,

FDI Trung Quốc trong ngành gỗ: Tác động từ hai làn sóng

Trong khối doanh nghiệp (DN) FDI, các DN Trung Quốc đóng vai trò quan trọng nhất. Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy số dự án (DA) từ Trung Quốc đầu tư vào ngành trong 10 tháng đầu 2023 chiếm 51,4% trong tổng số DA FDI, tương đương 38,9% tổng vốn FDI đầu tư vào ngành trong cùng giai đoạn. Nhìn chung, các DA FDI từ Trung Quốc có vốn đầu tư nhỏ (4,8 triệu USD/DA so với 14,2 triệu USD/DA từ Nhật, trên 6 triệu USD/DA từ Singapore).

Tận dụng lợi thế

Đầu tư FDI từ Trung Quốc vào ngành gỗ Việt Nam có thể phân thành hai làn sóng.

Làn sóng thứ nhất hình thành kể từ khi căng thẳng thương mại Mỹ – Trung bắt đầu từ 2018. Chính phủ Mỹ áp dụng các mức thuế mới lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm mặt hàng gỗ làm cho hàng hóa từ Trung Quốc trở lên đắt đỏ, mất tính cạnh cạnh tranh. Nhằm tránh các mức thuế mới, một số DN Trung Quốc dịch chuyển sang Việt Nam và một số quốc gia khác.

Các nét chính trong DA từ Trung Quốc đầu tư vào ngành gỗ bao gồm: Quy mô vốn nhỏ, DN không có ý định đầu tư lâu dài, nhiều DN chỉ thuê nhà xưởng; mặt hàng sản xuất chủ yếu nằm trong danh mục Chính phủ Mỹ áp thuế. Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, một số DN đã đóng cửa, một số thu hẹp quy mô sản xuất.

Làn sóng thứ hai xảy ra trước thời điểm của làn sóng thứ nhất và hiện vẫn đang diễn ra. Làn sóng này hình thành khi các DN Trung Quốc dịch chuyển nhà máy sang Việt Nam nhằm tận dụng lợi thế và tránh được các hạn chế từ chính Trung Quốc (ngành chế biến gỗ không còn là ngành ưu tiên bởi các quan ngại về môi trường; việc cấp phép trở lên khó khăn; các tiêu chuẩn về mức độ ô nhiễm và phát thải ngày càng khắt khe; chi phí nhân công, điện đắt đỏ…).

Một số nét cơ bản của làn sóng thứ hai là các DN đầu tư mang tính chất dài hạn, các DA có quy mô lớn. Các DN này thường thuê đất dài hạn, xây dựng nhà máy, lắp ráp máy móc, công nghệ, tuyển chọn công nhân làm việc dài hạn. Các nhóm mặt hàng sản xuất đa dạng, bao gồm cả các mặt hàng mà Chính phủ Mỹ áp thuế và các mặt hàng khác. Sản phẩm xuất khẩu phục vụ thị trường Mỹ và các thị trường khác.

DN Việt yếu thế

Hai làn sóng đầu tư từ các DN Trung Quốc vào ngành gỗ có tác động khác nhau tới DN Việt Nam. Làn sóng thứ nhất với động cơ tránh các mức thuế mới của Mỹ đã và đang tác động tiêu cực tới DN Việt. Gian lận thương mại, lẩn tránh xuất xứ là vấn đề nổi cộm. Tình trạng này xảy ra khi một số DN Trung Quốc nhập khẩu các mặt hàng gỗ hoặc bộ phận của các mặt hàng này vào Việt Nam, lấy nhãn mác xuất xứ của Việt Nam sau đó xuất khẩu vào Mỹ nhằm tránh mức thuế cao. Tình trạng gian lận xuất xứ là nguyên nhân dẫn đến các cuộc điều tra của Chính phủ Mỹ đối với một số mặt hàng có nguồn gốc từ Việt Nam, điển hình như gỗ dán, tủ bếp, tủ nhà tắm, các bộ phận của sofa…

Điều tra của Chính phủ Mỹ đã tạo ra những e ngại lớn cho người mua nước ngoài về tính pháp lý của sản phẩm, làm chậm hoặc thậm chí dừng các đơn đặt hàng của người mua đối với các nhà sản xuất từ Việt Nam. Các điều tra cũng tạo ra những hình ảnh không tốt về ngành gỗ Việt.

Làn sóng thứ hai có tác động tới các DN Việt khác biệt so với làn sóng thứ nhất. Cụ thể, các DN trong làn sóng thứ hai đầu tư bài bản hơn, có chiến lược lâu dài, có sức mạnh về nguồn lực tài chính, công nghệ và trình độ quản lý. Các DN này cạnh tranh bình đẳng với các DN trong ngành, bao gồm DN Việt và các DN FDI khác. Do có những lợi thế về vốn, công nghệ, trình độ quản lý, các DN Trung Quốc làn sóng này thể hiện những khía cạnh vượt trội so với nhiều DN Việt. Trong cuộc cạnh tranh bình đẳng này, các DN Việt yếu thế hơn về vốn, công nghệ, tiếp cận thị trường và thu hút nhân công.

Rủi ro lẫn động lực

Các DN FDI nói chung và FDI từ Trung Quốc nói riêng hiện đã trở thành hợp phần quan trọng của ngành gỗ. Sự hiện diện của các DN Trung Quốc trong ngành bao gồm cả rủi ro và động lực thúc đẩy các DN Việt trong ngành phát triển. Điều quan trọng là cần có những cơ chế, chính sách hiệu quả, nhằm quản lý chặt các DN trong làn sóng đầu tư thứ nhất nhằm giảm thiểu các rủi ro về gian lận.

Bên cạnh đó, các cơ chế chính sách mới cũng cần hình thành, nhằm thúc đẩy kết nối giữa các DN Trung Quốc trong làn sóng thứ hai với các DN Việt. Kết nối này sẽ giúp tạo cơ hội cho các DN Việt học hỏi kinh nghiệm, trình độ quản lý, công nghệ, tiếp cận thị trường… Thực hiện các cơ chế, chính sách này sẽ thúc đẩy ngành gỗ phát triển bền vững trong tương lai.

Trong tổng số gần 3.400 DN ngành gỗ của cả nước tham gia xuất khẩu, có gần 700 DN FDI (tương đương 20%) với kim ngạch xuất khẩu chiếm trên dưới 50% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành mỗi năm. Điều này thể hiện sự vượt trội so với khối DN nội.

Mặc dù ngành gỗ đang đối mặt với một số khó khăn về thị trường, ngành vẫn có sức hấp dẫn đối với các DN vốn ngoại. Theo phân tích của nhóm nghiên cứu của các hiệp hội gỗ và Forest Trends dựa trên nguồn dữ liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 10 tháng đầu năm 2023 có 35 DA FDI mới đầu tư vào ngành, với tổng vốn gần 225 triệu USD, tăng cao hơn so với vốn đầu tư FDI trong cả năm 2022.

Tô Xuân Phúc
Chuyên gia Phân tích chính sách, Forest Trends

 

Danh mục:

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác