,

Ông Dwayne Wood, Tổng giám đốc Kaiser Việt Nam: Thời điểm vàng để đầu tư vào công nghiệp nội thất

Đầu tư hơn 100 triệu USD vào Việt Nam từ năm 2004, Kaiser được xem là một trong những FDI đầu tiên của ngành chế biến gỗ. Theo ông Dwayne Wood, suốt gần 2 thập kỷ qua, khoản đầu tư tại Việt Nam mang lại hiệu quả cao cho tập đoàn. Dù vẫn phải đối mặt với thách thức chung của kinh tế toàn cầu nhưng hiện tại chính là thời điểm để ngành công nghiệp nội thất Việt Nam phát triển tốt nhất.

 

* Là một trong những nhà cung ứng sản phẩm hàng đầu cho các thương hiệu nội thất lớn của thế giới, xin ông vui lòng cho biết tình hình hoạt động của Kaiser tại Việt Nam?

– Sau gần 20 năm hoạt động tại Việt Nam, Kaiser đã vận hành hai nhà máy với hơn 5.000 lao động, khả năng xuất khẩu 1.000 container/tháng. Thế mạnh của Kaiser là sản xuất nội thất phòng ngủ, phòng ăn, văn phòng tại gia… Nhờ quyết định đầu tư từ sớm nên chúng tôi được nhận khá nhiều lợi thế như: Đội ngũ nhân công lành nghề, chính sách phát triển ngành của Chính phủ Việt Nam…

Thị trường chính của Kaiser là Mỹ. Ngoài mức hấp thụ lớn, đồ nội thất xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường này hiện đang có lợi thế về thuế quan. Các hiệp ước kinh tế cũng tạo điều kiện cho Việt Nam xuất khẩu đồ nội thất sang những thị trường tiềm năng khác như châu Âu, châu Á, Trung Đông… Tôi nghĩ tiềm năng phát triển của công nghiệp nội thất Việt Nam vẫn còn rất lớn.

* Nhưng thực tế doanh số xuất khẩu nội thất Việt Nam đang sụt giảm với tỷ lệ khá cao. Ông đánh giá thế nào về điều này?

– Nguyên nhân khách quan là chủ yếu. Thiếu đơn hàng là tình hình chung của ngành, quy mô toàn cầu chứ không riêng ở Việt Nam. Việc sụt giảm đã diễn ra từ cuối năm 2022 và kéo dài đến bây giờ, nhưng tôi không bi quan bởi nhu cầu nội thất của thị trường thế giới và năng lực cung ứng của Việt Nam đều khả quan. Từ tháng 8, các nhà mua hàng đã bắt đầu trở lại, các nhà máy đã phần nào tháo được áp lực đơn hàng.

* Tình hình sản xuất của Kaiser thời gian qua có khả quan?

– Cũng như các doanh nghiệp (DN) khác, Kaiser chịu ảnh hưởng bởi những yếu tố tiêu cực của thị trường với tỉ lệ giảm sút lên đến hơn 30%. Nhưng, như đã nói, tiềm năng của ngành chế biến gỗ Việt Nam rất lớn nên khả năng phục hồi sẽ rất nhanh. Quan trọng là các giải pháp để ứng phó và chuẩn bị thật tốt cho giai đoạn phục hồi. Với tôi, đây là thời điểm vàng để đầu tư vào ngành này.

* Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm ứng phó của Kaiser?

– Thị trường giảm nhu cầu, tồn kho cao thì việc đặt hàng sẽ trở nên dè dặt hơn. Trong giai đoạn đó, Kaiser nghiên cứu tinh gọn lại mô hình sản xuất để có hiệu năng tốt hơn, đầu tư cho công tác phát triển sản phẩm để khách hàng có thêm lựa chọn. Chúng tôi tập trung bảo toàn đội ngũ lao động bởi đây chính là nguồn lực cạnh tranh và là nền tảng để có thể đáp ứng ngay khi đơn hàng quay trở lại. Số lượng nhân lực lớn, áp lực quỹ lương không nhỏ nhưng chúng tôi vẫn giữ cam kết với nhân viên của mình về thu nhập trong ít nhất là 6 tháng tới.

* Ông có thể nói rõ hơn về công tác đầu tư cho R&D của Kaiser?

– Kaiser cung ứng sản phẩm cho các thương hiệu nội thất lớn trên toàn cầu nên đội ngũ nghiên cứu phát triển sản phẩm của chúng tôi tập trung nghiên cứu giải pháp trên các thiết kế của khách hàng. Hiện thị trường có những biến chuyển rất nhanh, nếu không chuẩn bị trước và kịp thời đáp ứng, DN sẽ khó khăn ngay.

Ví dụ dễ thấy nhất là những đòi hỏi mới về mặt môi trường. Người dùng chú trọng nhiều hơn vào yếu tố “xanh” khi lựa chọn nội thất, buộc nhà cung cấp phải đáp ứng được những nhu cầu này. Đội ngũ phát triển sản phẩm có nhiệm vụ nghiên cứu các giải pháp đáp ứng được những đòi hỏi đó. Đồng thời đưa ra các giải pháp chiến lược để có thể tối ưu sản xuất, tiết kiệm chi phí…

* Theo ông, việc theo đuổi mục tiêu sản xuất xanh có là áp lực?

– Xuất khẩu nội thất từ lâu đã gắn liền với các mục tiêu bền vững, như sử dụng nguồn gốc gỗ hợp pháp chẳng hạn. Kaiser tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về môi trường của quốc gia sở tại và những đòi hỏi của thị trường nhập khẩu. Chúng tôi theo đuổi các đòi hỏi phát triển bền vững nhưng không áp lực phải tiên phong mà đầu tư theo nguyên tắc đón đầu. Nghĩa là sẽ tìm kiếm các giải pháp để vượt hơn các đòi hỏi hiện tại của thị trường nhưng cũng không đi quá xa để đảm bảo khoản đầu tư của mình được tối ưu nhất.

* Trong tiến trình xanh hóa, việc chọn lựa đối tác của Kaiser cũng sẽ đưa ra đòi hỏi tương ứng?

– Sản xuất nội thất đòi hỏi DN phải quy tụ được một hệ sinh thái với hàng loạt nhà cung cấp, đối tác khác nhau, từ nguyên liệu, phụ kiện, máy móc, thiết bị… Đòi hỏi về mặt chất lượng của chúng tôi cũng khá cao, việc chọn lựa đối tác phải dựa trên sự tương đương của hệ giá trị, chất lượng, năng lực cung ứng…

Ví dụ với nhà cung ứng sơn, chúng tôi chọn AkzoNobel. Không chỉ đơn thuần sản phẩm, vật liệu đảm bảo các tiêu chuẩn xanh… nhà cung cấp này còn mang đến những giải pháp trong từng đơn hàng cụ thể. Tính kết nối trong hợp tác sẽ mang đến hiệu quả kinh doanh thực sự cho DN.

* Cụ thể, việc phối hợp giữa AkzoNobel và Kaiser được tổ chức thế nào thưa ông?

– Bên cạnh chất lượng sản phẩm, AkzoNobel sở hữu thế mạnh là đội ngũ kỹ thuật lành nghề. Từ yêu cầu của nhà mua hàng, chúng tôi sẽ ngồi lại với nhau, dựa trên chuyên môn của mỗi đơn vị để tìm ra giải pháp. Sau quá trình thử nghiệm và đưa ra được quy trình sản xuất cụ thể cho bề mặt, đội ngũ chuyên gia của AkzoNobel cũng sẽ đồng hành xuyên suốt tại nhà máy của chúng tôi, vừa chuyển giao kỹ thuật, vừa xử lý các vấn đề phát sinh.

Gỗ là vật liệu sống và sản xuất nội thất không phải là chuyện rập khuôn hàng loạt mà hàm chứa trong nó nhiều yếu tố riêng biệt. Do vậy sự đồng hành của đối tác mang lại giá trị rất lớn. Chúng tôi đánh giá cao hình thức hợp tác đó.

Một giá trị khác mà AkzoNobel sở hữu là các công trình nghiên cứu xu hướng màu sắc, bề mặt được thẩm định bởi các chuyên gia quốc tế. Nguồn dữ liệu này giúp chúng tôi có thể đón đầu xu hướng tiêu dùng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.

* Xin cảm ơn ông.

Mỹ Duyên thực hiện

Danh mục:

No tag

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác