Chú trọng công tác xây dựng quản trị và thương hiệu, chủ động thúc đẩy giao thương, nâng cao tính quốc tế hóa bằng việc nghiên cứu xu hướng, đưa ra các thiết kế mới… là cách mà doanh nghiệp (DN) nội thất Việt Nam lấy lại đà tăng trưởng, từng bước tiến sâu hơn vào thị trường thế giới.
Quý I/2024 là khoảng thời gian thuận lợi của ngành nội thất. Tính chung 3 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước tính đạt 3,4 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước tính đạt 2,3 tỷ USD, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong bối cảnh thị trường tiêu dùng quốc tế còn khá trầm lắng như hiện nay, sự phục hồi của ngành chế biến gỗ Việt Nam trong những tháng đầu năm rất đáng ghi nhận.
Nhu cầu tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Canada, Anh và các thị trường trong khối EU… đang có sự phục hồi đã đem lại sự lạc quan cho ngành gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Ghi nhận thực tế sản xuất cho thấy, nhiều DN đã đủ đơn hàng đến hết quý II, số khác kéo dài đến hết quý III. Nghĩa là, sức cạnh tranh của ngành chế biến gỗ Việt Nam tương đối cao so với các đối thủ cạnh tranh.
Sản phẩm của ngành nội thất hiện nay, dưới sự cổ xúy từ HAWA cũng như các hiệp hội khác đã có được sự phát triển có thể nói là vượt bậc. DN chủ động chào hàng bằng chính thiết kế riêng thay vì chỉ tập trung vào việc nhận đơn hàng gia công như thời gian trước. Việc cải thiện thiết kế và mẫu mã sản phẩm chắc chắn sẽ giúp thu hút khách hàng quốc tế nhiều hơn. Đây là tín hiệu cực kỳ quan trọng, cho thấy khả năng tham gia vào các phân khúc tiếp theo trên toàn chuỗi cung ứng nội thất toàn cầu.
Chú trọng tính quốc tế hóa, DN chế biến gỗ Việt Nam đang tập trung vào công tác xây dựng quản trị và thương hiệu, chủ động xúc đẩy giao thương. Cách thức tiếp cận khách hàng quốc tế từ phía DN cũng bài bản, chỉn chu hơn, đáp ứng tốt quy định của các thị trường nhập khẩu. Sản phẩm nội thất, thủ công mỹ nghệ Việt Nam thỏa mãn nhu cầu người dùng, gây bất ngờ ở thị trường quốc tế, được đánh giá là rất đặc trưng, riêng biệt, đầy màu sắc và độc đáo. Tính linh hoạt, tỉ mỉ và giàu sáng tạo của hàng hóa Việt Nam cũng được ghi nhận.
Tại những không gian giao thương quốc tế như Hội chợ Thủ công mỹ nghệ quốc tế Artigiano (Ý), gian hàng Việt Nam thu hút rất nhiều khách tham quan. Tương tự, tại Hội chợ Ambiente 2024 (Đức), các DN châu Âu thực sự bất ngờ trước cách DN Việt Nam sử dụng sáng tạo nguyên liệu bản địa. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ bằng bẹ cau của Việt Nam đã tạo ấn tượng lớn. Hay mới đây, tại Tuần lễ thiết kế Milan (Milan Design Week 2024), đoàn DN Việt Nam đã mang đến cho cộng đồng thiết kế thế giới một cái nhìn mới mẻ về ngành công nghiệp nội thất và thủ công mỹ nghệ thông qua một gian hàng được đầu tư thiết kế rất chuyên nghiệp, sáng tạo.
Một thế mạnh cần được ghi nhận khác là ý thức tìm hiểu để đáp ứng các quy chuẩn phát triển bền vững của DN chế biến gỗ Việt Nam khá cao. So với các ngành hàng khác, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ nội – ngoại thất Việt Nam sớm theo đuổi các chứng chỉ bền vững quốc tế. Nguyên nhân là do thị trường xuất khẩu chủ lực, bao gồm: Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều là những thị trường khó tính, đòi hỏi cao về truy xuất nguồn gốc, trách nhiệm xã hội. Để có thể đưa sản phẩm vào các thị trường này, các DN xuất khẩu cơ bản đã đáp ứng toàn bộ các yêu cầu. Nay, với những đòi hỏi mới, như việc định danh địa lý vùng nguyên liệu hay nỗ lực giảm phác thải… DN sẽ tiếp tục nỗ lực để đáp ứng.
Vừa chạy theo các yêu cầu mới, vừa phải tự làm mới mình bằng việc gia tăng hàm lượng sáng tạo, thách thức mà các DN chế biến gỗ, thủ công mỹ nghệ Việt Nam phải đối mặt không hề nhỏ nhưng họ đang làm và làm rất tốt. Để trợ lực thêm cho các DN trong ngành, Cục Xúc tiến thương mại cùng các cơ quan ban ngành vẫn đang tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối giao thương, từng bước tìm hiểu và đưa DN đến những thị trường mới, tiềm năng. Hội chợ Hàng Việt Nam tiêu biểu xuất khẩu 2024, tổ chức tại SECC từ ngày 8 – 11/5 là một ví dụ. Ban tổ chức đã mời đến sự kiện những đoàn giao thương quốc tế, trong đó có nhóm DN đến từ Ấn Độ, Úc, Nga, Belarus… là những đối tác rất mới của ngành xuất khẩu.
Thực tế, việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sẽ giúp DN giảm thiểu rủi ro và tăng cường tính bền vững của ngành. Với tất cả nỗ lực ấy, mục tiêu lấy lại đà tăng trưởng mà các DN đang hướng tới hoàn toàn có thể đạt được trong thời gian tới.
Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại
H.A ghi