Sáng nay, ngày 29/11/2024, hội thảo tổng kết dự án “Hệ sinh thái năng suất vì việc làm bền vững” với chủ đề “Doanh nghiệp ngành gỗ sẵn sàng đáp ứng yêu cầu giảm phát thải khí nhà kính & sản xuất bền vững” đã diễn ra.
Về phía HAWA có sự tham dự của Anh Nguyễn Chánh Phương – Phó chủ tịch; Anh Nguyễn Hoài Bảo – Phó chủ tịch; Anh Nguyễn Duy Toàn – Ủy viên BCH, Phó Giám đốc Công ty Cơ khí Hồng Ký; Anh Lê Xuân Tân – Ủy viên BCH HAWA, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Gỗ Hạnh Phúc. Về phía tổ chức ILO có sự góp mặt của Anh Phùng Đức Hoàng – Điều phối viên quốc gia và Chị Nguyễn Thị Truyền – Chuyên gia cấp cao. Cùng với các diễn giả khách mời: Anh Trần Viết Huân – Chủ tịch Cộng đồng CIO Việt Nam, Anh Phạm Duy Doanh – Trợ lý TGĐ kiêm Giám đốc mua hàng công ty Mộc Phát.
Mở đầu chương trình với những nội dung chi tiết từ báo cáo tổng kết về kết quả phát thải khí nhà kính được trình bày bởi chị Nguyễn Thị Truyền – Chuyên gia cao cấp Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Báo cáo cũng đã phân tích chi tiết cách tính toán phát thải từ các nhà máy, thực tiễn triển khai tại doanh nghiệp, và quá trình phân loại cụ thể. Chuyên gia từ ILO cũng làm rõ các đối tượng cần thực hiện kiểm kê phát thải theo quy định pháp luật, đồng thời giới thiệu lộ trình thực hiện báo cáo nhằm xây dựng những kế hoạch giảm phát thải hiệu quả và phù hợp, nhấn mạnh tác động sâu rộng của kiểm kê phát thải đối với hoạt động thương mại quốc tế, qua đó yêu cầu các doanh nghiệp phải thay đổi mô hình kinh doanh để bắt kịp xu thế toàn cầu và đạt được mục tiêu phát triển bền vững.
Anh Lê Xuân Tân – Giám đốc điều hành Công ty Gỗ Hạnh Phúc tiếp tục hội thảo bằng những chia sẻ, cảm nhận về chuyển đổi xanh và ứng dụng công nghệ trong các doanh nghiệp. Anh nhấn mạnh vai trò của năng lượng mặt trời trong việc giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời chỉ ra rằng việc khai thác hiệu quả phụ thuộc vào cách doanh nghiệp hoạch định và đầu tư hợp lý. Diễn giả cũng cảnh báo về rủi ro tài chính nếu không tính toán chính xác nhu cầu dài hạn, dẫn đến việc phải điều chỉnh hoặc gỡ bỏ hệ thống sau một thời gian ngắn. Theo anh, chuyển đổi xanh không chỉ là lựa chọn công nghệ phù hợp mà còn cần đảm bảo các yếu tố pháp lý, tài chính và đội ngũ chuyên gia đồng hành.
Anh Phạm Duy Doanh – Giám đốc mua hàng và kho vận của công ty Mộc Phát, cho rằng chuyển đổi số là một yếu tố then chốt giúp các doanh nghiệp ngành gỗ không chỉ tối ưu hóa hoạt động mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh trong bối cảnh thị trường ngày càng biến động. Theo anh, chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là việc áp dụng công nghệ mà còn đòi hỏi sự thay đổi toàn diện về tư duy lãnh đạo và cách thức quản lý. Quá trình này phụ thuộc rất lớn vào sự thống nhất nội bộ, cam kết kiên trì từ đội ngũ lãnh đạo và một nền tảng tài chính vững chắc, những yếu tố đóng vai trò quyết định trong việc hiện thực hóa các mục tiêu dài hạn.
Hội thảo khép lại bằng một phiên tọa đàm sôi nổi giữa các diễn giả và doanh nghiệp. Những trao đổi thực tiễn đã giúp làm sáng tỏ các cơ hội và thách thức trong những năm tới, đồng thời tạo động lực mạnh mẽ cho doanh nghiệp ngành Gỗ hành động quyết liệt hơn, hướng tới sản xuất bền vững và thích ứng với yêu cầu toàn cầu về giảm phát thải khí nhà kính.