Tương tự Việt Nam, thị trường xuất khẩu sản phẩm dệt may, đồ nội thất và thủ công mỹ nghệ của Indonesia dự kiến sẽ tiếp tục trì trệ cho đến cuối năm 2023. Các công ty của cả hai ngành này đều đang dựa vào thị trường nội địa và bắt đầu đa dạng hóa thị trường của mình.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Indonesia (API) Jemmy Kartiwa Sastraatmaja, hôm 8/8/2023 cho biết thị trường xuất khẩu chính của hàng dệt may và các sản phẩm dệt may (TPT), cụ thể là Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu, vẫn chưa phục hồi. Nhu cầu suy yếu từ các quốc gia và khu vực này dự kiến sẽ tiếp diễn cho đến cuối năm nay. Điều này khiến các doanh nghiệp (DN) dệt may thượng nguồn của chuỗi cung ứng phải hạn chế sản xuất, chỉ còn ở mức 50% công suất bình thường. Các DN trung và hạ nguồn cũng tương tự. Jemmy cho biết: “Nhiều nhà máy đã phải giảm công suất, chỉ hoạt động từ thứ Hai đến thứ Tư hoặc thứ Hai đến thứ Năm trong tuần”.
Dệt may tăng trưởng âm
Báo cáo Phát triển Ngoại thương tháng 6/2023 của Bộ Thương mại nước này lưu ý rằng hoạt động xuất khẩu nhiều mặt hàng dệt may từ tháng 1 đến tháng 6/2023 tiếp tục giảm. Ví dụ, giá trị xuất khẩu của sợi xơ tổng hợp và vải dệt thoi nhiều lớp đều có mức tăng trưởng âm, lần lượt là -21,77% và -25,23%. Tốc độ tăng trưởng của sợi xơ tổng hợp nhập khẩu và vải dệt thoi nhiều lớp cũng giảm, lần lượt là 4,89% và 23,95%.
Trước tình hình này, theo Jemmy, các DN dệt may chuyển hướng vào thị trường nội địa. API hy vọng chính phủ sẽ đưa ra những quy định giúp giảm dòng hàng dệt may nhập khẩu vào Indonesia. Ông nói: “Ấn Độ cũng đang gặp tình trạng tương tự Indonesia. Song chính phủ Ấn Độ đã nỗ lực bảo vệ thị trường và ngành công nghiệp của mình bằng cách thực hiện các rào cản thương mại”. Cụ thể là ban hành lệnh kiểm soát chất lượng (QCO) để bảo vệ ngành sợi tổng hợp trong nước. Ấn Độ cũng ban hành lộ trình phát triển dệt may kỹ thuật đến năm 2047.
Nội thất quay về thị trường nội địa
Cũng như dệt may, các thị trường xuất khẩu chính của đồ nội thất và hàng thủ công mỹ nghệ Indonesia vẫn còn ì ạch. Hiệp hội Công nghiệp Nội thất và Thủ công (Himki) cho biết doanh số xuất khẩu đồ nội thất và hàng thủ công trong giai đoạn tháng 1 đến tháng 6/2023 đạt 1,23 tỷ USD. Giá trị xuất khẩu tăng trưởng âm 30,1% so với cùng kỳ năm 2022. Theo báo cáo của Bộ Thương mại thì giá trị nhập khẩu nội thất trong 6 tháng đầu năm 2023 của Indonesia đạt 765,75 triệu USD, giảm 6,78% so với cùng kỳ năm 2022 (821,48 triệu USD).
“Sự sụt giảm lớn nhất xảy ra ở thị trường Mỹ và EU. Hai thị trường này đóng góp lần lượt 54% và 28% vào tổng lượng xuất khẩu đồ nội thất và thủ công mỹ nghệ của Indonesia. Chúng tôi dự đoán xuất khẩu đồ nội thất và thủ công sang Mỹ sẽ vẫn chững lại cho đến cuối năm nay. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nội thất sau đợt tăng nhu cầu đột biến vào năm 2021 dự kiến sẽ giảm từ 30% xuống còn 4% vào năm 2025”, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Hiệp hội Đồ nội thất và Thủ công mỹ nghệ Indonesia, Abdul Sobur, cho biết như vậy.
Lượng hàng hóa xuất khẩu sang Hoa Kỳ đang bị ảnh hưởng bởi sự suy thoái của nền kinh tế. Điều này làm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đồ nội thất của Indonesia sụt giảm mạnh kể từ khi nhu cầu về nội thất bùng nổ vào năm 2021. Sự trì trệ về nhu cầu đồ nội thất được dự báo phải sang năm 2025 mới giảm bớt. Trong khi đó, thị trường nội thất ở nhiều nước châu Âu cũng bị ảnh hưởng bởi lạm phát cao và sức mua yếu. Ngoài ra, một khi xung đột Nga – Ukraine còn tiếp diễn thì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế EU vẫn tiếp tục bị cản trở.
Để thích ứng với tình hình, Himki đã đưa ra hai chiến lược để giải quyết vấn đề. Thứ nhất, tăng cường xuất khẩu sang các nước và khu vực phi truyền thống như Ấn Độ, Trung Đông, châu Phi. Tháng 9/2023 này, một số hội viên của Himki sẽ sang khảo sát thị trường nội thất, hàng thủ công ở Ấn Độ và một số quốc gia Trung Đông.
Thứ hai, tối ưu hóa khả năng hấp thụ của thị trường trong nước. Điều này phù hợp với xu hướng nội thất nhập khẩu sụt giảm, sự trỗi dậy của lĩnh vực bất động sản và việc mua sắm hàng hóa của chính phủ ngày càng hướng tới các sản phẩm trong nước. Ông cho biết: “Triển vọng của thị trường nội thất và đồ thủ công trong nước được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng cho đến năm sau. Chúng tôi cũng sẽ đề nghị chính phủ ưu tiên các sản phẩm nội địa trong quá trình phát triển thủ đô mới ở Đông Kalimantan”.
Minh Dũng (Nguồn: www.kompas.id)