,

Lợi thế của chế biến gỗ Việt Nam trước đòi hỏi “xanh hóa”

Sau các đòi hỏi hợp pháp trong truy xuất nguồn gốc nguyên liệu, xuất khẩu nội thất Việt Nam đang đứng trước các yêu cầu mới từ thị trường quốc tế. Trong đó, các đòi hỏi từ CBAM, EUDR… được xem là rào cản. Gỗ và Nội thất đã trao đổi với ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) chung quanh vấn đề này.

 

* Ông đánh giá thế nào về tác động của những chính sách này đối với ngành sản xuất, chế biến gỗ?

– Bên cạnh việc giải trình truy xuất nguồn gốc nguyên liệu, thời gian tới các DN (DN) xuất khẩu lâm sản vào EU sẽ phải vượt qua thêm 2 rào cản nữa: (1) Báo cáo khối lượng xuất khẩu và lượng phát thải khí nhà kính, tiến tới bắt buộc phải trả chi phí bằng thuế hoặc tín chỉ carbon theo Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). (2) Giải trình các sản phẩm xuất khẩu vào EU không liên quan đến phá rừng và suy thoái rừng theo EUDR về “Chuỗi các sản phẩm không gây mất rừng, suy thoái rừng xuất, nhập khẩu vào EU”.

Ngoài EU, các thị trường xuất khẩu lâm sản chính của Việt Nam như Hoa Kỳ, Nhật Bản cũng hướng tới yêu cầu giải trình truy xuất nguồn gốc nguyên liệu, báo cáo khối lượng xuất khẩu và lượng phát thải khí nhà kính, trả phí cho việc để phát thải khí nhà kính bằng thuế hoặc mua tín chỉ carbon…

Việc này sẽ khiến thời gian, chi phí sản xuất, xuất khẩu lâm sản tăng cao. Tuy nhiên đây là điều cần thiết và đảm bảo cho sự phát triển xanh, bền vững.

* Theo ông, những quy định mới sẽ tác động thế nào đến các DN trong ngành thời gian tới?

– EUDR tác động đến toàn bộ chuỗi cung từ DN trồng, chế biến cho đến xuất khẩu. Mức độ tác động của EUDR đối với DN lớn khác với các DN nhỏ và vừa. Thường thì các DN lớn dễ tuân thủ, thích ứng hơn.

Một số tác động chính:

+ Vì EU chưa có hướng dẫn cụ thể trong khi thời điểm áp dụng chỉ còn khoảng một năm, dẫn đến DN làm không đúng, tốn chi phí, công sức, thậm chí có thể gặp rủi ro.

+ Nếu chỉ một DN không tuân thủ, một ngành hàng không tuân thủ sẽ ảnh hưởng tới phân loại rủi ro quốc gia và mức độ, tỷ lệ kiểm tra hàng hóa của EU sẽ cao, chặt chẽ đối với quốc gia bị xếp loại rủi ro cao.

+ EUDR có thể tác động đến việc tổ chức sản xuất của DN vì cần đáp ứng, tuân thủ yêu cầu về bảo đảm không gây mất rừng. DN sẽ phải cung cấp thông tin địa lý nguồn gốc nguyên liệu cho các nhà nhập khẩu để thực hiện trách nhiệm giải trình. Ngoài ra DN phải xác định, lựa chọn lại nguồn nguyên liệu sao cho vừa hợp pháp, vừa đáp ứng yêu cầu không gây mất rừng, lựa chọn nguồn từ vùng ít rủi ro, nguồn có chứng chỉ Quản lý rừng bền vững.

* Xét về mặt lợi thế, với gần 80% lượng gỗ nguyên liệu là gỗ rừng trồng trong nước, theo ông DN Việt Nam có điều kiện thuận lợi để theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững?

– Để đảm bảo phát triển bền vững nguồn nguyên liệu trong nước, DN cần tạo vùng nguyên liệu ổn định, nguồn gốc hợp pháp, đặc biệt là tăng cường quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng. Giải pháp là liên kết, hợp tác với các chủ rừng để xây dựng vùng nguyên liệu bền vững.

Các DN Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng bền vững. Cụ thể: Điều kiện đất đai, khí hậu nhiều vùng phù hợp với phát triển vùng nguyên liệu. Đất đai được giao cho hộ gia đình; người dân có nhiều kinh nghiệm trong trồng, chăm sóc, khai thác gỗ rừng trồng; hình thành một số vùng nguyên liệu rừng trồng được quản lý bền vững và cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo nguồn gốc hợp pháp.

Thuận lợi khác là đã có nhiều mô hình liên kết giữa DN và hộ trồng rừng. Ngoài ra chính sách trồng, khai thác, chế biến, tiêu thụ gỗ rừng trồng hiện nay khá thông thoáng, tạo điều kiện cho DN, chủ rừng đầu tư trồng rừng nguyên liệu, liên kết sản xuất theo hướng bền vững.

* Hiện nay, mức độ chuyển đổi xanh của các DN vẫn còn khá ít. Theo ông, đâu là rào cản khiến DN chưa mạnh dạn và triệt để trong việc theo đuổi các giá trị bền vững?

Hiện nay các DN chế biến gỗ chưa mạnh dạn và triệt để theo đuổi sản xuất xanh do 3 nguyên nhân chủ yếu:

Một là đa số DN vẫn chưa nhận ra tầm quan trọng của việc chuyển sang sản xuất xanh và chưa sẵn lòng thay đổi. Ngành gỗ hiện vẫn chưa chịu nhiều áp lực từ việc giảm phát thải CO2, nhưng trong tương lai chắc chắn sẽ không tránh khỏi. Vì thế ngay từ bây giờ các DN gỗ cần phải thay đổi cách làm theo hướng giảm phát thải, xanh hóa chuỗi cung ứng hiện tại, coi đây là cơ hội để chuyển mình.

Hai là chưa có hướng dẫn cụ thể về công nghệ chế biến lâm sản phát thải khí nhà kính bao nhiêu là xanh, hướng dẫn đo lượng khí nhà kính phát thải.

Ba là việc chuyển đổi sang sản xuất xanh làm tăng phí sản xuất vì phải chuyển đổi công nghệ, nguyên liệu, nhiên liệu, quy trình quản lý, vận hành DN…

* Nếu vượt qua được những áp lực mang tính “cơm áo” thường nhật, quyết tâm theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững với mô hình sản xuất xanh, chuỗi cung ứng xanh… DN sẽ được những lợi thế cụ thể nào?

– Nếu đạt được mục tiêu sản xuất xanh, các DN chế biến lâm sản sẽ có lợi thế hơn các DN không đạt vì hiện nay người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến sản phẩm xanh, sản phẩm không làm suy thoái, mất rừng, không phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất; các DN đạt mục tiêu sản xuất xanh, chuỗi cung ứng xanh sẽ tạo được uy tín với khách hàng. Ngoài ra, thời gian tới, chỉ có sản phẩm xanh, không làm suy thoái, mất rừng; không phát thải khí nhà kính mới đủ điều kiện vào EU; đây là thị trường khó tính, đòi hỏi tiêu chuẩn rất cao nên có thể nói nếu sản phẩm vào được EU thì có thể xuất khẩu sang tất cả các thị trường còn lại. Một lợi ích khác là sắp tới Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon được triển khai tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản…, các sản phẩm đạt mục tiêu sản xuất xanh, chuỗi sản xuất xanh sẽ không phải đóng phí phát thải khí nhà kính, chi phí này thường sẽ cao hơn so với việc chuyển đổi sản xuất xanh.

Hoài Thương thực hiện

Danh mục:

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác