,

Ông Đặng Minh Lành, Giám đốc Công ty Nội thất New GBI: Đặc trưng sản phẩm là bệ phóng xuất khẩu

Sở hữu kinh nghiệm hơn hai mươi năm hoạt động trong ngành nội thất với nhiều vai trò, từ điều hành sản xuất đến cung ứng nội thất cho các thương hiệu, công trình đẳng cấp Quốc tế… ông Đặng Minh Lành cho rằng, không ít doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã xây dựng thành công đặc trưng sản phẩm, giúp nhà mua hàng nhận diện được thế mạnh sản xuất của mình. Tuy nhiên, danh sách ấy vẫn cần được mở rộng, để thu hút nhiều hơn đơn hàng.

* Chế biến gỗ Việt Nam đang đương đầu với thử thách sụt giảm đơn hàng, theo ông, việc này có thể kéo dài?

– Trực tiếp làm việc với các đối tác nước ngoài, tôi không bi quan trước thử thách hiện nay. Dù Thế giới đang vận động rất khác trước nhưng ngành chế biến gỗ Việt Nam vẫn đang hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để có thể phát triển.

Nguyên nhân là nhu cầu tiêu thụ nội thất của thị trường thế giới rất lớn và luôn tăng trưởng. Trước ảnh hưởng của căng thẳng chính trị, quốc gia cung ứng nội thất lớn nhất toàn cầu là Trung Quốc phải đối mặt với làn sóng dịch chuyển đơn hàng từ phía các đối tác lớn như Mỹ, Ấn Độ… Trong khi Việt Nam lại là quốc gia có đủ năng lực, đủ điều kiện thuận lợi như cảng biển để xuất khẩu… nhưng thị phần lại đang chiếm rất khiêm tốn. Vì vậy mà ngay cả trong lạm phát, miếng bánh thị trường có thu hẹp lại thì dư địa cho ngành nội thất Việt Nam vẫn còn rộng. Nhưng cần phải lưu ý rằng, có khá nhiều thay đổi từ ảnh hưởng của lạm phát.

* Cụ thể…?

– Hiện tại tôi thấy sự dịch chuyển rõ rệt từ dòng hàng cao cấp xuống trung cấp để đáp ứng với tình hình lạm phát hiện nay vì người tiêu dùng đang phải thắt lưng buộc bụng trong chi tiêu. DN chế biến gỗ cần lưu ý xu hướng này để có những chào mời phù hợp với nhu cầu khách hàng.

Theo quan sát của tôi, từ giờ đến cuối năm 2024, tình hình kinh doanh nội thất toàn cầu cũng chưa thể khởi sắc rõ rệt. Nhưng, như đã nói, DN Việt Nam vẫn sẽ có đơn hàng do dòng dịch chuyển từ các đơn hàng đang mua từ Trung Quốc sang. Cơ bản, nhu cầu tăng từ người tiêu dùng sẽ chưa thể tăng. Chúng ta cần nhìn nhận đúng thực tế này để có thể đưa ra chiến lược kinh doanh thực sự phù hợp.

* Đánh giá từ các nhà mua hàng Quốc tế thế nào về chất lượng nội thất Việt Nam?

– Trước năm 2020, nghĩa là trước dịch Covid, các sản phẩm nội thất của Việt Nam được đánh giá là đa dạng và phong phú. DN trong nước có thể cung cấp hầu hết các mặt hàng mà nhà mua hàng quốc tế cần.

Xét về chất lượng, đồ nội thất Việt Nam có hàng cao cấp, trung cấp, hàng bình dân, đại trà, nhưng hàng thực sự siêu cao cấp thì gần như không đáp ứng được. Ví dụ, dù xuất khẩu hàng trung cấp và đại trà sang Nhật khá nhiều nhưng Việt Nam vẫn không thể xuất khẩu các mặt hàng siêu cấp ở thị trường này. Ví dụ, một cái tủ cao khoản 1,5m x 0,4m x 1,2m để đựng đồ Kimono cho giới thượng lưu ở Nhật thì phải sản xuất tại Nhật và thường là ở vùng Hida-Takayama ở miền Trung. Rất khó để thâm nhập vào phân khúc này.

Xét về giá cả, tùy thuộc vào số lượng đặt hàng mà chúng ta có thế mạnh cạnh tranh hay không. Nếu số lượng vừa và nhỏ thì DN Việt Nam vẫn đang cạnh tranh tốt. Tuy nhiên, với số lượng lớn khách hàng sẽ chọn mua từ Trung Quốc, vì giá cả đơn hàng lớn ở Trung Quốc vẫn luôn tốt hơn Việt Nam rất nhiều.

Cũng cần phải lưu ý, không nhiều DN nội thất Việt Nam đáp ứng được tất cả các tiêu chí về mặt sản xuất, quy trình, tiêu chuẩn… mà nhà mua hàng quốc tế đặt ra. Theo hiểu biết của tôi thì tỉ lệ này dưới 30%. Trên 50% các nhà máy hiện tại của khu vực Bình Dương, Đồng Nai, Long An… có quy mô vừa và nhỏ. Những nhà máy này chuyên đảm nhận gia công cho các nhà máy lớn.

Khách hàng quốc tế đánh giá cao chính sách hậu mãi của các DN chế biến gỗ Việt Nam. Ví dụ, luôn vui vẻ bồi thường cho khách nếu hàng bị lỗi do nhà sản xuất. Tuy nhiên, hậu biến cố Covid-19, tình hình có thay đổi. Chuỗi cung ứng bị đứt do nhiều nhà máy phải đóng cửa bởi vì thiếu đơn hàng. Chi phí sản xuất tăng nhưng giá bán không được tốt do tình hình suy thoái toàn cầu. Nhà mua hàng quốc tế cũng đang gặp khó khăn để tìm kiếm nhà cung cấp hàng như trước thời kỳ Covid-19.

* Xét về nhận diện đặc trưng sản phẩm, theo ông, các DN nội thất Việt Nam đã tạo được dấu ấn riêng để những nhà mua hàng tìm đến khi cần những mặt hàng có phong cách đặc trưng như vậy thì sẽ tìm đến đúng chỗ?

– Hiện tại hầu hết các nhà máy đã xây dựng thành công dòng hàng sản xuất thế mạnh của mình và đạt tính chuyên môn hóa cao. Ví dụ, khi cần ngoại thất ngoài trời thì tìm đến Trường Thành, Thiên Minh; khi cần tủ kệ bếp đội ngũ mua hàng biết tìm đến An Cường, Tekcom, Savimex… Hoặc cần nội thất gỗ khối thì đến Tân Thành; hay khi cần nội thất gỗ uốn, họ sẽ đến Curvetta… Với nhu cầu nội thất cao cấp cho dự án, khách sẽ tìm đến AA hay Trần Đức. Đặc trưng sản phẩm là bệ phóng xuất khẩu, nhất là với Việt Nam, nơi tập hợp phần lớn DN gia công sản xuất.

Tôi nghĩ, trong tương lai, danh sách các DN xây dựng được thế mạnh đặc trưng riêng trong sản phẩm cần phải dài hơn nữa, cho khách hàng các nước có thêm lựa chọn hơn. Thời gian tới, Việt Nam sẽ còn thu hút được các nhà mua hàng đến từ các thị trường mới. Càng cho khách hàng nhiều lựa chọn, Việt Nam càng có cơ hội giữ vững vị thế trên bản đồ xuất khẩu nội thất thế giới.

Vấn đề quan trọng không kém là cách tiếp cận thị trường thế giới của DN Việt Nam cũng chưa mạnh nên chưa tiếp đón nhiều khách hàng quốc tế đúng với dòng hàng mình đang làm. Chiếc cầu nối hiện nay cho người bán và người mua là thông qua các công ty cung cấp dịch vụ tìm nguồn cung ứng (sourcing).

* Với thực tế hiện nay thì DN cần điều chỉnh thế nào cho phù hợp, thưa ông?

– Tôi nghĩ, DN Việt cần thêm sự chủ động trong kinh doanh. Có được nhận diện đặc trưng sản phẩm rồi, để thích ứng và vượt thử thách hiện nay, DN phải kết hợp và vận dụng hiệu quả 2 yếu tố: xu thế thị trường lẫn lợi thế cạnh tranh nội tại của DN mà mình đã xây dựng nên. Không dễ để nắm bắt được nhịp chuyển động của thị trường, nhất là trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu người dùng thay đổi rất nhanh.

Tuy nhiên, có hai thứ khó thể thay đổi trong thời gian tới và cả lâu dài về sau là chất lượng và yếu tố “xanh” trong sản phẩm. Người dùng đã thực sự ý thức về tính bền vững trong tiêu dùng, DN buộc phải đáp ứng yếu tố này, không có lựa chọn khác. Người dùng sẽ ngày một khó tính hơn, ở tất cả các thị trường.

* Nghĩa là, các nhà mua hàng cũng sẽ đòi hỏi ở các DN nội thất Việt Nam nhiều hơn?

– Như đã nói, nhà mua hàng rất mong tỷ lệ các DN hoạt động sản xuất chuyên nghiệp tăng lên để họ có nhiều sự lựa chọn đặt hàng. Chất lượng sản phẩm tăng lên, tỷ lệ sản phẩm kết hợp nhiều nguyên vật liệu tăng lên, tất nhiên, giá cạnh tranh hơn.

Để tạo thuận tiện hơn nữa trong việc hợp tác xuất khẩu nội thất sang thị trường các nước, nhà sản xuất Việt Nam cần có những thay đổi lớn, nhất là việc tuyển chọn và đào tạo nguồn lực lao động chất lượng và chuyên nghiệp hơn. Đầu tư mạnh và thực hiện hiệu quả công tác marketing. Đồng thời, đầu tư máy móc chuyên sâu, giảm lao động chân tay để chất lượng ổn định và kiểm soát chi phí tốt hơn. Xa hơn nữa là xây dựng chuỗi cung ứng mạnh cho riêng mình. Cụ thể là việc xây dựng hệ thống đối tác cung ứng bền vững, đảm bảo quyền lợi xuyên suốt với các đối tác để hợp tác lâu dài. Được vậy, tính sẵn sàng của DN sẽ cao hơn.

* Cuối cùng, đề xuất của ông cho những chương trình HAWA nói riêng và các hiệp hội khác có thể triển khai để hỗ trợ các DN nội thất ứng phó tốt hơn với những thách thức hiện tại?

– Vai trò của HAWA nói riêng và các hiệp hội gỗ nói chung trong giai đoạn này hết sức quan trọng.

Các tổ chức ngành nghề, hiệp hội cơ bản tập hợp được những người làm nghề, sẽ có cái nhìn khái quát và rộng lớn hơn là một DN đơn lẻ nên vai trò dẫn dắt và kết nối ở đây sẽ quyết định rất lớn thành công của ngành.

Hiệp hội cần chú ý vai trò kết nối giữa các DN trong vùng, trong nước với nhau để có chuỗi cung ứng liên thông và mạnh mẽ, nhằm giảm chi phí nguyên vật liệu đầu vào và thời gian vận chuyển.

Để giúp DN kết nối với đối tác mua hàng quốc tế hiệu quả, hiệp hội cần cung cấp thông tin kết nói chính xác và nhanh chóng để giúp cho người mua hàng tiết kiệm chi phí và thời gian và nó cũng tiết kiệm một phần cho nhà cung cấp. Muốn vậy, các tổ chức hiệp hội cần đầu tư nghiêm túc trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu về thế mạnh của từng DN để cung cấp chính xác cho người mua hàng quốc tế. Đây là kênh xúc tiến thương mại uy tín và hiệu quả nhất.

Với hiện trạng DN Việt Nam hiện nay còn phần nào hạn chế kinh nghiệm giao thương Quốc tế, việc tham gia hội chợ Quốc tế riêng lẻ sẽ có nhiều hạn chế. Nếu công tác xúc tiến thương mại được tổ chức ở cấp độ hiệp hội, việc quảng bá hàng hóa sẽ là câu chuyện ở quy mô ngành, sẽ mang tính phổ quát hơn. Đây sẽ là nền tảng để các DN đoàn kết ra biển khơi đánh cá lớn!

* Xin cảm ơn ông!

QUÝ YÊN thực hiện

Danh mục:

No tag

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác