,

Khi Trung Quốc khát nội thất

Nghiên cứu mới được trang thông tin GMA Marketing Chine công bố vào cuối năm 2022 thể hiện rõ những xu hướng mua sắm nội thất và tình trạng cạnh tranh của thị trường hơn 1 tỷ dân này.

 

Dù trải qua đại dịch, thị trường đồ nội thất Trung Quốc vẫn tiếp tục phát triển nhanh chóng vài năm gần đây. Thu nhập hộ gia đình tăng và điều kiện sống được cải thiện đã khuyến khích nhiều người đầu tư vào thiết kế nội thất. Năm 2017, giá trị thị trường nội thất vượt quá 1.005 tỷ Nhân dân tệ và dự kiến sẽ đạt 1,34 nghìn tỷ Nhân dân tệ trong vài năm tới. Thị trường dự kiến sẽ tăng trưởng trung bình 6,8% mỗi năm (2020 – 2025). Có khoảng 630 triệu hộ gia đình ở tất cả các tỉnh, nếu bình quân cứ 10 năm người dân lại thay nội thất thì sẽ có khoảng 63 triệu hộ gia đình thay đồ đạc mỗi năm. Sản xuất đồ nội thất bằng gỗ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong ngành sản xuất đồ nội thất của Trung Quốc vào năm 2019, đóng góp khoảng 59% tổng doanh thu sản xuất đồ nội thất.

Tiềm năng mua sắm đáng kể

Thị hiếu của người tiêu dùng Trung Quốc đang dần cởi mở với đồ nội thất và lối sống phương Tây đã góp phần tạo ra “hiệu ứng phương Tây hóa” ở Trung Quốc. Người tiêu dùng Trung Quốc bây giờ muốn đồ nội thất được thiết kế hiện đại. Mặt khác, dân số Trung Quốc đang di chuyển từ nông thôn đến các thành phố lớn. Việc một gia đình sống trong một căn hộ nhỏ nhưng có thiết kế đẹp là điều khá bình thường. Hiện Trung Quốc có khoảng 47, 48% dân số từ 25 đến 54 tuổi, nhóm tuổi phù hợp nhất cho những nghiên cứu về thị trường vì được xem là độ tuổi có hoạt động cao nhất.

Tầng lớp giàu có mới, được mô tả như tầng lớp trung lưu của Trung Quốc, là những người trẻ tuổi, am hiểu công nghệ và tiêu xài khá thoải mái, khao khát những trải nghiệm có ý nghĩa để nâng cao lối sống của họ. Họ muốn mua sản phẩm từ những thương hiệu coi trọng tính bền vững và mang lại lợi ích cho sức khỏe. Nhiều người tiêu dùng Trung Quốc ham đọc và muốn nghiên cứu càng nhiều càng tốt về một thương hiệu trước khi mua. Trước khi sắm sửa một món đồ nội thất nào đó, họ tìm hiểu về chất lượng, ưu điểm và công dụng của thương hiệu nội thất đó

Khi người tiêu dùng Trung Quốc nhận thức rõ hơn về các sản phẩm được sử dụng để làm đồ đạc trong nhà, họ cũng sẽ có những lựa chọn thân thiện với môi trường. Sau một thời gian dài tiếp xúc với ô nhiễm, Chính phủ Trung Quốc và người tiêu dùng Trung Quốc hiện đang thực hiện các bước để khắc phục các vấn đề môi trường. Người tiêu dùng đang dần hướng tới những khái niệm sống mới như sản phẩm “Eco home”. Tiếp theo đó, một số khá đông rất quan tâm đến đồ nội thất dành cho trẻ em: Sự phát triển này được chú ý sau khi kết thúc chính sách một con. Nhiều người cũng có ấn tượng tốt với các phương pháp trang trí phòng trẻ em của phương Tây, mang lại chất lượng và sự thoải mái tốt nhất cho con cái họ. Theo kết quả nghiên cứu từ các nguồn hợp lý, khoảng 72% cha mẹ Trung Quốc mua đồ nội thất cho con cái của họ nên thị trường nội thất trẻ em có tiềm năng lớn.

Mặt khác, Trung Quốc đã trở thành một trong những quốc gia xây dựng khách sạn nhiều nhất để phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế. Với nhận thức ngày càng tăng về quyền lao động và lối sống làm việc thoải mái, ngày càng có nhiều văn phòng được xây dựng theo phong cách phương Tây với nội thất tiện nghi và chất lượng trong không gian mở.

Tính cạnh tranh cao

Ngành nội thất là một trong những thị trường có tiềm năng tăng trưởng cao nhất ở Trung Quốc. Hiện thị trường có hơn 60.000 doanh nghiệp, phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các thương hiệu trong nước luôn có lợi thế cạnh tranh bởi họ có kênh phân phối tốt hơn và có thể thu hút người tiêu dùng từ nông thôn và các thành phố hạng hai, hạng ba với giá rẻ hơn. Tuy nhiên, gian lận, các vấn đề về chất lượng, độ bền và vi phạm bản quyền đã làm chậm sự phát triển của các thương hiệu nội thất địa phương. Mặc khác, do sự phát triển cực độ của thị trường đồ nội thất Trung Quốc, mười doanh nghiệp hàng đầu của Trung Quốc không đủ để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước. Các công ty này chỉ chiếm khoảng 3% giá trị sản xuất. Mặc dù thị trường đã bão hòa ở các thành phố hạng nhất, tiềm năng tăng trưởng vẫn lớn ở các thành phố hạng hai và ba. Thêm đặc điểm nữa là thị trường đồ nội thất Trung Quốc đã trở nên rất cạnh tranh và sự cạnh tranh thậm chí còn mạnh mẽ hơn giữa các thương hiệu nước ngoài.

Hiện nay, các thương hiệu nước ngoài đang chuyển ngành nội thất sang Trung Quốc nhằm đáp ứng nhu cầu cao của ngành này. Trong vòng 3 đến 5 năm tới, các công ty nước ngoài trong ngành nội thất sẽ đổ xô chuyển dịch sang Trung Quốc. Thương hiệu nội thất nước ngoài tương đối có kinh  nghiệm ở Trung Quốc cần nhắc đến là IKEA. Có 30 cửa hàng IKEA ở Trung Quốc. Bên cạnh IKEA còn có các thương hiệu nội thất của Tây Ban Nha và Ý phục vụ cho phân khúc cao cấp.

Về phân phối ở Trung Quốc, có nhiều kênh khác nhau. Người tiêu dùng Trung Quốc thích mua đồ nội thất từ các chuỗi cửa hàng và đại siêu thị. Các sản phẩm nhập khẩu được bán trong các cửa hàng chuyên biệt, thường bán nhãn hiệu riêng của họ. Phân khúc cao cấp chủ yếu hoạt động từ các cửa hàng hàng đầu của riêng mình để duy trì tính độc quyền. Bên cạnh đó, thương mại điện tử đang bùng nổ ở Trung Quốc với 460 triệu người mua sắm trực tuyến. Các nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc dự kiến sẽ còn phát triển hơn nữa và đóng góp lớn vào việc tăng doanh số bán hàng.

Lâm Nhã

Danh mục:

No tag

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác