Chính sách tăng thuế suất mới có liên quan nhiều đến vật liệu xây dựng, cùng với việc siết chặt nhập cư bất hợp pháp tác động đến thị trường lao động, gián tiếp làm tăng giá thành xây nhà tại Mỹ. Những thay đổi chính sách của chính quyền mới tác động đến chuỗi cung ứng của toàn ngành. Chủ đầu tư dự án đang tìm đến giải pháp mua hàng trực tiếp từ các nhà sản xuất ở nước ngoài để giảm các khâu trung gian. Cơ hội dành cho các nhà cung ứng Việt Nam rộng mở.
* Theo Hiệp hội Xây dựng nhà Quốc gia, Mỹ dự kiến lãi suất thế chấp 30 năm sẽ giảm xuống còn dưới 6% vào cuối năm 2025. Ông đánh giá thế nào về chỉ số này?
– Điều đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường bất động sản (BĐS). Vì khi lãi suất giảm, chi phí mua nhà sẽ giảm tương đương, tạo điều kiện cho người dùng dễ tiếp cận. Khi nhu cầu cao, ở chiều ngược lại, cũng sẽ thúc đẩy giá nhà tăng lên, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư dễ tiếp cận nguồn vốn hơn.
Tốc độ gia tăng BĐS ở Mỹ dựa trên ổn định kinh tế, chỉ số tiêu dùng, việc làm… Thực tế, thị trường BĐS Mỹ vẫn đang thiếu nhà, nhu cầu còn rất cao. Trung bình, số lượng nhà mới ở Mỹ chỉ tăng 1,6 triệu căn/năm trong khi dân số tăng trưởng trong nhiều năm liên tục. Kinh tế Mỹ vẫn tốt so với các nước trong những năm qua, nên di dân đến Mỹ vẫn cao. Nhu cầu nhà ở cao khiến giá BĐS tại những khu vực dân cư đông, nhiều việc làm có mức tăng lớn. Tại California, giá nhà đã tăng rất nhanh những năm gần đây và có khả năng tiếp tục tăng do thiếu hụt nguồn cung cũng như lạm phát.
* Tiềm năng phát triển của thị trường địa ốc Mỹ liệu có tạo đà cho nhu cầu nội thất?
– Ngoài nhu cầu nhà mới, phần lớn nhà ở được xây dựng lâu năm, tiệm cận thời gian cải thiện hoặc xây mới. Như vậy cơ hội rộng mở cho cả ngành xây dựng lẫn cung ứng nội thất. Với nội thất, tiềm năng còn cao hơn nhờ tính chất di cư theo công việc của người Mỹ. Họ sẵn sàng đổi môi trường sống đến khu vực có nhiều việc làm. Mỗi lần chuyển nhà, nhu cầu mua sắm nội thất cũng sẽ phát sinh. Một lý do khác đó là xu hướng tiêu dùng và cá nhân hóa không gian sống, người Mỹ sẳn sàng thay thế nội thất cho phù hợp với sở thích và phong cách của mình nên nhu cầu đổi mới là rất lớn.
Một nhu cầu khác cũng đang phát sinh là nhân lực. Ngành xây dựng Mỹ sử dụng khá nhiều lao động nhập cư. Chính sách siết chặt nhập cư của tân tổng thống sẽ hạn chế số lượng lao động tham gia ngành. Do đó sự thiếu hụt nhà trong tương lai sẽ còn trầm trọng hơn, chi phí sản xuất tại Mỹ cũng sẽ tăng lên. Như vậy cơ hội là có nhưng thách thức cũng không nhỏ.
* Theo ông, các nhà sản xuất nội thất Việt Nam có thể đồng hành cùng nhà đầu tư BĐS Mỹ?
– Các nhà phát triển BĐS Mỹ rất mong được đồng hành cùng những đơn vị có khả năng cung cấp gói nội thất theo dạng “đo ni đóng giày” cho toàn bộ công trình. Nghĩa là đưa ra được giải pháp về không gian từ thiết kế, vật liệu xây dựng, sản phẩm nội thất đến lắp đặt, giúp nhà đầu tư tiết giảm chi phí, thời gian lẫn nhân lực.
DN Việt Nam cần chứng minh được thế mạnh của mình, giá trị gì DN đem lại cho khách hàng và cách làm việc thuận lợi, rõ ràng, minh bạch. Đơn vị phát triển BĐS luôn ưu tiên đơn vị có khả năng cung ứng tất cả sản phẩm trong một đầu mối, trách nhiệm rõ ràng trong chất lượng, tiến độ và giảm thiểu lượng phát sinh.
Thị trường còn lớn. Việt Nam hiện có những hiệp định thương mại tốt với Mỹ, có năng lực sản xuất tốt, đặc biệt là hàng nội thất gỗ “made in Vietnam” được người tiêu dùng Mỹ đón nhận. Tuy nhiên, các DN nội thất Việt Nam chưa có được hệ sinh thái hoàn chỉnh, mỗi đơn vị chỉ có một vài sản phẩm thế mạnh mà thường kinh doanh đơn lẻ nên chưa thể tiếp cận tốt các dự án.
* Dự án khu đô thị Virada Community sẽ đón nhận các đơn vị cung ứng từ Việt Nam chứ?
– Virada Community tọa lạc tại thành phố lễ hội Indio, miền nam California, nơi diễn ra lễ hội âm nhạc Coachella Music Festival nổi tiếng thế giới. Với vị trí đắc địa, dự án không chỉ mang đến một môi trường sống lý tưởng mà còn là cơ hội đầu tư hấp dẫn cho các nhà cung cấp vật liệu và trang trí nội thất từ Việt Nam.
Virada Community đã được cấp phép xây dựng với tổng cộng 1,287 đơn vị nhà ở, bao gồm các loại hình nhà đơn lập (single family homes), nhà liên kế (condoniums, town homes) và tứ lập (fourplex) và tích hợp nhiều tiện ích phục vụ nhu cầu sinh hoạt, giải trí của cư dân như khu thương mại dịch vụ và khách sạn. Dự án dễ dàng kết nối với các thành phố lớn như Los Angeles và San Diego cũng như khu Little Saigon của cộng đồng Việt Nam.
* Ông có lời khuyên gì cho các DN nội thất Việt Nam khi kinh doanh tại thị trường Mỹ?
– Mỹ là thị trường lớn, nhiều tiềm năng, nhưng cũng có rất nhiều quy định, tiêu chuẩn, luật lệ chặt chẽ, khắt khe vì vậy khi kinh doanh tại thị trường này, các DN cần hiểu rõ trước khi bắt tay làm. Tìm hiểu rõ nhu cầu của từng phân khúc khách hàng, nội thất cao cấp, trung cấp, nội thất thông minh, nội thất bền vững, các xu hướng sống xanh, sử dụng vật liệu thân thiên môi trường…Chậm mà chắc, nếu có đối tác người bản địa có kinh nghiệm chuyên ngành sẽ giúp DN đi nhanh hơn. Ngoài ra, cần xây dựng chế độ dịch vụ khách hàng tốt, vì người Mỹ rất chú trọng đến dịch vụ hậu mãi, chương trình đổi trả linh hoạt…. Doanh nghiệp có tư duy đầu tư bài bản và đi đường dài sẽ dễ thành công ở thị trường này.
Minh Khuê thực hiện