,

Ông Chris Lee – Giám đốc kinh doanh đơn vị sơn gỗ, khu vực Đông Nam Á, AkzoNobel: Trách nhiệm “xanh” vì thế hệ tương lai

Có thâm niên cung ứng trên toàn cầu những sản phẩm sơn phủ bề mặt, AkzoNobel là thương hiệu đã đồng hành cùng nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ ở Việt Nam. Theo ông Chris Lee, đón đầu các tiêu chuẩn xanh trong tiêu dùng nói chung và nội thất nói riêng là khoản đầu tư không mang lại lợi nhuận trước mắt mà mang đến lợi thế cạnh tranh lớn ở tương lai.

 

* Hơn 15 năm có mặt tại Việt Nam, AkzoNobel có điều kiện chứng kiến giai đoạn phát triển khá ấn tượng của ngành chế biến gỗ Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về tiềm năng và lợi thế phát triển của ngành?

– Nếu chúng ta nhìn lại 5 – 10 năm trước, chế biến gỗ Việt Nam đã có một vị thế nhất định trên thị trường quốc tế. Có lẽ không cần phải chứng minh khả năng cạnh tranh lẫn chất lượng các sản phẩm gỗ của Việt Nam khi mà mức xuất khẩu đã luôn nằm trong top 5 trên thị trường nội thất thế giới.

AkzoNobel rất vinh dự khi chứng kiến và tham gia vào quá trình lý thú này. Đó là lý do chúng tôi không ngừng mở rộng đầu tư lẫn sản xuất tại Việt Nam, không chỉ phục vụ cho ngành xây dựng mà còn tập trung vào ngành chế biến gỗ. Tuy đối diện với thách thức về mặt đơn hàng, nhưng tôi tin tiềm năng của ngành chế biến gỗ Việt Nam vẫn còn rất lớn. Việc kinh doanh thường tăng hoặc giảm theo chu kỳ, vấn đề cốt lõi là chúng ta đối diện và thích ứng với nó như thế nào.

* Nhưng những xáo trộn của thị trường hiện nay vẫn gây tâm lý bất ổn cho người làm nghề?

– Như đã nói, tiềm năng xuất khẩu nội thất gỗ từ Việt Nam vẫn còn ở mức rất cao. Lợi thế này trước tiên đến từ vai trò điều tiết của Nhà nước bằng cách đồng hành, tạo điều kiện cho DN tham gia sản xuất, đồng thời cải thiện hạ tầng, phục vụ cho sự lớn mạnh hơn nữa của ngành. Những tác động ấy sẽ góp phần thu hút hơn nữa nhà đầu tư nước ngoài. Lượng FDI trong ngành chế biến gỗ hoạt động tại Việt Nam khá lớn, tạo được nhiều việc làm cho người dân địa phương. Tất cả cho thấy triển vọng của ngành chế biến gỗ Việt Nam rất khả quan. Tiềm năng này cũng là cơ hội cho AkzoNobel cũng như các DN trong hệ sinh thái của ngành.

* Để thích ứng với hiện tại cần có chiến lược ra sao?

– Trong vị thế một tập đoàn toàn cầu, chúng tôi luôn luôn trong tư thế sẵn sàng cho mọi tình huống có thể xảy ra. Với tình huống hiện tại của ngành chế biến gỗ, AkzoNobel theo đuổi chiến lược đồng hành cùng DN và cùng nhau nỗ lực vượt khó. Khi thị trường khó khăn, đòi hỏi của người dùng khắt khe hơn. Không chỉ đáp ứng được các đòi hỏi ấy, DN sản xuất nội thất còn phải không ngừng sáng tạo, đưa ra các lựa chọn mới để có thể thuyết phục khách hàng.

Là DN cung ứng các sản phẩm sơn phủ bề mặt, AkzoNobel không chỉ cung cấp các giải pháp sản xuất, mà còn có quy trình kết hợp, làm việc rất sâu với khách hàng, từ khâu nghiên cứu thị trường, đón đầu xu hướng lẫn nghiên cứu giải pháp sản xuất, tư vấn tại xưởng. Chúng tôi tự hào khi sở hữu một lực lượng RD&I (nghiên cứu, phát triển và đầu tư) có quy mô toàn cầu. Chúng tôi không ngừng đầu tư tài nguyên và công sức để tìm kiếm các nguyên liệu mới, các sản phẩm mới, giải pháp mới cung cấp cho thị trường. Hoạt động thường niên của AkzoNobel là liên kết với các nhà thiết kế, chuyên gia thời trang hàng đầu và vận hành một trung tâm nghiên cứu xu hướng màu sắc, kịp thời đưa ra màu sắc đặc trưng của năm để định hướng thị trường, hỗ trợ các nhà thiết kế.

Chúng tôi không chỉ kinh doanh sơn, mà còn mang đến các giá trị về công nghệ, dịch vụ… Trong đó bao gồm việc làm sao để đem lại năng suất cao, tiết kiệm hơn quá trình sản xuất nhưng vẫn đảm bảo sản phẩm chất lượng cao nhất.

* Cụ thể, khi làm việc với AkzoNobel, DN nội thất sẽ được hưởng những lợi ích nào?

– Chúng tôi xác định việc hợp tác với các nhà sản xuất là rất quan trọng nhằm đảm bảo đáp ứng được chất lượng yêu cầu dành cho sơn phủ. Bộ phận kỹ thuật của AkzoNobel luôn duy trì mức độ cung cấp dịch vụ cao, không những cùng DN nghiên cứu yêu cầu đơn hàng, đưa ra giải pháp mà còn hỗ trợ tại xưởng để đảm bảo DN sản xuất nội thất có thể đáp ứng các nhu cầu bề mặt, dù đó là yêu khắt khe nhất.

Một đặc thù của thị trường Việt Nam là mẫu mã, phong cách thiết kế phụ thuộc rất lớn thị trường xuất khẩu. Bộ phận RD&I của chúng tôi tại Việt Nam luôn hỗ trợ nhà sản xuất tìm ra các màu sắc, thiết kế, các quy trình phù hợp với các môi trường xuất khẩu cụ thể, dù có những điểm chung và các khác biệt mang tính đặc thù. Chẳng hạn, Singapore yêu cầu các sản phẩm nội thất cho căn hộ tầm trung, thiết kế đương đại, còn thị trường châu Âu chuộng sự tối giản theo phong cách của IKEA. Trong khi đó thị trường Mỹ luôn phức tạp, cầu kỳ về thẩm mỹ lẫn mẫu mã. Hiểu rõ các biến số này, chúng tôi luôn đưa ra các giải pháp tối ưu cho sản xuất.

* Theo ông, những đòi hỏi mới nào từ phía người dùng sẽ là thách thức với DN nội thất?

– Ngoài chất lượng và tính sáng tạo, thị trường nội thất chứng kiến việc người dùng đang chú trọng nhiều đến quá trình cá nhân hóa.

Chưa hết, tầm nhìn của quốc gia lẫn cá nhân người dùng đều đang đặt trọng tâm vào phát triển bền vững, đòi hỏi nhà cung ứng nội thất phải có trách nhiệm trong toàn bộ quy trình sản xuất của mình. Nói đến sản xuất xanh có thể DN sẽ e ngại, nhưng thực chất đó là khoản đầu tư cần thiết và mang đến lợi thế cạnh tranh lớn ở tương lai.

* AkzoNobel đã chuẩn bị thế nào cho các đòi hỏi sản xuất xanh?

– Triết lý kinh doanh của AkzoNobel từ lâu đã đặt nhiệm vụ vì thế hệ tương lai làm chủ đạo. Phát triển xanh với 3P: People. Planet. Paint (Con người. Hành tinh. Sơn) là một trong những giá trị cốt lõi mà công ty theo đuổi. Chúng tôi tuân thủ nghiêm túc quy trình sản xuất xanh, cung ứng các sản phẩm sơn phủ đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn nhập khẩu của những thị trường khắt khe nhất như Mỹ, châu Âu, Nhật, Hàn Quốc…

* Xin cảm ơn ông vì những trao đổi này!

Lê Khương thực hiện

Danh mục:

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác