, ,

Ông Tee Loi Gan – Giám đốc dịch vụ kỹ thuật, đơn vị sơn gỗ AkzoNobel khu vực Nam Á: Chiến lược sáng tạo là nền tảng để gia tăng vị thế

Những biến động lớn trong đời sống đang khiến nhu cầu lẫn thị hiếu người tiêu dùng toàn cầu thay đổi rất nhanh. Khả năng đón đầu, thích nghi trở thành đòi hỏi quan trọng trong chiến lược kinh doanh của mỗi doanh nghiệp (DN).

 

* Năm 2023 khép lại với những con số kém khả quan. Kinh tế toàn cầu tăng trưởng thấp hơn so với 2022. Ở góc độ DN sản xuất, theo quan sát của ông, kết quả này có tạo thành áp lực?

– Sự sụt giảm kinh tế gắn liền với sụt giảm tiêu dùng. Với bất cứ DN nào, đó đều là áp lực. Kinh tế càng khó khăn, đòi hỏi về sản phẩm càng cao. Đội ngũ làm công tác chuyên môn sẽ phải tập trung nghiên cứu giải pháp mới, cải tiến, tinh gọn sản xuất, gia tăng hàm lượng giá trị lên sản phẩm… nếu muốn giữ chân khách hàng và chinh phục đối tác mới. Đứng ở góc độ này thì rõ ràng, khó khăn không phải là thử thách mà chính là động lực.

* Cụ thể, AkzoNobel đã có những cải tiến tích cực nào trong thời gian qua?

– Trước những biến động của thị trường, yêu cầu từ các DN sản xuất nội thất đã mở rộng hơn. Họ đòi hỏi giải pháp bề mặt phải có độ bền cao, có tính kháng khuẩn, kháng nước, có hiệu ứng kim loại… Tất cả những yêu cầu mới này đều trở thành đề tài chúng tôi nghiên cứu và đưa ra giải pháp. Thời gian vừa qua, đơn vị sơn gỗ của AkzoNobel đã phải tập trung cao độ với hiệu suất làm việc cao nhất. Nhờ sở hữu nguồn nhân lực kỹ thuật cao và không ngừng cập nhật nguồn tài nguyên rất quan trọng là các nghiên cứu, sáng chế mới, chúng tôi mới có thể  kịp thời đáp ứng được những yêu cầu mới từ phía thị trường. AkzoNobel hiện đang vận hành các trung tâm nghiên cứu sơn và chất phủ hàng đầu thế giới. Nguồn lực ở quy mô toàn cầu giúp chúng tôi có lợi thế trong sáng tạo.

* DN nội thất sẽ được thừa hưởng lợi thế sáng tạo này?

– Chúng tôi hợp tác với các DN sản xuất nội thất từ bước đầu tiên là đưa ra giải pháp. Nghĩa là, khi nhận được đơn hàng, các DN sản xuất nội thất sẽ tìm đến phòng Lab của AkzoNobel để cùng nghiên cứu, tìm ra giải pháp cho bề mặt đó như hoa văn thế nào, màu sắc ra sao, hiệu ứng nào phù hợp…?

Sau khi đã có được giải pháp bề mặt tốt nhất, đội ngũ chuyên gia của AkzoNobel sẽ tổ chức các buổi đào tạo, huấn luyện tại DN sản xuất nội thất về cách thức thi công.

Là một thương hiệu toàn cầu, mảng sơn gỗ chúng tôi hoạt động rộng khắp ở Hoa Kỳ, châu Âu, châu Á… Mỗi thị trường đều có một đặc thù riêng. Với thị trường năng động như Việt Nam, thách thức chúng tôi thường gặp là tốc độ. Các đơn vị sản xuất nội thất thường xuyên yêu cầu phải có một hàng mẫu mau chóng. Do vậy, đội ngũ R&D phải hành động thật nhanh mới có thể đáp ứng.

* IMF dự báo tăng trưởng 2024 sẽ tiếp tục giảm nhẹ. Áp lực từ phía thị trường liệu có tiếp tục tăng cao?

– Những biến động lớn trong đời sống tiếp tục khiến nhu cầu lẫn thị hiếu người tiêu dùng toàn cầu thay đổi rất nhanh. Song song với những đòi hỏi nâng cao chất lượng, hàm lượng sáng tạo, thiết kế ấn tượng… đòi hỏi cao nhất của thị trường thời gian tới nằm ở nhu cầu về phát triển bền vững. Từ vĩ mô là chính sách quốc gia đến người dùng đều đòi hỏi các mặt hàng sản phẩm thân thiện, an toàn hơn với môi trường. Lúc này, khả năng đón đầu, thích nghi trở thành đòi hỏi quan trọng trong chiến lược kinh doanh của mỗi DN.

* Theo ông, các DN sản xuất cần chuẩn bị gì để thích ứng với những yêu cầu mới?

– Hoạch định một chiến lược mới, toàn diện từ sản xuất đến kinh doanh là điều cần thiết nhất hiện nay. DN cần gia tăng giá trị và lợi thế cạnh tranh để có thể vượt qua được sàng lọc khắt khe từ phía thị trường. Trong đó, hợp tác với các thương hiệu toàn cầu, tận dụng các tài nguyên của họ là con đường ngắn để có thể gia tăng vị thế. Đối tác của chúng tôi hoàn toàn có thể sử dụng các cam kết, chứng chỉ bền vững của chúng tôi để làm tiền đề thuyết phục các đơn vị đặt hàng.

AkzoNobel có lợi thế về mặt thị trường, cụ thể ở đây là mối quan hệ với các khách hàng từ Mỹ. Chúng tôi thường xuyên cập nhật xu hướng, thông tin thị trường, các yêu cầu, đòi hỏi trực tiếp từ phía các đơn vị phân phối nội thất, thi công công trình… nên có thể đưa ra các dự đoán và chia sẻ với các nhà sản xuất, giúp đối tác có thể ở tư thế sẵn sàng trước những thay đổi của thị trường.

* Xa hơn cuộc khủng hoảng lần này, trong tương lai, theo ông, các DN chế biến gỗ Việt Nam có khả năng giữ vững vị thế top đầu các quốc gia xuất khẩu nội thất?

– Tiềm năng và nguồn lực của ngành nội thất Việt Nam rất lớn, có điều kiện phát triển lâu dài. Tuy nhiên, các DN nội thất vẫn tạo cho mình lợi thế cạnh tranh xoay quanh việc định giá, thiếu các giá trị sáng tạo, đặc biệt là những thiết kế riêng biệt của thị trường. Trong khi, văn hóa bản địa Việt Nam hoàn toàn có khả năng chinh phục người dùng thế giới.

AkzoNobel sẵn sàng hợp tác với các DN nội thất, tư vấn giải pháp cho từng nhu cầu cụ thể, dù cho đó là thị trường nội địa hay quốc tế. Tôi nghĩ, nếu có chiến lược gia tăng giá trị sáng tạo, Việt Nam là hoàn toàn có thể trở một thành trung tâm, một mắt xích quan trọng.

Khương Lê thực hiện

 

Nhu cầu đối với mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ luôn ở mức cao, với trị giá nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới. Theo Statista, thị trường trang trí nội thất Mỹ cả trực tiếp và trực tuyến xấp xỉ đạt 194,9 tỷ USD vào năm 2023. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam tới Mỹ ước đạt trên 7 tỷ USD, giảm so với doanh số 10 tỷ USD trong năm 2022.

Danh mục:

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác