Tháng 2/2020, nhận được thông báo tạm hoãn từ phía VIFA Expo, bà Phạm Thị Hồng Quang, Giám đốc Công ty Thủ công Mỹ nghệ Nguồn Việt đã phải nén tiếng thở dài. Đây là hội chợ xúc tiến thương mại thường niên lớn nhất của ngành nội thất Việt Nam và là nơi giúp Nguồn Việt đón chân khách hàng quen, kết nối khách hàng mới từ khắp thế giới. Bà Quang cho biết: “Thủ công mỹ nghệ là mặt hàng có tính thời trang, thay đổi theo thị hiếu nên trung bình, mỗi năm, khách hàng phải sang Việt Nam ít nhất là 2 lần để tham quan nhà xưởng, tìm hiểu mẫu mã, kết nối giao thương. Không duy trì được kết nối này, rất khó để doanh nghiệp (DN) có đơn hàng”.
Giải pháp tổng thể
Tình hình còn khó khăn hơn vào tháng 4/2020, khi giãn cách xã hội được thực hiện. Trong điều kiện áp lực này, Nguồn Việt buộc phải tìm kiếm những cách thức làm việc mới, từ việc gửi thư thăm hỏi, gửi hình ảnh sản phẩm… để có thể giữ quan hệ với khách hàng. “Cho đến khi tiếp cận được nền tảng trực tuyến HOPE, tôi mới thực sự có được giải pháp tổng thể cho vấn đề này, ký kết hợp được đồng mới với khách hàng”, bà Quang tiết lộ.
HOPE là nền tảng triển lãm trực tuyến đầu tiên của ngành công nghiệp nội thất Việt Nam, được xây dựng nhằm kết nối DN xuất khẩu Việt Nam với các nhà mua hàng trên toàn cầu. Ứng dụng công nghệ số và tiếp thị trực tuyến, DN triển lãm trên HOPE sẽ thể hiện được năng lực cạnh tranh thông qua việc số hóa sản phẩm, xây dựng các không gian triển lãm 3D, tối ưu hoá kết quả tìm kiếm và quản trị khách hàng… từ đó, phát huy tối đa khả năng kết nối giao thương trực tuyến.
“Sứ mệnh của HOPE là trở thành cửa ngõ giao thương quốc tế, góp phần hỗ trợ DN ngành gỗ và nội thất Việt Nam tiếp cận hiệu quả hơn với thị trường thế giới”, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch thường trực HAWA chia sẻ. Theo ông Phương, COVID-19 đã làm thay đổi cách thức tìm kiếm nguồn cung ứng cũng như thúc đẩy DN chuyển đổi mô hình tiếp thị và bán hàng sang hình thức trực tuyến. Trước sự đình trệ của tất cả các hội chợ triển lãm trên toàn cầu, HAWA đã phải quyết liệt trong việc xây dựng và phát triển HOPE (HAWA Online Platform for Exhibition) để có thể kịp thời giúp DN tháo gỡ khó khăn.
Tiềm năng hậu COVID
Ra đời trong cao điểm của đại dịch COVID-19, HOPE trở thành chiếc phao cứu sinh cho nhà sản xuất Việt Nam cũng như các nhà mua hàng quốc tế.
Từ tháng 8/2020, đến nay nền tảng này đã có tổng cộng hơn 20.000m2 diện tích showroom với gần 10.000 sản phẩm đến từ 70 DN triển lãm, thu hút gần 30.000 khách tham quan đến từ gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó các quốc gia có lượng khách tham quan HOPE cao lần lượt là Mỹ, Anh, Canada, Portland, Germany, France, Australia, Korea… Không chỉ kết nối DN với khách hàng, nền tảng này còn có khả năng mở rộng kết nối cho các tổ chức, hiệp hội với nhau. Thành công của chương trình kết nối giao thương trực tuyến giữa DN Việt Nam và nhà mua hàng Canada qua nền tảng HOPE do HAWA và Thương vụ Việt Nam tại Canada tổ chức vào tháng 10/2020 là ví dụ.
Đáng chú ý, chỉ trong thời gian ngắn, đã có hơn 50 đơn hàng xuất khẩu thành công thông qua nền tảng này. Bà Dương Thị Minh Tuệ, Giám đốc Kinh Doanh Công ty CP Gỗ Minh Dương nhận xét:
“HOPE là công cụ tốt để DN số hóa không gian trưng bày và giới thiệu sản phẩm trực quan, hỗ trợ quá trình ra quyết định đặt hàng nhanh chóng của nhà mua hàng. Khi đại dịch COVID-19 vẫn còn chưa được kiểm soát, đây chính là kênh thương mại hiện đại và đắc lực”. Tuy nhiên, theo bà Tuệ, cũng như tất cả các công cụ khác, các DN cần dành thời gian tìm hiểu về cách vận hành và đầu tư nhân sự để quản lý tốt kênh truyền thông mới, kịp thời tương tác với khách hàng khi có thư hỏi hàng, cũng như thay đổi mẫu mã mới và đầu tư hình ảnh sản phẩm, showroom đẹp…
Đồng quan điểm, bà Vương Đình Ngọc Chi – Giám đốc kinh doanh Công ty Cổ Kim Mỹ Nghệ cho biết chi phí đầu tư cho các kênh tiếp thị và bán hàng trực tuyến chỉ bằng 1/3 so với tham dự hội chợ truyền thống. Trong năm 2020, Cổ Kim Mỹ Nghệ đẩy mạnh khai thác các kênh trực tuyến từ các trang thương mại điện tử, quảng cáo digital, social media marketing và đặt showroom trực tuyến trên nền tảng HOPE. “Sau 2 tháng triển khai trên HOPE, chúng tôi xuất khẩu thành công 2 container đầu tiên”, bà Chi chia sẻ.
Đánh giá về tiềm năng của các nền tảng trực tuyến, bà Doãn Thị Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, các nền tảng xúc tiến thương mại truyền thống đã hình thành lâu đời và phát huy hiệu quả rất tốt. Tuy nhiên, trong giai đoạn dịch bệnh vẫn còn gây gián đoạn như hiện nay, để sản phẩm đến được với các nhà mua hàng, DN cần phải chủ động hơn nữa trong việc tham gia hội chợ online, nền tảng triển lãm trực tuyến… “Xúc tiến thương mại online hiện là giải pháp tạm thời nhưng sau này, nó cũng sẽ phải được duy trì bởi đây là xu thế tất yếu. Nếu tận dụng tốt, đây là kênh hiệu quả có thể bổ trợ cho kết nối trực tiếp”, bà Thủy khẳng định.
Vì điều này mà HAWA không chỉ đơn thuần tổ chức và vận hành nền tảng mà còn đẩy mạnh các hoạt động digital marketing vào các thị trường xuất khẩu chủ lực cùng với các đối tác truyền thông quốc tế uy tín như Furniture Today, Mobelmarkt (Đức), TFO (Canada)…. để tạo độ lan tỏa rộng khắp. “Trong vai trò của hiệp hội, chúng tôi còn phải lựa chọn đơn vị tham gia để có thể bảo chứng cho uy tín của DN. Nghĩa là, ở chiều ngược lại, nhà mua hàng có thể yên tâm trải nghiệm, tìm kiếm và lựa chọn nhà cung cấp tiềm năng đã được HAWA xác thực”, ông Phương khẳng định.
Bà Khatoon Lalani, Category Manager – Outdoor Living của Holland Imports: Công cụ hữu íchBuổi kết nối giao thương trực tuyến với 3 nhà cung cấp Viet Product, ATC và Lyprodan qua nền tảng HOPE đã giúp chúng tôi có những thông tin hữu ích để đặt hàng cho nhu cầu của công ty trong năm 2021 và 2022. Tôi đánh giá rất cao chất lượng buổi kết nối thông qua công nghệ trực quan, giúp các thành viên có thể nắm bắt được chi tiết về kiểu dáng, kết cấu, vật liệu của sản phẩm dù không thể đến được tận nơi. |