Không tuyệt đối hóa bất cứ điều gì, cân bằng là kim chỉ nam giúp nhà thiết kế người Nhật Tomoyuki Matsuoka chinh phục người dùng nội thất toàn cầu, trong suốt hơn 30 năm bền bỉ làm nghề. Với ông, nội thất tốt phải hài hòa giữa dấu ấn sáng tạo và tính ứng dụng thực tiễn, nhằm tạo trải nghiệm tốt nhất cho người dùng.
* Thị trường nội thất toàn cầu trị giá hơn 541 tỷ USD, thu hút hàng trăm ngàn nhà thiết kế. Làm thế nào để có thể tạo ra và gìn giữ bản sắc của các thiết kế rất… Tomoyuki Matsuoka?
– Tôi không tìm cách hay để tâm quá nhiều đến việc khác biệt. Tuy nhiên, mỗi nhà thiết kế cần có cái “tôi” để xác định quan điểm thiết kế riêng. Từ đó, có được định hướng nhất quán khi làm nghề. Sự nhất quán theo thời gian còn trở thành một “chữ ký” giúp kết nối bạn đến những đối tác đồng điệu. Với tôi, đó là nhịp điệu của tự nhiên (rhythm of nature) trong các thiết kế.
* Vậy giai điệu đó được phối vào sản phẩm qua các yếu tố nào?
– Đầu tiên là nguyên liệu. Tôi yêu gỗ, điều này thấy rõ qua hầu hết thiết kế của tôi. Trong bối cảnh hiện nay, gỗ vừa là “đường tắt” để kết nối cuộc sống hiện đại với thiên nhiên, vừa đóng vai trò giải pháp xanh bảo vệ môi trường. Thứ hai là thiết kế. Tôi hướng đến các thiết kế đơn giản, tinh tế thông qua ngôn ngữ hình dáng và màu sắc. Theo quan điểm cá nhân, phong cách này giúp nội thất dễ tương thích với đa dạng kiểu không gian, đáp ứng yêu cầu về trải nghiệm mà không tạo ra cảm giác dư thừa, nặng nề. Nhờ vậy, sản phẩm nội thất chứa đựng nhịp điệu, hơi thở tự nhiên.
* Quá trình phát triển thiết kế của ông được biết đến với sự hài hòa giữa thủ công và sáng tạo. Đâu là phần yêu thích nhất khi bắt tay làm sản phẩm mới?
– Tôi thích mọi giai đoạn, vì cần tất cả để tạo nên một sản phẩm tốt. Tuy nhiên, thích nhất là khâu làm mẫu thủ công (sample). Sau khi hoàn thành bản thiết kế, tôi sẽ tự tay thực hiện sản phẩm mẫu với kích thước 1:1. Dựa trên đó, tôi có thể quan sát tổng thể, tự mình trải nghiệm, nắm bắt các khuyết điểm, kiểm tra khả năng sản xuất để xử lý trực tiếp. Quá trình này mang cho tôi niềm vui của một người thợ, thổi hồn để bản vẽ thành thực thể sống và đảm bảo nó sống khỏe mạnh, có ích. Cuối cùng, dựa trên các thay đổi, tôi sẽ hoàn chỉnh bản thiết kế. Tôi cũng làm điều tương tự khi phát triển bộ sưu tập đầu tiên của thương hiệu Orientale, ra mắt ở HawaExpo 2024.
* Theo ông, thế nào là sản phẩm nội thất tốt?
– Theo tôi, để có một sản phẩm tốt, thiết kế là quan trọng nhưng chưa phải tất cả. Sản phẩm tốt phải mang giá trị thật thông qua hai câu hỏi: Có khả năng thực hiện trong nhà máy không? Có khả năng thương mại hay không?
Khi sự sáng tạo không có định hướng rõ rệt, không bám vào giá trị thật, chúng ta sẽ đánh mất trách nhiệm của người thiết kế nội thất là tạo ra các sản phẩm phục vụ đời sống. Chúng ta cần phải cân bằng với thực tế, thấu hiểu được nhu cầu, thói quen trải nghiệm của người dùng. Đồng thời, tìm hiểu cách thức và khả năng đáp ứng của hình thức thủ công, hình thức sản xuất công nghiệp để đưa ra phương án sản xuất phù hợp với thiết kế.
* Hiện nay, có một thực trạng chung là xu hướng sống nhanh kéo theo thiết kế, sản xuất cũng phải kịp với các xu hướng tiêu dùng. Làm việc với nhiều thương hiệu, các thiết kế của ông có bị chi phối bởi các trào lưu này?
– Tôi thuận tự nhiên. Bối cảnh hiện tại thay đổi từng ngày, điều này đòi hỏi người thiết kế không thể đứng yên. Tuy nhiên, tôi không tạo ra các thiết kế chạy theo xu hướng. Tôi tạo ra các thiết kế hợp thời, tức là sáng tạo trên cơ sở thị hiếu, hành vi trải nghiệm của khách hàng, có tính kinh tế thị trường ngay tại thời điểm phát triển sản phẩm.
* Ông áp dụng tư duy trên khi phát triển sản phẩm cho thương hiệu mới nhất Orientale như thế nào?
– Orientale bắt nguồn từ chữ “Orient” và “Tale”, ngụ ý là thương hiệu cao cấp được tạo ra để kể cho thế giới câu chuyện về sản phẩm nội thất phương Đông cao cấp hội tụ trọn vẹn tinh hoa sáng tạo – thủ công – công nghệ, mang đến trải nghiệm thoải mái chân thật. Sau đại dịch, mọi người hướng đến giá trị thật – bền vững từ lõi và tính cá nhân hóa cao. Do đó, sản phẩm được sản xuất từ nguyên liệu gỗ Walnut, Ash, Oak và da tự nhiên đạt chất lượng cao cấp hàng đầu, bám sát tiêu chuẩn netzero. Đồng thời, thiết kế bật lên tính tinh tế đích thực, phong cách thanh lịch vượt thời gian, thể hiện đẳng cấp người sở hữu mà không phô trương, hoa mỹ.
Với khâu sản xuất, Orientale có sự tham gia của nghệ thuật thủ công tinh xảo để tạo ra tính độc tôn cho từng sản phẩm và áp dụng công nghệ tối tân nhất. Tất cả làm nên Orientale – câu chuyện kinh điển của đẳng cấp thật của nội thất châu Á, trong bối cảnh năm 2024 về sau.
* Cuối cùng, ông có lời khuyên cho các bạn trẻ Việt Nam đã và đang theo đuổi nghề thiết kế nội thất?
– Các bạn trẻ cần chủ động học hỏi để nắm bắt tri thức nền tảng, cập nhật khả năng sản xuất đương thời. Để nuôi dưỡng sáng tạo từ cuộc sống, họ cần phải va chạm thực tế để hiểu đúng cảm nhận, mong muốn của người sử dụng sản phẩm. Và luôn nhớ rằng trách nhiệm của người thiết kế nội thất không chỉ ở công việc thiết kế.
Tomoyuki Matsuoka là nhà thiết kế nội thất người Nhật sinh năm 1970, được đào tạo tại khoa Thiết kế Công nghiệp – Đại học Chiba và khoa Thiết kế của Học viện Hoàng Gia Đan Mạch về Fine Art tại Copenhagen.
Năm 2001, ông sáng lập studio Tomoyuki Matsuoka Design. Năm 2014, thiết kế ghế Campos và ghế Tapered của ông đoạt giải bạc tại Asahikawa International Furniture Design Competition 2014 (IFDA 2014).
Ông cộng tác với các thương hiệu lớn như Crown, Takumi Kogei, Nissin Furniture Crafters, Nihon Bed Manufacturing, Panasonic, Marukei Woodworks,… và gần nhất là Orientale vừa ra mắt tháng 3/2024 tại Việt Nam.
Uyên Bùi thực hiện