ứng hàng hóa. Theo EU, việc phân loại căn cứ vào các tiêu chí thể hiện như: tốc độ mất rừng và suy thoái rừng; tốc độ mở rộng diện tích sản xuất các mặt hàng có liên quan (cụ thể là rừng trồng gỗ); xu thế sản xuất các sản phẩm liên quan. Ngoài ra, việc phân loại của EU cũng quan tâm đến các thông tin bên lề như chính sách từ cơ quan quản lý quốc gia/vùng sản xuất; thông tin từ công ty, các tổ chức phi chính phủ, từ bên thứ ba về các nỗ lực giảm phát thải trong nông, lâm nghiệp và các loại hình sử dụng đất. Chậm nhất là 30/12/2024, các nhà quản lý sẽ công bố danh sách các quốc gia/vùng theo từng nhóm rủi ro. Việt Nam nằm ở đâu trong danh sách này, đến nay, vẫn còn là “ẩn số”.

Thách thức không hề nhỏ

Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp, Việt Nam hiện có khoảng 3,5 triệu ha rừng trồng sản xuất, chủ yếu là keo. Trong đó, diện tích rừng có chứng chỉ FSC, PEFC là dưới 10%, bao gồm cả diện tích trồng cao su. Nếu tách diện tích cao su ra thì ngành chỉ còn khoảng 5% diện tích rừng trồng đạt các tiêu chuẩn bền vững, có chứng chỉ.

Việt Nam khai thác dung lượng gỗ bình quân từ rừng trồng là trên 30 triệu m3/năm. Xét về sở hữu diện tích rừng trồng, Việt Nam có khoảng 199 công ty lâm nghiệp nhà nước, doanh  nghiệp (DN) tư nhân, hợp tác xã quản lý 2,1 triệu ha. Phần còn lại là 1,1 triệu hộ trồng rừng, quản lý 1,4 triệu ha. Bình quân mỗi hộ có sở hữu tầm 2 đến 3 lô đất khác nhau. Khoảng 60% hộ có sổ đỏ, phần còn lại là chưa. Nghĩa là, lâm dân đóng vai trò chủ đạo trong cung ứng gỗ rừng trồng nhưng đất sản xuất thì manh mún, mỗi hộ có nhiều mảnh đất khác nhau. Việc xác minh nguồn gốc đất rừng trồng sẽ mất nhiều thời gian, nhất là phải phụ thuộc vào chính sách, thủ tục từ chính quyền địa phương.

Bên cạnh đó, trong tổng số gỗ khai thác được hàng năm, chỉ 30 đến 40% là gỗ lớn, được dùng chế biến nội thất. Phần còn lại dùng sản xuất các chế phẩm khác như viên nén, gỗ nhân tạo, bột giấy… Thực sự, Việt Nam vẫn chưa thống kê được rõ tỷ trọng của sản phẩm nội, ngoại thất được làm từ gỗ rừng trồng. Chuỗi cung gỗ rừng trồng cũng phức tạp, thông qua nhiều khâu trung gian, nhiều bên tham gia.

Thời điểm EU tính toán việc mất rừng là 31/12/2020. Dù rằng, hoạt động sản xuất gỗ rừng trồng tại Việt Nam không gây mất thêm rừng nhưng trừ các diện tích đã đạt chứng chỉ, việc truy xuất nguồn gốc phần lớn diện tích rừng trồng còn lại rất khó khăn. Thách thức mà ngành đối diện sẽ khá lớn.

Thích ứng với luật chơi mới

Trong trường hợp Việt Nam bị EU xếp loại rủi ro thì toàn bộ chuỗi cung, bao gồm hàng nghìn DN và hàng triệu hộ trồng rừng sẽ bị tác động tiêu cực. Do vậy, thời gian này, Chính phủ cần chủ động kết nối, cung cấp thông tin và đối thoại với EU nhằm có được vị trí thuận lợi trong bảng xếp hạng mức độ rủi ro ở từng quốc gia. Cụ thể, những thông tin tích cực nên được cung cấp bao gồm: thực trạng chuỗi cung ứng rừng trồng; thực trạng quản lý bảo vệ rừng; bản đồ và dữ liệu hiện trạng rừng và diễn biến rừng; các chương trình dự án bảo vệ rừng; đề án phát triển rừng bền vững cũng như chiến lược phát triển lâm nghiệp quốc gia.

Trồng rừng, bảo vệ rừng là tiền đề phát triển bền vững

Là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam, EU hiện tiêu thụ sản phẩm gỗ, cà phê, cao su nhiều từ Việt Nam. 3/7 loại hàng hóa nằm trong chương trình EUDR này cần được Nhà nước kiến nghị EU xếp loại theo nhóm mặt hàng để tránh chính sách bao trùm cho tất cả.

Thực tế, với sự tuân thủ khá tốt các chính sách truy xuất nguồn gốc trước đây, ngành chế biến gỗ đã là đại diện tiên phong trong chiến lược phát triển bền vững. Trước thách thức này, DN cần có được chuẩn bị tốt hơn, từ việc thu thập thông tin và có chiến lược giảm thiểu rủi ro bằng cách rà soát toàn bộ chuỗi cung, xác định các rủi ro liên quan trong chuỗi như: hộ trồng rừng, thương lái, thửa đất, các bên liên quan… Lúc này, DN cần ưu tiên thúc đẩy nguồn cung có chứng chỉ. Đồng thời, giúp lâm dân xác định vị trí thửa đất và làm chứng nhận sở hữu đất rừng trồng càng sớm càng tốt.

Để tác động của EUDR không tiêu cực mà trở thành cơ hội giúp Việt Nam quyết liệt hơn trong việc theo đuổi các mô hình nông nghiệp bền vững, phía hiệp hội cũng cần chủ động đánh giá toàn bộ chuỗi cung, thực trạng sản xuất, vùng nguyên liệu và cung cấp thông tin cho các bên liên quan. Việc phối hợp các cơ quan ban ngành, địa phương, tuyên truyền cho DN về EUDR, triển khai tập huấn… từ bây giờ thực sự rất cần thiết cho tương lai. Bởi từ EU, các thị trường khác rồi cũng có thể triển khai những đòi hỏi tương tự.

Tô Xuân Phúc – Giám đốc điều hành Forest Trends

Danh mục:

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác