,

Giữ vị thế, ngành gỗ cần gì?

Trong đánh giá của quỹ đầu tư nước ngoài, chế biến gỗ Việt Nam có triển vọng trung lẫn dài hạn. Với rất nhiều lợi thế cạnh tranh, nếu có được sự chuẩn bị từ bây giờ, ngành có khả năng phục hồi sớm và bứt phá trong tương lai.

 

“Ngành nội thất Việt Nam có đủ dư địa để phát triển trong 5 đến 10 năm tới. So với mức phát triển GDP trung bình của toàn cầu, ở mức 3%, tốc độ tăng trưởng kép của ngành nội thất thế giới là 4,5%, ngành chế biến gỗ Việt Nam phát triển trung bình 15,4%/năm. Đây là một con số chứng tỏ vị thế và tiềm năng rất lớn”, đó là phát biểu của chuyên gia kinh tế Phạm Phú Ngọc Trai tại Diễn đàn Công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam chủ đề: Giữ vị thế đón cơ hội, tổ chức chiều 28/7 tại TP.HCM. Sự chênh lệch giữa các con số mà chuyên gia này đưa ra khiến nhiều người bất ngờ.

Giàu dư địa

Thực tế, trong hơn hai thập kỷ vừa qua, chế biến gỗ Việt Nam tăng trưởng khá ngoạn mục. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2017, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam chỉ đạt 7,66 tỷ USD thì đến năm 2022, con số ấy là 15,67 tỷ USD. Trung bình, mỗi năm trong giai đoạn này, doanh số xuất khẩu của ngành tăng gần 2 tỷ USD. Riêng năm 2021 tăng thêm 4 tỷ USD nhờ mức tăng trưởng nóng của ngành nội thất toàn cầu trong đại dịch.

Theo ông Trai, là một trong 10 mặt hàng xuất khẩu nhiều nhất, nội thất Việt Nam sớm thâm nhập thành công các thị trường khó tính, đòi hỏi chất lượng lẫn các tiêu chí bền vững cao như Mỹ, châu Âu… “Với 16 hiệp định thương mại tự do đã ký, quan hệ thương mại với 50 quốc gia, nội thất Việt Nam có điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận, mở rộng sang các thị trường mới. Khó khăn về mặt đơn hàng hiện nay chỉ là tạm thời”, ông Trai nhận xét.

Thực tế, nhu cầu nội thất của người dùng thế giới luôn trên đà tăng. Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Statista (Đức), trị giá hàng hóa nội thất toàn cầu đạt 557 tỷ USD năm 2022, trong đó giá trị sản xuất xuất khẩu hơn 150 tỷ USD; giá trị thiết kế, thương hiệu, thương mại phân phối chiếm tới gần 400 tỷ USD. Nhu cầu và khả năng hấp thụ nội thất của thị trường thế giới còn rất lớn. Đối chiếu với doanh số xuất khẩu, Việt Nam mới chỉ cung ứng được khoảng 9% nhu cầu, tương đương 14 tỷ USD. Trong khi, nội lực doanh nghiệp (DN) nội thất Việt Nam hoàn toàn có thể bung nở hơn rất nhiều lần.

Chiến lược dài hạn

“Dư địa phát triển còn rất lớn. Nhưng, việc khai thác thị trường 400 tỷ USD còn tiềm năng hơn”, ông Nguyễn Quốc Khanh – Chủ tịch HAWA nhận xét. Theo ông Khanh, thực lực trong mảng sản xuất nội thất của Việt Nam đã được chứng minh. Nội thất Việt Nam đã hiện diện ở các công trình đẳng cấp 5 – 6 sao, các du thuyền sang trọng… Khả năng để DN Việt tiếp cận các giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng là hoàn toàn có thể nếu định vị và xây dựng chiến lược phát triển mới ngay từ bây giờ. Ông Khanh nhấn mạnh: “Một chiến lược phát triển dài hạn và bước ra khỏi không gian quen thuộc của mình là rất cần thiết để có vị trí tốt hơn trong tương lai”.

Không chỉ mang chức năng định vị, chiến lược phát triển dài hạn cũng sẽ giúp DN ngành thu hút được nguồn lực từ bên ngoài. Tổng giám đốc Mekong Capital ông Chad Ovel cho biết, khi tiếp cận DN, các quỹ đầu tư sẽ không nhìn vào lĩnh vực mà nhìn trực tiếp vào chiến lược của DN, chủ DN đó có tầm nhìn dài hạn hay không? “Khó khăn hiện nay là tạm thời. Thời điểm này là cơ hội quan trọng để nhìn lại mô hình hoạt động của mình, nhìn thị trường, nhìn lại quy trình quản trị, nhìn lại máy móc, con người… nhìn mọi thứ để chuẩn bị tốt hơn cho tương lai”, ông tư vấn.

Đại diện Mekong Capital khẳng định, trung và dài hạn ngành gỗ có triển vọng phát triển. DN ngành gỗ hoàn toàn có cơ hội kêu gọi đầu tư, chỉ cần mạnh dạn chia sẻ tầm nhìn dài hạn, sẽ có cơ hội tìm được bạn đồng hành. Đồng quan điểm, ông Trần Sĩ Chương, chuyên gia kinh tế phát triển và cố vấn chiến lược cho DN cho rằng, điều cần nhất lúc này là DN phải kiện toàn nội lực để có thể sẵn sàng đón đơn hàng khi thị trường phục hồi.

Là thành viên của công ty tư vấn chiến lược hàng đầu thế giới 3Horizons tại London (Anh Quốc), dựa vào kinh nghiệm ứng phó từ các đợt suy thoái kinh tế trước đây, ông Chương cho rằng, những sụt giảm của ngành nội thất nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung là hệ lụy của nhiều yếu tố tiêu cực nhưng cơ hội tăng trưởng vẫn có để chúng ta có thể đón đầu. Theo ông Chương, sự cộng hưởng của những biến động tiêu cực của thế giới đã khiến thế giới vận hành theo một cách thức hoàn toàn mới, luật chơi mới, nên người chơi cũng phải mới để thích ứng kịp thời. “Với rất nhiều lợi thế cạnh tranh, từ nguyên liệu bản địa, nguồn lực lao động, kinh nghiệm, năng lực sản xuất, khả năng quản trị sản xuất của DN và định hướng phát triển từ phía Nhà nước… công nghiệp nội thất Việt Nam sẽ còn phát triển mạnh trong tương lai”, ông Chương nói.

Phương Quyên

Danh mục:

No tag

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác