,

Lựa chọn không phụ thuộc

Thị trường bất động sản đi xuống tạo đà cho tiêu dùng nội thất giảm sâu và ngược lại. Tuy nhiên, vẫn có lựa chọn để doanh nghiệp (DN) nội thất không phụ thuộc vào quy luật này.

Thị trường nội thất có nhiều phân khúc khác nhau, nhưng tiêu thụ sẽ được chia theo hai dạng thức. Một là nội thất gia đình cho khu dân cư. Hai là nội thất công trình, bao gồm bệnh viện, trường học, khách sạn, văn phòng…

Sự khác biệt tạo nên cơ hội

Tôi khởi nghiệp trong ngành nội thất cách đây 18 năm. Ban đầu, Divani Designs phát triển theo hướng cung ứng nội thất gia đình (residential). Tuy nhiên, sau gần hai thập kỷ gắn bó với ngành, tôi nghiệm ra, bất cứ lĩnh vực nào, liên quan tới gia đình, thuộc về cá nhân, nhà ở, dân cư… luôn gắn bó và phụ thuộc chặt chẽ với “sức khỏe” của tình hình kinh tế chung. Nghĩa là, khi thị trường địa ốc tăng trưởng tốt thì kinh doanh đồ nội thất gia đình sẽ tăng và ngược lại. Sự lệ thuộc này gần như 100%. Điểm mấu chốt này khiến Divani Designs quyết định phải chuyển sang hướng đi khác.

Cũng là cung ứng nội thất, nhưng hoàn toàn không, hoặc ít bị lệ thuộc vào sự bấp bênh của nền kinh tế là mảng nội thất công trình. Bất chấp tình trạng của nền kinh tế, các công trình đều phải duy trì hoạt động, thậm chí là mở rộng theo tăng trưởng dân số toàn cầu. Tất nhiên, mảng kinh doanh này cũng chịu ảnh hưởng nhưng chỉ chậm lại chứ không đứng yên và sụt giảm như khối nội thất gia đình.

Minh chứng cho sự chênh lệch khá lớn của 2 mảng kinh doanh này, có thể thấy rõ hồi đại dịch Covid-19. Thị trường nội thất gỗ thương mại ở Mỹ trong những năm vừa qua có chậm lại nhưng vẫn tăng trưởng. Thậm chí, trong một báo cáo tường thuật về ngành nội thất ở Mỹ gần đây còn cho thấy, trong năm 2023, mảng kinh doanh này phát triển cực mạnh, nhất là ở các khách sạn, nhà hàng… với tỉ suất tăng trưởng lên đến 1,8 lần so với cùng kỳ năm trước. Nghĩa là, đối chiếu với các dự án nhà hàng, khách sạn mới được xây dựng trong năm qua thì số phòng tăng hơn 240.000 phòng so với cùng kỳ năm 2022.

Đó là một con số đáng kể dành cho các DN cung ứng đồ nội thất. Vấn đề là làm thế nào để DN nội thất Việt Nam có thể tiếp cận thị trường này.

Gia tăng tính lợi thế

Năm 2023, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, dù sụt giảm 15,6% nhưng Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu chính của DN nội thất Việt Nam. Doanh số xuất khẩu nội thất sang Mỹ hơn 7,3 tỷ USD, chiếm tỷ trọng hơn 54%.

Vượt qua Trung Quốc, trở thành nhà cung ứng nội thất lớn nhất cho thị trường Mỹ nhưng so với Trung Quốc, nội thất Việt Nam vẫn không có được vị thế bền vững và biên độ lợi nhuận xứng đáng. Tham dự các hội chợ nội thất lớn ở Trung Quốc, dễ thấy DN ở đó khá am tường “gu” thẩm mỹ của thị trường xuất khẩu đồ nội thất và các loại đồ gia dụng khác. Khi Trung Quốc chuẩn bị mở cửa làm ăn với phương Tây, họ đã triển khai chiến lược khám phá, tìm hiểu thị trường xem thị hiếu người dùng muốn gì, cần gì để đáp ứng thích hợp. DN Trung Quốc từ lâu đã thuê đội ngũ thiết kế nước ngoài, tập trung trực diện vào vào thị trường mục tiêu. Thậm chí, nhiều DN Trung Quốc đã đầu tư nghiêm túc về thiết kế lẫn sáng tạo để có thể sở hữu riêng cho mình một loại vải, một loại phụ kiện không DN nào có thể làm ra được. Đây là khoảng cách rất lớn và Việt Nam có lẽ cần thời gian khá dài để bắt kịp. Nhưng, nếu không bắt đầu, khoảng cách ấy sẽ không bao giờ thu ngắn lại được. Gia tăng hàm lượng sáng tạo là cách duy nhất DN có thể trang bị cho mình lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Khảo sát các nhà máy sản xuất ở Việt Nam thời gian gần đây, tôi khẳng định, khả năng và tiềm lực của DN nội thất Việt không hề nhỏ, thừa khả năng cung ứng cho các khách sạn, công trình đẳng cấp trên thế giới. Nhưng, đã qua rồi giai đoạn đầu tư năng lực sản xuất rồi ngồi chờ đơn hàng. DN Việt Nam cần những “trận đánh lớn” hơn, với tổng lực cạnh tranh từ khả năng sản xuất, khả năng thiết kế lẫn giá trị thương hiệu. Cùng với nhà sáng lập Thompson Huynh Interior Services, tôi sẽ có buổi chia sẻ chi tiết về kinh nghiệm trong quá trình hoạt động tại webinar Tham gia vào chuỗi cung ứng và sản xuất đồ nội thất cho khách sạn tại Mỹ, tổ chức sáng 7/3/2024.

Vươn ra thị trường toàn cầu, DN buộc phải chủ động. Cách đơn giản, đầu tiên và dễ nhất là chủ DN dấn thân cũng như tạo điều kiện cho nhân viên và những người làm kỹ thuật, thiết kế… có cơ hội tiếp cận thị trường mục tiêu. Không thể thông qua một vài đối tác đến đặt hàng mà hình dung được cả thị trường rộng lớn. Cơ hội dành cho DN nội thất Việt Nam thực sự nằm ngoài những đơn hàng gia công mà họ đã và đang thực hiện bấy lâu nay.

Những đặc thù cần lưu ý

Thị trường nội thất gỗ thương mại nhiều tiềm năng nhưng có những đặc thù. Riêng mảng khách sạn, DN phải tìm hiểu ai là người mua, người quyết định mua, người trả tiền… Những tập đoàn khách sạn luôn có những quy định riêng từ phía đơn vị quản lý, đơn vị vận hành, đơn vị sở hữu… DN cần nắm được hệ thống mua bán của khách sạn trước khi nghĩ đến việc xuất khẩu đồ nội thất sang Mỹ.

Phục vụ dự án, ngoài đồ gỗ ra còn có đồ điện, đồ sắt, đồ nhựa, phụ tùng, linh kiện… DN Việt Nam yếu thế trong khả năng cung ứng trọn gói, chỉ tập trung sản phẩm mình có, còn lại khách hàng phải tự cung cấp. Mở rộng hệ sinh thái của chính mình, kết nối nhiều DN để tạo được liên minh cung ứng như đồ trang trí, đồ điện, gia dụng,… nâng cao khả năng phục vụ khách hàng sẽ cho DN thêm lợi thế cạnh tranh.

DN Việt báo giá chậm, chưa xây dựng khung báo giá chuẩn. Mỗi dự án có ngân sách riêng, khi báo giá rồi, DN nên giữ giá đến ngày cuối cùng. Mỗi khi thay đổi giá, khách hàng phải làm lại hồ sơ, phải xét duyệt 2-3 cấp rất phiền hà, DN sẽ khó lòng giữ chân được đối tác.

Thời gian sản xuất của các DN Việt Nam thường dài hơn các nhà cung cấp khác. Đồng thời, thường xuyên giao hàng không đúng tiến độ. Điều này gây khó khăn cho dự án vì liên quan đến đội thi công, nhà kho, tiền cước vận chuyển thay đổi, rồi ngân hàng và nhiều thứ khác. Tình trạng này ít xảy ra với các nhà cung cấp Trung Quốc, DN Việt cần triệt để khắc phục.

Hoàng Thăng Long
Công ty Divani, Hoa Kỳ – thành viên VBI Global

 

Danh mục:

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác