Là một thương hiệu có xuất phát điểm không phải từ ngành chế biến gỗ nhưng lại sớm trở thành cái tên có doanh số xuất khẩu đồ nội thất “đáng gờm” của Việt Nam, Yes4All đang nỗ lực mở rộng thị phần của mình thông qua việc liên kết với các doanh nghiệp (DN) nội thất trong nước.
* Năm 2009, khi thành lập Yes4All tại quận Cam, bang California (Mỹ) và nhanh chóng trở thành nhà cung ứng dụng cụ luyện tập thể thao hàng đầu trên các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT), ông có từng hình dung, 15 năm sau đó, Yes4All lại mở rộng và thành công vượt trội ở mảng nội thất?
– Đến bây giờ, dụng cụ thể thao vẫn là ngành hàng mà Yes4All có được thành quả lớn, nằm trong top-12 thương hiệu về dụng cụ TDTT tại nhà trên nền tảng của Amazon. Tuy nhiên, Yes4All, với tiêu chí luôn mở rộng ra những sân chơi lớn hơn, sử dụng tối đa sức mạnh của Việt nam, thì tham gia vào ngành nội thất là một lựa chọn rất phù hợp với những phát triển của thương mại hiện tại.
* Khi bước chân sang ngành gỗ, ông thấy ngành đang có những lợi thế nào?
– Lợi thế về chi phí sản xuất. So với các nước xuất khẩu khác trong khu vực, Việt Nam vẫn duy trì nhiều lợi thế cạnh tranh về chi phí nhân công, đặc biệt với những dòng sản phẩm đòi hỏi độ tinh xảo trong sản xuất, giúp sản phẩm có giá thành hợp lý hơn.
Bối cảnh thương mại toàn cầu đang dịch chuyển theo hướng rất có lợi cho Việt Nam, đặc biệt với việc các DN tìm kiếm nguồn cung thay thế cho Trung Quốc. Kênh TMĐT, đặc biệt là Amazon và Wayfair, đang phát triển mạnh mẽ và là cơ hội lớn cho DN tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng toàn cầu. Kế nữa là Việt Nam có sẵn nguồn nguyên liệu đặc thù bản địa như tràm, cao su, mây tre, lục bình…. Lợi thế này cho phép DN giảm rủi ro phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu và có thể rút ngắn thời gian sản xuất.
Tôi đánh giá rất cao tiềm năng phát triển của ngành gỗ Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất khẩu sang Mỹ. Trong 5 năm qua, Việt Nam đã giữ vững vị trí thứ 2 về xuất khẩu đồ gỗ sang Mỹ, và những năm gần đây vươn lên vị trí dẫn đầu. Các con số trên chứng tỏ năng lực cạnh tranh và khả năng đáp ứng nhu cầu của thị trường từ phía DN nội thất Việt rất cao. Nhờ thế mạnh này, kết hợp với kinh nghiệm kinh doanh trên Amazon, Wayfair, Walmart và 20 thị trường khác, Yes4All đạt được tăng trưởng vượt bậc. Chúng tôi mất 3 năm để có thể dẫn đầu trong việc cung ứng đồ gỗ trên Amazon và Wayfair. Tôi nghĩ, Việt Nam có những thế mạnh then chốt để tiếp tục phát triển xuất khẩu nội thất, cả online lẫn offline.
* Nhưng, mảng màu đang được xem là rất thiếu hụt của ngành nội thất Việt Nam là khâu bán hàng?
– Thiếu khâu bán hàng chỉ là một phần. Thử điểm lại các thế mạnh vượt trội của nền công nghiệp gỗ và nội ngoại thất của Trung Quốc. Họ sở hữu hệ sinh thái sản xuất và cơ sở hạ tầng rất phát triển, bao gồm chuỗi cung ứng mạnh mẽ từ khâu nguyên liệu thô, linh kiện, hàng hóa thành phẩm, và với tốc độ giao vận chuyển nhanh. Điều này cho phép sản xuất hiệu quả và rút ngắn thời gian sản xuất.
Xét về quy mô và năng lực, các nhà máy Trung Quốc thường hoạt động với quy mô lớn, giúp đạt được lợi thế kinh tế theo quy mô và cung cấp giá cả cạnh tranh. Hiện ngành công nghiệp nội thất của Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn đang phát triển, các nhà máy còn hoạt động riêng lẻ, tổng năng lực sản xuất vẫn còn nhỏ, cỡ khoảng 1/8 của Trung Quốc, nên chưa tạo được lợi thế cạnh tranh về chi phí và thời gian sản xuất.
Thêm vào đó, Trung Quốc ngày càng đầu tư vào các công nghệ sản xuất tiên tiến và tự động hóa, dẫn đến năng suất cao hơn và kiểm soát chất lượng tốt hơn. Việc áp dụng các công nghệ này ở Việt Nam đang tiến triển, nhưng chưa đạt tầm của họ. Xét về tài chính và đầu tư, hệ thống tài chính và khả năng tiếp cận nguồn vốn ở Trung Quốc rất phát triển, đồng thời lãi suất của họ rất rẻ, cho phép các nhà sản xuất đầu tư vào mở rộng, nghiên cứu và phát triển.
* Trước thực tế đó, việc bước chân vào TMĐT có phải là con đường thiết thực?
– Cá nhân tôi cho rằng tốc độ phát triển của mảng nội ngoại thất trên nền tảng TMĐT cho 5 năm tới đang là có thể gấp 2 so với truyền thống. Vì vậy, ngoài thử sức trên môi trường kinh doanh mới, DN nội thất Việt Nam có thể tập trung vào các phân khúc cụ thể, nơi có thể phát triển lợi thế cạnh tranh, chẳng hạn như đồ nội thất thân thiện với môi trường, từ các nguyên liệu sẵn có tại Việt Nam, hoặc đòi hỏi nhân công nhiều và kỹ năng cao, hoặc thiết kế độc đáo, sáng tạo.
Ngành nên đầu tư vào các chương trình đào tạo để nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động trong các lĩnh vực như thiết kế, kỹ thuật sản xuất và kiểm soát chất lượng. Cũng như phát triển các chuỗi cung ứng nội địa cho nguyên liệu thô và linh kiện là để giảm giá thành, giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu và tăng tốc độ đáp ứng đơn hàng. Tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cảng biển và mạng lưới giao thông đường bộ. Đồng thời, thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành cần có chọn lọc, tập trung các DN sản xuất nguyên vật liệu, thành phẩm, và công nghệ để thúc đẩy sự phát triển quy mô và năng lực của ngành.
* Những thế mạnh nào cần được tập trung để gia tăng lợi thế cạnh tranh, thưa ông?
– Nhiều DN Việt có năng lực sản xuất cạnh tranh bởi chất lượng và giá thành. Tuy nhiên, nếu chỉ tập trung vào sản xuất đơn thuần, DN sẽ bị động về chiến lược lâu dài, dần giảm lợi nhuận. Khi TMĐT đang phá vỡ sự độc tôn của thương mại truyền thống, thay đổi hành vi khách hàng, đòi hỏi chất lượng cao hơn, cá nhân hóa nhiều hơn, nhưng với giá thấp hơn, số lượng trên đơn hàng nhỏ lẻ hơn… nếu không tổ chức được các khâu có giá trị gia tăng cao như thiết kế, marketing, phân phối rơi vào tay người khác… DN sẽ khó thể phát triển bền vững.
Hiện tại, phần lớn thương hiệu và sản phẩm nội thất trên sàn Amazon và Wayfair đến từ Trung Quốc. TMĐT cho ngành nội thất tại Mỹ được dự đoán vẫn còn sẽ tiếp tục tăng trưởng trên 8% mỗi năm. Chúng ta cần gấp rút tận dụng cơ hội đang có để chiếm lĩnh TMĐT, từ đó mở rộng quy mô, năng lực sản xuất, thiết kế, bảo đảm chất lượng, nguồn cung nguyên vật liệu, xây dựng thương hiệu “Made in Vietnam”, tạo vị thế với sàn để không bỏ lỡ cơ hội vàng.
Là một DN mang dòng máu Việt, khi thấy hàng chục tỷ USD mà người Việt mình có cơ hội để giành lấy lại nằm trong tay người khác, đó là một nỗi đau. Tuy nhiên, với tiềm lực có hạn của Yes4All, để chinh phục thế giới, chúng ta cần rất nhiều những Con Rồng Việt hợp tác cùng nhau, cùng phân mảng, phân vùng, làm xuất sắc những gì mình có thể để tạo một trận đồ tổng lực và tổng thể.
* Việc liên kết cùng Yes4all sẽ giúp DN nội thất có được những giá trị cụ thể nào?
– Yes4All hoạt động trên 20 thị trường khác nhau, ngày càng am hiểu hơn nhu cầu khách hàng, xu hướng thị trường TMĐT cũng như quy định, thủ tục, chính sách các sàn lớn. Làm việc với Yes4All, DN Việt sẽ nhanh chóng nắm được kiến thức này. Chúng tôi là một trong những công ty đi đầu trong việc đầu tư AI vào phân tích hành vi cũng như nhu cầu khách hàng, dữ liệu bán hàng, từ đó dự báo được nhu cầu khách hàng của từng vùng miền với tốc độ rất nhanh. Làm việc đầy đủ thông tin với tốc độ cao sẽ giúp DN Việt nâng tầm.
Nhờ có kho ngoại quan, chi phí logistics của Yes4All rất cạnh tranh, giúp rút ngắn thời gian giao hàng, giảm chi phí tồn kho, cũng như giảm chi phí vận tải đường bộ và đường biển trong hệ thống chuỗi cung ứng. Với việc Yes4All phát triển nhanh, các nhà máy làm việc với Yes4All có thể nhanh chóng mở rộng quy mô sản lượng và/hoặc tối ưu năng lực sản xuất của từng nhà máy.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý một số rủi ro khi bước chân vào TMĐT Thế giới. Đơn cử là dòng tiền. Hiện Wayfair và Amazon AVC có điều khoản thanh toán (payment terms) rất dài, lên đến 120 – 150 ngày, có khả năng ảnh hưởng dòng tiền (cashflow) của DN. Khi chưa thể tạo ra sự đột phá về thiết kế và thương hiệu, bên lợi nhuận kinh doanh online thấp hơn so với thương mại truyền thống.
Với yêu cầu về tuân thủ rất cao của Chính phủ Mỹ, nếu không tuân thủ các yêu cầu này, cả Yes4All và DN đối tác đều có khả năng chịu trừng phạt một cách nặng nề. Với TMĐT, vấn đề này sẻ có thể xảy ra nhanh hơn truyền thống. Một lưu ý khác là việc tung ra hàng loạt mẫu ở cùng thời điểm và liên tục với số lượng sản phẩm cho những lô hàng đầu tiên khá nhỏ là điều bình thường. Với các mẫu mới, 6 – 12 tháng sau đó mới tăng tốc về số lượng bán và có thể sẽ qua nhiều hiệu chỉnh để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Điều này có thể khác với kinh doanh truyền thống, DN cần sẵn sàng thích ứng.
* Những thách thức này có thể là trở ngại lớn về mặt tâm lý?
– Muốn ra biển lớn, DN cần có tâm thế vững vàng. Tôi chỉ có thể nhắn gởi tới các DN rằng, trong tay chúng ta chính là tương lai ngành nội thất đất Việt. Đây là thời điểm vàng để chúng ta nắm lấy và chung tay nâng tầm sản phẩm “Made in Vietnam”. Mọi khó khăn, chỉ là thử thách!
* Xin cảm ơn ông!
Nguyên Quân thực hiện