Anh khởi động chiến lược mới phát triển ngành công nghiệp
Cơ chế ưu đãi cho 3 đặc khu kinh tế có gì đặc biệt?
Nhiều quốc gia đã nhận thức rõ hơn về phát triển công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hóa và coi văn hóa, tri thức như là một tài sản, là sự bổ sung giá trị trong cả nền kinh tế.
Trong xã hội hiện đại, công nghiệp sáng tạo được xem là một lĩnh vực tăng trưởng chính của kinh tế toàn cầu. Và hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã nhận thức rõ hơn về phát triển công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hóa và coi văn hóa, tri thức như là một tài sản, là sự bổ sung giá trị trong cả nền kinh tế là điều cần thiết.
* Công nghiệp sáng tạo – xu hướng tất yếu
Thuật ngữ “công nghiệp sáng tạo” (creative industry) đã xuất hiện ở Anh vào giữa những năm 90 của thế kỷ XX. Theo định nghĩa của UNESCO, công nghiệp sáng tạo bao gồm những sản phẩm mang tính sáng tạo thuộc lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật. Đó là hoạt động bắt nguồn từ sự sáng tạo, kỹ năng và năng khiếu của cá nhân, có tiềm năng tạo ra của cải, việc làm qua quá trình khai thác quyền sở hữu trí tuệ.
Công nghiệp sáng tạo bao gồm các chu trình, sản phẩm và dịch vụ rộng lớn mà ở đó sự sáng tạo là trung tâm. Hiện nay, 11 ngành đã được coi là thuộc về công nghiệp sáng tạo gồm: quảng cáo, kiến trúc, giải trí kỹ thuật số, mỹ thuật đồ cổ và thủ công mỹ nghệ, thiết kế mỹ thuật, phim ảnh và video, in ấn xuất bản, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, phát thanh truyền hình và phần mềm vi tính. Là một trong những ngành tăng trưởng nhanh và lớn nhất, vài năm gần đây, mặc dù sự tăng trưởng này không nhanh ở một số khu vực do khủng hoảng kinh tế toàn cầu và hệ quả của nó, song, nhìn tổng thể ngành này vẫn phát triển, đặc biệt là ở các thị trường tiêu thụ chính.
Ở châu Âu, ngành công nghiệp sáng tạo có sự đóng góp lớn cho nền kinh tế, tạo ra khoảng 3% GDP (theo giá thị trường khoảng 500 tỷ Euro) và tạo công việc cho khoảng 6 triệu người. Ở Anh, xuất khẩu dịch vụ bởi các ngành công nghiệp sáng tạo chiếm hơn 10% tổng số kim ngạch xuất khẩu dịch vụ. Ở Hong Kong (Trung Quốc), 85% thu nhập quốc dân có được từ nguồn thu dịch vụ giải trí, truyền hình, quảng cáo…
* Anh – nơi khởi nguồn của công nghiệp sáng tạo
Từ cuối những năm 60 của thế kỷ XX, máy thu hình màu xuất hiện đã được các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh giải trí khai thác triệt để. Sự phát triển của nước Anh trong lĩnh vực này trở nên nổi bật kể từ những năm 90 khi các nước tiên tiến đã chuyển sản xuất sang các nước đang phát triển nhằm giảm chi phí lao động và Anh cũng đã tìm kiếm một động cơ tăng trưởng kinh tế mới. Và việc chuyển hướng sang phát triển các ngành công nghiệp sáng tạo dựa trên nguồn tri thức và tiềm năng sáng tạo để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới, có giá trị gia tăng cao là bước đi đúng đắn của nước này.
Có thể khẳng định, nước Anh chính là một trong những quốc gia đi đầu trong phát triển các ngành công nghiệp sáng tạo trên thế giới. Phát triển các ngành công nghiệp sáng tạo là hướng đi tất yếu của Anh khi những ngành công nghiệp nổi tiếng ở đây như đóng tàu, sản xuất máy móc cơ khí, … khó có thể cạnh tranh với những nước có nền kinh tế mới phát triển với nguồn nguyên liệu phong phú, nguồn nhân lực dồi dào, giá rẻ. Ở Anh, ngành công nghiệp văn hóa được xem là một lĩnh vực thuộc kinh tế sáng tạo. Kinh tế sáng tạo là một trong những thành công của nền kinh tế nước này với tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm gấp hai lần so với các ngành kinh tế khác, đóng góp đáng kể vào sự hồi phục, cũng như trở thành động lực phát triển của nền kinh tế Anh trong những năm vừa qua.
Theo số liệu thống kê năm 2016 của Chính phủ Anh, ngành công nghiệp sáng tạo của Anh đã đem lại cho nước này 84,1 tỷ bảng Anh, một con số kỷ lục và chiếm 5,2% GVA (tổng giá trị gia tăng) của toàn nền kinh tế Anh. Trong đó, ngành sản xuất phim của Anh, âm nhạc, trò chơi video, đồ thủ công và xuất bản là những ngành công nghiệp sáng tạo có quy mô lớn nhất và có ảnh hưởng về văn hóa mạnh mẽ nhất của Anh. Đây là những ngành giữ vai trò dẫn đầu trong việc thúc đẩy phục hồi kinh tế Anh.
Bên cạnh đó, số lượng việc làm trong ngành công nghiệp sáng tạo tại nước Anh trong vòng 5 năm trở lại đây đã tăng gần 20%, thu hút 1,9 triệu nhân công. Ngành này đã tạo ra nhiều việc làm, tăng doanh thu từ xuất khẩu sản phẩm công nghiệp sáng tạo, phát triển kinh tế địa phương thông qua các ngành, nghề điển hình của mỗi nơi, tạo ra các trung tâm văn hóa nghệ thuật thu hút khách du lịch. Đây được xem là ngành thu hút lao động nhanh nhất, đồng thời là một trong những ngành thành công nhất tại Anh.
* Kinh nghiệm từ Nhật Bản
Nhật Bản là một trong những quốc gia chú trọng phát triển kinh tế theo hướng kích thích sự phát triển các ngành công nghiệp sáng tạo. Các sản phẩm sáng tạo không những đem lại lợi ích cho việc quảng bá văn hóa mà còn thúc đẩy kinh tế Nhật Bản tăng trưởng mạnh.
Còn nhớ trong buổi lễ bế mạc của Olympic Rio 2016, khán giả đã không lấy làm lạ với sự xuất hiện của đại diện đất nước Mặt trời mọc với tư cách chủ nhà của Olympic 2020. Tuy nhiên, điều đặc biệt diễn ra khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bất ngờ khoác lên mình bộ trang phục của nhân vật trò chơi điện tử huyền thoại Super Mario, vốn được coi là biểu tượng xuất khẩu văn hóa lớn nhất của Nhật Bản. Điều này khiến khán giả nhiều nơi trên thế giới cảm thấy thích thú và ngay lập tức những hình ảnh trên được chia sẻ rất nhiều trên các trang mạng xã hội, thu hút sự quan tâm đầy hào hứng của dư luận.
Ngoài sự hứng thú tạo ra cho khán giả trên khắp thế giới khi họ nhận ra hình ảnh quen thuộc của chú thợ sửa ống nước Super Mario, việc xuất hiện của Thủ tướng Shinzo Abe còn đem lại điểm cộng cho hãng sản xuất trò chơi điện tử Nintendo, tác giả của nhượng quyền thương mại của tựa trò chơi Mario, Zelda hay đồng sở hữu của Pokémon GO.
Không phải ngẫu nhiên khi nước Nhật Bản nổi tiếng với các sản phẩm văn hóa liên quan đến hoạt hình, trò chơi hay truyện tranh, mà tất cả đều nằm trong một chiến lược xuất khẩu văn hóa của đất nước này trong những năm gần đây – chính sách “Cool Japan”. Chính sách này nhằm chiếm thiện cảm của thế giới đối với Nhật Bản thậm chí nó còn có thể giải quyết các vấn đề kinh tế suy thoái dựa trên một số sản phẩm ví dụ như món sushi hay hình ảnh hoạt hình.
Chính sách “Cool Japan” xuất phát từ sự yếu thế dần của ngành công nghiệp điện tử và xe hơi của Nhật Bản trước sự cạnh tranh lớn đến từ các đối thủ châu Á. Chính sách này khởi xướng từ năm 2013, được Thượng viện Nhật Bản thông qua với ngân sách 500 triệu USD cho kế hoạch 20 năm. Chiến lược tập trung vào các ngành “công nghiệp sáng tạo” của Nhật Bản còn bao gồm nhiều lĩnh vực như: ẩm thực, hàng thủ công, thời trang, hoạt hình hay âm nhạc… Các nội dung này được cho là sẽ giúp tăng trưởng việc bán hàng hóa của Nhật Bản.
Bộ Kinh tế thương mại và Công nghiệp Nhật Bản hy vọng chính sách này sẽ tạo thuận lợi khi gia nhập thị trường toàn cầu cho các công ty vừa và nhỏ của Nhật Bản. Hơn nữa, gia tăng sự hiện diện của các sản phẩm văn hóa Nhật Bản sẽ thu hút nhiều du khách quốc tế đến với nước này hơn.
* Hàn Quốc – quốc gia dẫn đầu về sáng tạo
Hàn Quốc là quốc gia đặt phát triển văn hóa thành một trong những chính sách trọng điểm của Nhà nước. Thậm chí, đất nước này còn chủ trương nâng ngành công nghiệp văn hóa lên vị trí dẫn dắt các ngành công nghiệp khác. Năm 2016, Hàn Quốc cùng với Đức, Thụy Sĩ, Nhật Bản và Thụy Điển đã lọt vào top 5 quốc gia dẫn đầu về các ý tưởng (theo xếp hạng chỉ số sáng tạo Bloomberg).
Để có được vị trí này, Hàn Quốc đã thực hiện một cuộc cách mạng công nghệ và quản trị để chấn hưng đất nước. Trọng tâm của cuộc cách mạng này là đổi mới sáng tạo ở mọi cấp bậc. Điển hình là sự thành lập viện Nghiên cứu khoa học và Công nghệ (KIST) năm 1966. Các nghiên cứu của KIST được triển khai theo hướng hợp đồng, để kết quả nghiên cứu có thể ngay lập tức được ứng dụng vào sản xuất kinh doanh. Các nhà nghiên cứu của KIST đã chủ động đi tìm khách hàng thay vì ngồi chờ doanh nghiệp tìm đến. Ngày nay, hệ thống xây dựng và đánh giá chính sách khoa học công nghệ của Hàn Quốc đã phát triển rất nhiều so với thời KIST mới được thành lập. Có thể kể đến như Viện đánh giá và quy hoạch Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KISTEP) đang đóng vai trò lớn trong việc xây dựng các chính sách khoa học công nghệ của Hàn Quốc, đặc biệt trong việc hoạch định, dự báo, đánh giá và điều phối các chính sách.
Theo các chuyên gia, có 3 bài học lớn ở Hàn Quốc. Thứ nhất là chọn người có đức có tài, tin tưởng họ và giao cho họ toàn quyền tự chủ trong các hoạt động khoa học công nghệ, hướng đến mục tiêu lớn là chấn hưng đất nước. Thứ hai là bắt tay với cộng đồng doanh nghiệp ngay từ khi khởi động các nghiên cứu. Tốt nhất là nghiên cứu theo các đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Bài học thứ ba là các nhà nghiên cứu cần chủ động đi tìm các doanh nghiệp để giải các bài toán thực tế mà doanh nghiệp đang gặp phải.
* Singapore – kinh nghiệm từ quốc đảo nghèo trở thành con rồng châu Á
Singapore là một nước không có tài nguyên, nên nước này đã xác định chỉ có thể phát triển nhờ nguồn lực con người. Vì thế, chính phủ nước này đầu tư rất mạnh cho giáo dục và phát triển khoa học, công nghệ. Trong chiến lược khoa học-công nghệ năm 2015 đã nêu rõ: “Cùng với tri thức, đối mới sáng tạo là hai động lực đảm bảo cho Singapore phát triển bền vững”.
Singapore có hệ thống viện nghiên cứu trực thuộc cơ quan phát triển Khoa học, Công nghệ và Nghiên cứu của Singapore. Cơ quan này được thành lập năm 1991 để thúc đẩy sự phát triển của khoa học và công nghệ, đồng thời thu hút tài năng nước ngoài đến làm việc tại Singapore, với ưu đãi về thu nhập, nhằm phát triển nền kinh tế tri thức của Singapore.
Ở Singapore, doanh nghiệp được tham gia vào các nghiên cứu từ khâu đầu tiên và theo sát trong quá trình nghiên cứu, nhất là phần đánh giá, nghiệm thu kết quả. Có như thế, họ mới đủ tin tưởng để triển khai các kết quả này ra thực tiễn kinh doanh. Nổi bật nhất là phát triển các nghiên cứu về xử lý nước. Ngày nay, công nghệ xử lý nước của Singapore được coi là dẫn đầu thế giới.
Cũng vì thế, năng lực đổi mới sáng tạo của Singapore đạt mức rất cao trong bảng xếp hạng toàn cầu, luôn duy trì ở trong top 10 quốc gia dẫn đầu…/.
An Ngọc (tổng hợp)/TTXVN