,

Kiến tạo giá trị mới

Phương Quyên

Khó khăn có thể kéo dài, kinh doanh hàng nội thất có thể sẽ còn khó hơn, nhưng các chuyên gia trong ngành đều tin sẽ nhanh chóng hồi phục, bởi khó khăn chỉ là tạm thời. Để ngăn đà giảm sút tiếp theo, doanh nghiệp cần chủ động kiến tạo cơ hội cũng như tìm kiếm thị trường mới.

Chậm nhưng chắc chắn sẽ trở lại

Trong cuộc gọi mới nhất với đại diện The Home Depot, ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch BIFA nhận được phản hồi khá tiêu cực. Các nhà mua hàng ở Mỹ vẫn còn tồn kho khá nhiều. Có thể, phải đến đầu năm 2023, đồ nội thất tồn kho mới được giải phóng. Nhưng thời gian này, họ cũng đã phải đặt một số mặt hàng. Có thể, phải đến giai đoạn đầu năm tới, đơn hàng mới đổ về như trước. “Không nhiều Quốc gia sản xuất được đồ gỗ, khách hàng cho rằng điểm đến Việt Nam vẫn là thế mạnh”, ông Liêm nói.

Không chỉ có The Home Depot, thế mạnh của điểm đến Việt Nam là điều mà rất nhiều thị trường khẳng định. Ông David  Hookins, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Vương quốc Anh cho biết, hàng năm từ tháng 1 đến tháng 3, các nhà phân phối toàn cầu thường đặt hàng để các nhà sản xuất có thời gian thực hiện, phục vụ mùa mua sắm cuối năm. Trong bối cảnh các thách thức cũ như logistics, giá nguyên liệu… từ năm trước vẫn còn, lại thêm lạm phát khiến giá năng lượng tăng, khả năng thu hút đầu tư kém, kinh tế ảm đạm thì việc mua hàng hạn chế là điều đương nhiên. 

Riêng ngành gỗ, khi nhu cầu xây dựng nhà cửa đã chậm lại thì dòng chảy của hàng nội thất cũng khó mà như trước. Theo David Hookins, hậu đại dịch, giá cả tiêu dùng, đi lại, năng lượng… đều tăng. Người dùng sẽ ít chi dùng cho sản phẩm trong nhà hơn trong 2 năm tới. Nhưng, vì đã có thời gian tăng trưởng bất thường trong đại dịch, nên so với mức trước Covid-19, mức giảm này cũng chỉ là thời gian quân bình lại. Nghĩa là, các nhà phân phối vẫn cần có hàng hóa để phục vụ thị trường. Thực tế ghi nhận tại Anh, tình trạng thiếu lực lượng lao động, nhất là lao động có kỹ năng vẫn đang diễn ra. Do vậy, nhu cầu đặt hàng tại các quốc gia khác vẫn có. “Thực tế dữ liệu cung ứng đồ nội thất Việt Nam được các nhà nhập khẩu Anh xác định là điểm đến tích cực, không có rủi ro nguyên liệu thiếu bền vững. Do đó, chắc chắn là khi đơn hàng trở lại, các nhà nhập khẩu sẽ trở lại Việt Nam”, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Vương Quốc Anh khẳng định.

Bước chuẩn bị cần thiết

Vương quốc Anh từ khi rời  khỏi Liên minh Châu Âu đã có những chính sách kiểm soát biên giới khó khăn, logistics giữa châu Âu và Anh Quốc không còn thông thoáng như trước, việc nhập khẩu hàng hóa sẽ cần có những tiêu chuẩn khắt khe hơn. Để có thể chinh phục thị trường Anh cũng như châu Âu thời gian tới, vị chuyên gia của Hiệp hội Gỗ Vương quốc Anh cho rằng các doanh nghiệp (DN) Việt Nam cần lưu ý cải thiện chất lượng, cầu thị, lắng nghe nhu cầu khách hàng. DN Việt cũng cần tiếp tục phát huy thế mạnh hiện nay là đảm bảo tính hợp pháp của nguyên liệu, sản phẩm vì đó là xu hướng tiêu dùng trên toàn cầu. Ông khẳng định: “Trong thời điểm hiện tại, Việt Nam đang cần một chiến lược truyền thông tích cực để kể câu chuyện thế mạnh của đồ gỗ Việt Nam với thế giới. Đồng thời, triển khai những chương trình xúc tiến thương mại đến các thị trường truyền thống lẫn tiềm năng. Đó là bước chuẩn bị cần thiết nhất, đón đầu nhu cầu khi thị trường ấm lên”.

Đồng quan điểm, ông Võ Quang Hà, Chủ tịch Tavico cũng cho rằng đà khó khăn có thể kéo dài và tình hình kinh doanh trong tháng 8 còn có thể tệ hơn. Nhưng thời gian tới, thị trường sẽ hồi phục nhanh, khó khăn chỉ tạm thời. Đề phòng khả năng giảm sút tiếp theo, DN cũng cần chủ động trong kinh doanh để có thể duy trì hoạt động. Cách thiết thực nhất là tìm kiếm thêm thị trường mới.

“Cần phải có một chiến lược truyền thông tích cực để kể câu chuyện thế mạnh của đồ gỗ Việt Nam với thế giới. Đồng thời, triển khai những chương trình xúc tiến thương mại đến các thị trường truyền thống lẫn tiềm năng”

David  Hookins

Đây cũng là mục tiêu mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang hướng tới. Ông Hà Công Tuấn, nguyên thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, các trở ngại hiện tại mang tính chất khách quan, là hệ quả của lạm phát nên cũng sẽ nhanh qua. Giai đoạn này, các cơ quan quản lý cần hỗ trợ DN bằng cách tính đến các giải pháp phát triển thị trường, hoạch định nguồn lực để tổ chức các hội chợ, các hoạt động xúc tiến thương mại cho ngành một cách quy mô và chất lượng. Theo ông Tuấn, ngành gỗ có đóng góp lớn cho GDP cả nước, tạo việc làm cho nhiều lao động. Do vậy, các cơ quan quản lý cần nắm vững diễn biến để kịp thời hỗ trợ về mặt thông tin, sâu sát với DN, thể hiện sự đồng hành của nhà nước với DN”,

Ông Hà Công Tuấn cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, Nhà nước có thể xem lại chính sách hỗ trợ lãi suất 2% với DN khó khăn mà Nhà nước đã ban hành trong đại dịch, triển khai kịp thời hỗ trợ DN. “Quan trọng hơn nữa là cố gắng có được giấy phép FLEGT, chủ động trong việc cấp chứng chỉ rừng bền vững cho lâm dân, cấp giấy chứng nhận sở hữu đất rừng để lâm dân an tâm tập trung sản xuất, phát triển thế mạnh gỗ nguyên liệu rừng trồng. Có như vậy, ngành nội thất mới có nền tảng để phát triển bền vững. “Tình hình thế giới rồi sẽ bình yên trở lại, DN cần hết sức vững vàng, ứng biến để bền bỉ vượt qua. Năm 2023, bức tranh của ngành sẽ hoàn toàn khác”, ông Tuấn nói.

Theo thông tin ghi nhận từ Hội nghị Giao ban ngành gỗ quý III/2022, diễn ra ngày 28/7 tại Đồng Nai, thời gian tới, Thủ tướng sẽ trực tiếp đối thoại với các DN ngành gỗ để có thể lắng nghe, kịp thời hỗ trợ cho công tác phát triển ngành. Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Viforest cho biết, các cơ quan quản lý đều đang nỗ lực để có những chương trình, chính sách hỗ trợ tích cực để DN ngành gỗ có thể nhanh chóng vượt qua các thử thách hiện tại, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và trở thành điểm đến của ngành công nghiệp nội thất của Thế giới.

Danh mục:

No tag

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác