Mong muốn được đóng góp bằng sự cam kết dài hạn

Gỗ và Nội thất: Thế hệ Doanh nhân F1 đang kế thừa những doanh nghiệp do các đấng sinh thành gầy dựng trong lĩnh vực sản xuất đồ gỗ xuất khẩu ra những thị trường toàn cầu. Vậy Nhóm Doanh nhân F1 đang được hưởng lợi gì và thách thức như thế nào?

– Nhóm Doanh nhân F1: Tại Việt Nam nói riêng, thế hệ chúng tôi có nhiều thách thức hơn là thuận lợi khi kế thừa nghề nghiệp gia đình so với thế hệ trước.

Trước hết nói về thuận lợi, đa phần chúng tôi có cơ hội học tập, làm việc ở nhiều môi trường nên có cái nhìn toàn cầu, một số góc nhìn mới mẻ hơn. Kế tiếp, Nhóm doanh nhân F1 được thừa hưởng nền tảng tài chính, các mối quan hệ, kinh nghiệm từ thế hệ đi trước. Tuy nhiên, những thuận lợi này bị dung hòa đáng kể khi Việt Nam mở cửa hội nhập. Bây giờ, rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp từ các nước khác cũng có sự tương đồng như chúng tôi cùng bước vào “đường đua”, chính vì thế tạo ra sự cạnh tranh lớn và các lợi thế trên không còn là “lợi thế cạnh tranh cốt lõi”.

Về thách thức, áp lực duy trì công việc kinh doanh ở quy mô lớn, cái giá của việc phạm sai lầm, nói cách khác là cơ hội thử và sai quá lớn, làm hạn chế khả năng đưa các ý tưởng mới mẻ, cải tiến vào hoạt động. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh tăng cao, không chỉ từ các doanh nghiệp hiện đang hoạt động trong ngành mà còn đến từ nhiều mô hình kinh doanh mới, câu chuyện giữa Uber, Grab với taxi Mai Linh, Vinasun chính là một thí dụ nhãn tiền.

Thế hệ F1 còn gặp phải những khó khăn cố hữu trong quá trình chuyển giao việc quản lý. Trong khi các đấng sinh thành đa phần đều là thế hệ khởi nghiệp nên cũng không có nhiều trải nghiệm về vấn đề này.

Gỗ và Nội thất: Theo Nhóm doanh nhân F1, giai đoạn 2016 – 2020, ngành sản xuất đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ Việt Nam đang gặp nhiều thuận lợi hay sự thách thức càng lớn hơn khi bước vào các sân chơi khu vực và toàn cầu?

– Thách thức của ngành trong giai đoạn này muốn vượt qua quả thật không hề nhỏ. Nhiều lợi thế cạnh tranh trước 2016 của chúng ta đang dần không còn là lợi thế nữa. Các doanh nghiệp Trung Quốc, Malaysia đang chuyển nhà máy sang Việt Nam tạo ra các công ty “xanh vỏ đỏ lòng”, cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước.

Lợi thế nhân công giá rẻ đang bị chiến lược “sử dụng máy móc hiện đại và chấp nhận chịu lỗ trong giai đoạn giành thị trường” làm suy yếu. Lực lượng lao động phổ thông dồi dào nhưng tư duy công nghiệp, tính kỷ luật, tuân thủ nguyên tắc sau nhiều năm vẫn không có nhiều tiến bộ.

Cản ngại lớn khác đó là thiếu nguồn nguyên liệu và ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành như hardware – ray kéo, tay nắm đều phải nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc. Gỗ nguyên liệu còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu. Ván nhân tạo sản xuất trong nước như ván ép, MDF, Okal còn hạn chế về chất lượng và giá thành.

Đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước, đa phần tập trung vào thị trường xuất khẩu. Trong khi đó, Mỹ, Châu Âu là các thị trường chính đang gặp nhiều biến động; nền kinh tế thế giới đang chững lại.

Mặt khác, biên độ lợi nhuận của việc gia công ngày càng thấp nhưng khả năng chuyển đổi sang mô hình “thiết kế – sản xuất – thương mại” của các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn: (1) nguồn lực thiết kế; (2) ngân sách, kinh nghiệm, chiến lược trong việc thương mại; (3) thị trường thế giới đang định vị Việt Nam là “xưởng gia công giá rẻ”.

Về phía Chính phủ chưa có quy hoạch dài hạn cũng như tầm nhìn cho ngành chế biến gỗ và nguyên vật liệu phụ trợ. Nhiều chính sách trói buộc hoạt động của doanh nghiệp, làm tăng chi phí và giảm sức cạnh tranh. Thí dụ, như Thông tư 01 hay Quy định về giờ tăng ca cho phép hiện là 300h/năm, còn thấp so với khu vực, như ở Trung Quốc hiện là 1800h/năm.

Thuận lợi lớn nhất của chúng ta hiện nay là uy tín đã tạo dựng được trong những năm qua về các nguyên tắc đạo đức trong kinh doanh. Lực lượng lao động phổ thông dồi dào, tay nghề nhân công đặc biệt phù hợp với các sản phẩm yêu cầu sự tỉ mỉ, khéo léo. Sự thuận lợi cuối cùng là mối quan hệ lâu năm với các khách hàng lớn.

Gỗ và Nội thất: Xu hướng người tiêu dùng đồ gỗ hiện nay đã thay đổi, không còn quá chú trọng đến các loại gỗ quý mọc tự nhiên và xem đó là một phần gia tài. Họ quan tâm nhiều đến các loại gỗ trồng có chứng chỉ rừng ở trong nước hoặc gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ Nam Mỹ, châu Âu… có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Thế hệ F1 các bạn quan tâm đến điều này về ngắn hạn và dài hạn thế nào trong quá trình sản xuất đồ gỗ?

– Trong vấn đề tính hợp pháp của nguyên liệu thì tất cả nhà sản xuất đồ gỗ đều quan tâm chứ không chỉ có thế hệ doanh nhân F1. Chúng tôi quan tâm vấn đề này một cách nghiêm túc và có cam kết. Bởi vì về ngắn hạn, các chỉ tiêu ngày càng nghiêm ngặt của các thị trường xuất khẩu bắt buộc chúng ta dù muốn hay không phải đáp ứng. Về dài hạn, sự hòa hợp với thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống đã trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Đặc biệt, khi những hậu quả của biến đổi khí hậu đang diễn ra từng ngày làm ảnh hưởng đến cuộc sống của chính mỗi người. Sử dụng nguồn gỗ hợp pháp không chỉ bảo vệ việc kinh doanh mà còn là bảo vệ cuộc sống của mỗi người, bảo đảm tương lai ổn định cho con cháu chúng ta.

Bên cạnh việc hợp tác hỗ trợ nhau để tìm kiếm, sử dụng những nguồn nguyên liệu bền vững có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và tránh những khu vực có rủi ro cao. Hiện tại, một số thành viên của Nhóm doanh nhân F1 đang tham gia vận động và hỗ nhưng hộ dân trồng rừng nhỏ lẻ làm chứng nhận FSC và trồng rừng gỗ lớn (điều chỉnh mật độ cây trồng tỉa thưa và giữ gỗ trên 7 năm để cho ra ra tỷ lệ gỗ lớn ngày càng cao). Hợp tác với các tổ chức phi chính phủ đẩy nhanh tiến độ chứng nhận FSC.

Gỗ và Nội thất: Trước bức tranh toàn cảnh về ngành sản xuất đồ gỗ mà Nhóm doanh nhân F1 đã phác thảo ra từ các thông tin nêu trên, liệu ngành chế biến đồ gỗ và nội thất, thủ công mỹ nghệ Việt Nam có thể phát triển đồng bộ theo thế tứ trụ: Thương mại, Thiết kế, Công nghệ và Vật liệu không?

– Hiện trạng của ngành hiện nay, về vật liệu gỗ vẫn phải nhập khẩu nhiều, tuy nhiên vẫn có một số tín hiệu tốt như Chính phủ có hỗ trợ tăng thuế lên doanh nghiệp khai thác cây non. Đối với công nghệ: còn dựa nhiều vào lao động thủ công, chưa có đơn vị đào tạo công nhân đủ trình độ vận hành máy móc hiện đại. Lĩnh vực thiết kế, bước đầu đã có tín hiệu khởi sắc, phát triển, chẳng hạn như công ty AA là đơn vị tiên phong, tạo dấu ấn rõ nét nhất. Trong khi đó hoạt động thương mại bước đầu phát triển đơn lẻ ở một số doanh nghiệp mạnh.

Từ minh chứng của nhiều quốc gia trong khu vực, chúng tôi tin tưởng Việt Nam có thể phát triển được tứ trụ, vấn đề nằm ở chỗ: Thứ nhất, có tạo được liên minh giữa các doanh nghiệp đang dẫn đầu trong các lĩnh vực này hay không; Thứ hai, khả năng liên kết, tận dụng nguồn lực và bài học từ các điển hình thành công của khu vực và thế giới; Thứ ba, cơ chế hỗ trợ từ Chính phủ.

Gỗ và Nội thất: Những năm qua HAWA đã tổ chức thành công cuộc thi thiết kế Hoa Mai khá ấn tượng. Theo các bạn vì sao ngành chế biến gỗ, nội thất chưa ứng dụng các mẫu đoạt giải từ cuộc thi này để đưa vào sản xuất?

– Cuộc thi Hoa Mai được đánh giá là đã tạo ra một luồng gió mới, khuyến khích các nhà thiết kế trẻ trong những năm qua. Rất nhiều thí sinh đã bước đầu ít nhiều tạo được tên tuổi của mình trong nước. Tuy nhiên, để được thị trường quốc tế công nhận (mà trong phạm vi câu hỏi này là để các công ty Việt Nam không chỉ là nơi gia công mà còn tiến lên trở thành địa chỉ thiết kế sản phẩm uy tín) thì việc tận dụng mẫu thiết kế từ Hoa Mai không giải quyết được vấn đề. Kể cả trong giả định một vài mẫu thiết kế thực sự sáng tạo, đáp ứng được nhu cầu thị trường về thị hiếu, giá cả.

Vấn đề cốt lõi ở chỗ Việt Nam chưa có tên trên bản đồ thiết kế sản phẩm nội – ngoại thất của khu vực và thế giới. Điều này, ngành Kiến trúc của Việt Nam đã bước đầu làm được với những cá nhân, đơn vị, công trình được thế giới ghi nhận bằng các giải thưởng, bằng những đánh giá từ các tạp chí chuyên ngành. (Câu chuyện made-in-Japan đồng nghĩa với chất lượng; made-by-Hermes đồng nghĩa với tinh tế là một ví dụ).

Chúng ta cũng từng biết ngành chế biến gỗ của Việt Nam mặc dù đã hình thành cách đây gần hai thập kỷ, tuy nhiên do xuất phát điểm là địa chỉ gia công của các thương hiệu nước ngoài dựa trên lợi thế là sự khéo léo về tay nghề và nhân công giá rẻ nên hoàn toàn chưa có chú trọng đầu tư ngân sách cho việc thiết kế. Mặc khác, kinh nghiệm để quản lý, phát triển thiết kế cũng không có nên càng tạo tâm lý e ngại cho các doanh nghiệp. Tâm lý e ngại va chạm đến thị trường của khách hàng hiện tại dẫn đến việc mất khách hàng cũng là trở ngại lớn.

Về nguồn nhân lực hiện nay được đào tạo trong nước về ngành thiết kế nội ngoại thất khá dồi dào, tuy nhiên năng lực lại không đáp ứng được nhu cầu thị trường do: (1) ít có cơ hội cọ sát thực tế trong khi học; (2) tỷ lệ ra trường làm trái ngành cao do thị trường tuyển dụng nhỏ; (3) hạn chế về cơ hội tiếp cận các xu hướng, công nghệ mới, đi thực tế các công trình xuất sắc trong và ngoài nước.

Để tạo được tên tuổi trên bản đồ thiết kế của khu vực và thế giới, để trở thành một địa chỉ được tin cậy trong lĩnh vực “thiết kế và sản xuất” ngành cần vạch ra chiến lược bài bản, kiên trì và có thuyền trưởng vững tay chèo. Chúng ta hãy nhìn Singapore với chiến lược “trở thành Silicon valley của châu Á” hoặc “hub sáng tạo của khu vực” để cùng chiêm nghiệm và phấn đấu vươn lên tầm cao mới.

Gỗ và Nội thất: Nếu được đề cử vào Ban chấp hành HAWA nhiệm kỳ 2016 -2019, các bạn doanh nhân F1 có thể mang lại những đóng góp mang tính đột phá?

– Với quan điểm“Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình” những việc mà Nhóm doanh nhân trẻ chúng tôi có thể đóng góp cho hoạt động của HAWA là: (1) Tuổi trẻ – dám thử và sai mà không bị áp lực bởi uy tín, thành công đã tạo dựng trước đó; dồi dào về ý tưởng; (2) Khả năng liên kết, xây dựng mối quan hệ “hợp tác mới” với các doanh nghiệp trong khu vực. Ví dụ: phát triển mạng lưới các thế hệ kế thừa trên tinh thần hợp tác, tin tưởng, cạnh tranh lành mạnh; (3) Quan trọng nhất, chúng tôi đang muốn được đóng góp cho hoạt động chung của Hội trong giai đoạn hiện tại.

Hình ảnh: Nhóm F1 chụp hình tại Lễ giỗ Tổ năm 2016. Ảnh: Chân Quang. Nhóm hiện tại có 12 thành viên đến từ Công ty Tân Thành, Minh Dương, Đức Lợi 2, Minh Phát 2, Liên Thanh, Thanh Hòa, Hưng Hoàng, Scansia Pacific, Thái Trịnh, Đại Thành, Đức Việt.

UYÊN VIỄN thực hiện

Danh mục:

No tag

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác