,

Ghi điểm với các nhà mua hàng quốc tế

Với sự tham sự của hơn 4.600 khách quốc tế, các nhà mua hàng đến từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, HawaExpo 2024 được đánh giá là hội chợ “mát tay”, khi tạo nên môi trường thuận lợi, giúp các nhà mua hàng quốc tế có thể chốt các hợp đồng tổng trị giá lên đến 115 triệu USD ngay tại sự kiện.

Ngành nội thất Việt Nam đang ngày một tốt hơn”, Noah – nhà mua hàng đến từ New Zealand đánh giá như vậy khi tham dự HawaExpo 2024.

Bất ngờ ngày trở lại

Có mặt từ ngày 6 đến ngày 9/3 để có thể gặp được các nhà cung ứng nội thất Việt Nam, Noal cho biết, đây là chuyến đi giá trị. Bởi, anh đã tiếp cận được các đơn vị sản xuất sofa cũng như các món nội thất phòng khách đúng với yêu cầu. Theo Noal, năm nay, các DN tham gia triển lãm đều chú trọng đầu tư ở khâu trưng bày, tạo nên tổng thể rất ấn tượng cho khách tham quan. Nhưng quan trọng hơn, việc này tạo điều kiện thuận lợi cho các DN mua hàng có thể nhìn thấy được tiềm năng của sản phẩm.

Đã 12 năm, Noal gắn bó với công việc thu mua nội thất cho các nhà phân phối lớn khu vực châu Âu. Anh cho biết, trước đây, công ty duy trì tỉ lệ đặt hàng là 60/40. Trong đó 60% là các nhà cung cấp Trung Quốc. Phần còn lại là ở thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, với lợi thế cạnh tranh ngày càng được gia tăng cho các DN Việt như hiện nay, thời gian tới, Noah sẽ điều chỉnh, tăng tỉ lệ mua hàng ở Việt Nam nhiều hơn.

“Tuy chưa ký kết hợp đồng chính thức nhưng tôi đã có được đủ các kết nối với các DN đủ năng lực cung ứng tại hội chợ. Các thảo luận về giá và gửi mẫu sẽ thực hiện ngay sau khi chuyến công tác này kết thúc”, ông nói.

Hiện châu Âu là một trong năm thị trường xuất khẩu của nội thất Việt Nam. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đạt 796,81 triệu USD, giảm 21,3% so với năm 2022. Tuy nhiên, theo Noah, hàng tồn kho đã giảm và nhu cầu mua hàng nội thất đã bắt đầu trở lại, tuy chưa thực sự mạnh mẽ. Do vậy, các nhà mua hàng, các DN phân phối nội thất đang rất cần những sản phẩm có thiết kế mới lạ, giá thành hợp lý. Các yếu tố này, được tìm thấy khá nhiều ở các DN sản xuất nội thất trưng bày ở HawaExpo 2024.

Đồng quan điểm, David, nhà mua hàng đến từ Mỹ cho biết, ông bất ngờ trước những thay đổi tích cực của các DN Việt Nam. Cụ thể, ở hội chợ, các nhà mua hàng tìm được rất nhiều thiết kế mới, giá tốt, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của thị trường vốn đang thắt lưng buộc bụng từ ảnh hưởng của việc suy thoái kinh tế.

Những gián đoạn do Covid-19 đã khiến nhà mua hàng này không đến Việt Nam suốt 4 năm qua. Lần trở lại này, ông cho kết nối được nhiều đơn vị cung ứng phù hợp những yêu cầu của thị trường Hoa Kỳ. Theo David, Việt Nam đã trở thành quốc gia cung ứng nội thất lớn nhất cho người dùng Mỹ. Các DN nội thất Việt Nam cũng đã thông thuộc và đáp ứng được rất tốt các yêu cầu nhập khẩu ở những thị trường khó tinh và nắm bắt được “gu” thẩm mỹ của người dùng. Điều này tạo điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều cho những nhà mua hàng quốc tế.

Gia tăng thêm các tiêu chuẩn

David hay Noal chỉ là một trong hơn 4.600 khách quốc tế đến tham dự HawaExpo 2024. Trong 4 ngày, sự kiện thu hút được hơn 20.000 lượt khách tham quan. Hơn 115 triệu USD là tổng giá trị đơn hàng được ghi nhận ngay tại hội chợ. Con số này là thống kê sơ bộ, chưa đầy đủ và tiếp tục được tăng sau khi hội chợ kết thúc.

Đã có 75% trong hơn 500 nhà triển lãm cho biết đã có được hợp đồng, MOU ký kết từ hội chợ. Điều này cho thấy, HawaExpo 2024 thực sự đã kiến tạo thành công môi trường kết nối kinh doanh lý tưởng cho các DN nội thất toàn cầu. Bên cạnh việc chú trọng công tác trưng bày, hàng loạt các hoạt động bên lề như giao lưu, trải nghiệm, tham quan nhà máy, hội thảo chuyên đề… cũng được tổ chức bài bản, giúp các nhà mua hàng, các DN quốc tế có điều kiện tiếp cận DN Việt Nam ở nhiều góc độ khá nhau.

Thống kê từ Tổ chức Nghiên cứu tư vấn về thị trường nội thất và ngành công nghiệp CSIL (Center for Industrial Studies) của Ý cho thấy, Việt Nam hiện là quốc gia giữ vị trí thứ 6 trên bản đồ xuất khẩu nội thất thế giới. Tuy nhiên, theo bà Giovana Castellina, Giám đốc nghiên cứu đa khách hàng về nội thất tại CSIL, tốc độ phát triển của ngành nội thất Việt Nam đang rất nhanh, nắm bắt kịp thời những yêu cầu mới của thị trường thế giới. Trong tương lai, bà cho rằng vị trí của ngành nội thất Việt sẽ tiếp tục được cải thiện, nếu DN tiếp tục nỗ lực gia tăng các lợi thế mới.

Như lời của Noah, người dùng thế giới đang đòi hỏi sản phẩm nội thất phải hoàn thiện hơn nữa từ công năng đến thiết kế, nhất là các tiêu chuẩn môi trường. Trong chiến lược phát triển của các DN Việt Nam, cần có những nghiên cứu chi tiết về quản trị sản xuất để có thể tiếp tục phát huy nội lực song song với việc đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững. “Xanh, có thêm hàm lượng sáng tạo nhưng vẫn phải giữ được giá thành cạnh tranh như hiện nay”, ông nói.

Nam Khuê

Danh mục:

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác