Trong chuyến thăm đầu tiên, ông Eric Broussard, Phó chủ tịch Tập đoàn Amazon, Khối Đối tác bán hàng quốc tế, đã có dịp tiếp cận các doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Năng lượng tích cực và tiềm năng phát triển dồi dào của họ là ấn tượng mà ông có được sau chuyến đi này.
* Doanh số bán lẻ thương mại điện tử (TMĐT) toàn cầu đạt 5,5 nghìn tỷ USD vào năm 2022. Năm 2023, con số này ước tính là 6,2 nghìn tỷ USD và tăng lên 6,8 nghìn tỷ USD vào năm 2024, đạt 7,4 nghìn tỷ USD vào năm 2025. Ông đánh giá thế nào về xu hướng phát triển của TMĐT toàn cầu?
– Theo quan sát của tôi, thị trường toàn cầu hiện đang ghi nhận sự chuyển dịch từ mô hình offline sang online. Xu hướng này đã diễn ra trong 20 – 30 năm trở lại đây và đang ngày càng tăng tốc. Trong tương lai, những ưu thế của mua hàng online sẽ mang đến cho khách hàng nhiều tiện lợi, đa dạng chọn lựa và giá cả hợp lý sẽ tiếp tục thúc đẩy xu hướng chuyển dịch qua online này.
Thực tế, tỷ trọng TMĐT so với tổng dung lượng bán lẻ toàn cầu còn khiêm tốn, nghĩa là còn rất nhiều dư địa để các nhà bán hàng ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, mở rộng hoạt động kinh doanh và tiếp cận khách hàng mới trên toàn cầu.
* Phần lớn DN Việt Nam có quy mô nhỏ, kinh nghiệm và năng lực ở khâu thương mại, bán hàng chưa cao. Đó có phải là hạn chế?
– Ngày trước, nếu có một ý tưởng hay sản phẩm tốt ở Việt Nam và muốn bán ở thị trường quốc tế, bạn phải trao quyền kiểm soát sản phẩm, giá cả và chiến lược sản phẩm cho các bên trung gian. Nay, trên nền tảng TMĐT, ngay cả các DN nhỏ hay siêu nhỏ đều có thể chủ động xây dựng thương hiệu toàn cầu của riêng họ. Đòi hỏi cho hoạt động này thực chất không khó, bởi DN có thể tận dụng cơ sở hạ tầng được cung cấp bởi các bên như Amazon.
Trên Amazon, người dùng có thể tìm thấy nhiều sản phẩm thậm chí còn chưa được bày bán tại các cửa hàng trực tiếp. Cơ hội tiếp cận thị trường là ngang nhau, không phân biệt quy mô hay loại hình DN. Tôi khẳng định, Việt Nam hoàn có có cơ hội tiếp cận người dùng trên kênh TMĐT. Lúc này, DN cần tăng tốc để có thể bước vào một giai đoạn mới, với vị thế chuỗi cung ứng quan trọng của TMĐT toàn cầu.
* Những thế mạnh nào đã tạo nên cơ hội cho DN Việt Nam, thưa ông?
– DN Việt Nam sở hữu kinh nghiệm sản xuất cao, đã phục vụ khách hàng trên toàn thế giới nhiều năm qua. Thế mạnh sản xuất của Việt Nam không phải quốc gia nào cũng có được. Ngoài ra, Việt Nam đang dần khẳng định vị thế là một trung tâm sản xuất mới nổi của châu Á và thế giới. Cùng với các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ và tốc độ chuyển đổi số mạnh mẽ, Việt Nam cho thấy tiềm năng tăng trưởng tích cực trên lĩnh vực xuất khẩu TMĐT.
Thế giới đang chuyển dịch từ xuất khẩu truyền thống sang TMĐT toàn cầu. Nói cách khác, việc xuất khẩu bán sỉ B2B ngày trước đang dần sang xuất khẩu bán lẻ B2C. Mô hình này giúp DN kiểm soát trực tiếp sản phẩm, chiến lược lựa chọn danh mục sản phẩm, chiến lược giá cũng như nhiều khía cạnh khác. Tất nhiên, DN sẽ phải đầu tư để có những giá trị khác ngoài chất lượng sản phẩm như thương hiệu, thiết kế… nhưng xuất khẩu trực tiếp đến người dùng cuối thông qua TMĐT sẽ mang đến lợi nhuận tốt hơn, khả năng phát triển bền vững hơn và cho phép DN chủ động hơn trước những biến chuyển của thị trường.
* Tiếp cận với các DN sản xuất Việt Nam, theo ông, đội ngũ này đã có đủ năng lực tham gia mô hình kinh doanh hiện đại?
– Tôi nhìn thấy sự hứng khởi, nhiệt huyết và năng lượng từ các nhà bán hàng ở Việt Nam. Trong chuyến thăm lần này, tôi cũng cảm nhận được sự năng động và bền bỉ của TMĐT xuyên biên giới tại Việt Nam. Tôi tin rằng bất chấp các thách thức, “xuất khẩu online” sẽ tiếp tục phát triển và trở thành động lực phát triển mới cho Việt Nam. Amazon sẽ tăng tốc đưa Việt Nam trở thành mắt xích mới nổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
* Mục tiêu này xuất phát từ đâu?
– Chiến lược của chúng tôi luôn hướng tới khách hàng. Càng nhiều lựa chọn, khách hàng càng được hưởng nhiều lợi ích hơn. Việt Nam sẽ góp phần mang đến sự lựa chọn đa dạng hơn cho hàng trăm triệu khách hàng của Amazon trên toàn cầu.
Việt Nam đang dần khẳng định vai trò là một trung tâm sản xuất mới nổi quan trọng tại châu Á và trên thế giới, với năng lực sản xuất và cung ứng đa dạng danh mục sản phẩm từ nội thất, điện tử, dệt may, hàng tiêu dùng… Việc hỗ trợ các DN Việt Nam giúp hàng trăm triệu khách hàng trên toàn cầu của Amazon có điều kiện tiếp cận được những sản phẩm đa dạng, chất lượng, sáng tạo, giá cả cạnh tranh.
Thực tế, các nhà bán hàng Việt Nam đã và đang tăng cường sự hiện diện của họ trên toàn cầu thông qua Amazon. Năm 2023, các DN Việt Nam bán ra hơn 17 triệu sản phẩm trên Amazon, mang đến cho khách hàng trên khắp thế giới những sản phẩm made in Vietnam độc đáo, từ hàng thủ công mỹ nghệ, trang trí nhà cửa, đồ nội thất… và rất các sản phẩm có yếu tố bền vững khác. Chúng tôi tin rằng với năng lực sản xuất, quyết tâm khởi nghiệp, và tinh thần chuyển đổi số rất cao, Việt Nam có thể trở thành một chuỗi cung ứng quan trọng trong TMĐT toàn cầu.
* Xin cảm ơn ông!
Thu Ân thực hiện