Sừng trâu làm nên thương hiệu Tư Duy

Từ hai bàn tay trắng, chấp nhận bỏ nghề gỗ để chuyển sang làm thủ công mỹ nghệ (TCMN) từ sừng và xương trâu. Bằng sự nhạy bén và sáng tạo, anh Kim Văn Tư đã gây dựng sự nghiệp từ quy mô hộ gia đình đến Công ty TNHH TCMN Tư Duy (Công ty Tư Duy) hiện nay với các sản phẩm đã có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Đi lên từ thợ

Năm 1990, anh Kim Văn Tư từ Hà Tây vào Sài Gòn lập nghiệp với tài sản quý giá nhất là nghề làm mộc. Với tay nghề cao, anh không khó để xin được việc làm và ước mơ đến ngày tự làm chủ một xưởng mộc. Anh kể: “Tôi từng giúp người khác mở xưởng, đứng vai thợ chính và dạy nghề cho họ nhưng vẫn chưa thể tự mình làm chủ. Lúc đó, để mở xưởng cần nhiều vốn đầu tư cho nguyên liệu, máy móc… Tôi tình cờ thấy những gia đình ở đây làm hàng thủ công từ sừng rất đẹp nên mon men theo học. Nhờ kỹ năng làm mộc có sẵn nên tôi học rất nhanh và làm thành thạo”.

Hai năm sau, anh Tư quyết định ra riêng. “Vốn liếng ban đầu ít ỏi gom góp từ những ngày làm thuê, mỗi sáng tôi gò lưng trên xe đạp đến các lò giết mổ gia súc, mua từng 10 – 20kg sừng các loại về làm. Tôi mê đến mức ngày nào cũng hì hục mài, cắt đến tận khuya. Cảm giác mỗi khi làm xong một tác phẩm rất sung sướng”, anh kể lại.

Những năm 1992 – 1995, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng. Đấy là cơ hội cho anh: “Ban đầu tôi đi bán dạo ở lề đường khu quận 1, TP.HCM. Hàng bán không hết tôi tìm đến chào mời, ký gửi ở những tiệm bán hàng lưu niệm ở các trung tâm thương mại. Thấy sản phẩm đẹp, họ đồng ý. Nghề sừng lúc đó tương đối mới lạ, khách du lịch rất thích thú với loại này, nhất là khách Đài Loan (Trung Quốc) rất ưa chuộng các mẫu rồng, phượng làm từ sừng. Hàng bán được nhiều hơn, các cửa hàng bắt đầu tìm đến tôi để đặt hàng”. Anh bắt đầu tuyển thêm thợ, dạy họ cách làm hàng và mở rộng quy mô sản xuất.

Sau một thời gian, nhận thấy khách dần ít chuộng các loại sản phẩm sừng cồng kềnh, đòi hỏi nhà sản xuất phải thay đổi xu hướng. Anh thu mua các loại gỗ quý về làm đũa, cẩn thêm các chi tiết, họa tiết từ sừng. Hàng làm ra tiêu thụ rất nhanh. “Đũa là dụng cụ được rất nhiều nước sử dụng, nhu cầu rất nhiều, chỉ cần làm tốt sẽ có khách hàng. Tôi vẫn nói đùa với anh em thợ khi nào người ta chuyển sang… ăn bốc thì mới thất nghiệp”. Quan sát thấy thị trường bắt đầu chuộng các loại trang sức từ inox, đồng thau… anh lại thử nghiệm các loại mẫu này trên chất liệu sừng, xương: trâm cài, cột tóc, lược, trang sức… Đây cũng là các mặt hàng chính của Công ty Tư Duy mà vợ chồng anh gầy dựng 22 năm qua.

“Thế mạnh của tôi là đi lên từ một người thợ thành chủ doanh nghiệp (DN). Nhờ đó tôi hiểu về công việc, chất liệu và kỹ thuật để có thể quản lý thợ. Có những đối tác đưa đến mẫu mã rất khó, đòi hỏi kỹ thuật chế tác cao mà thợ chưa cập nhật được, mình phải sắn tay vào làm và chỉ dẫn lại. Nhờ cách này chúng tôi tiết kiệm được chi phí thuê bên ngoài, vừa bổ túc kỹ năng tay nghề cho thợ nên họ gắn bó với mình  hơn”, anh Tư cho biết.

Một số sản phẩm của công ty Tư Duy

Không sợ hết việc, chỉ sợ làm không tốt

Theo anh Tư, ngành TCMN có mối liên hệ với ngành du lịch. Những năm trước, lượng khách quốc tế đến Việt Nam nhiều, nhu cầu hàng thủ công mỹ nghệ làm quà tặng tăng lên, DN trong ngành làm ăn khá tốt ở thị trường nội địa. Khi lượng khách quốc tế có xu hướng giảm, DN trong ngành phải chủ động tìm kiếm các thị trường.

Để tìm kiếm thị trường mới, anh Tư lại lặn lội thông qua các hội chợ chuyên ngành trong và ngoài nước để tìm cơ hội. Nhờ đó, sản phẩm của Tư Duy đã có mặt ở nhiều nước: Mỹ, Nhật, Pháp, Hy Lạp… “Mỗi năm tôi đi rất nhiều hội chợ trong và ngoài nước. Với nhiều người, hội chợ chỉ nên tham gia nếu có lợi nhuận. Tôi quan niệm không chỉ lợi ích trước mắt mà thông qua đây có thể định hướng được sản xuất, học hỏi cái hay của người khác, nắm bắt được xu hướng thẩm mỹ của thị trường, tìm kiếm đối tác… phục vụ mục tiêu lâu dài của công ty. Những yếu tố đó chỉ tìm thấy ở những cuộc giao thương thực tế chứ không phải trong các báo cáo, tổng kết về ngành”, anh Tư bày tỏ quan điểm.

Từ một thợ duy nhất là… chính mình, đến nay Công ty Tư Duy đã phát triển lên đến hơn 30 công nhân. Ngoài nhà xưởng tại Hóc Môn, doanh nghiệp đang chuẩn bị khai trương thêm nhà máy mới tại xã Phước Vĩnh An (huyện Củ Chi, TP.HCM) với mặt bằng 1.400m2 để đáp ứng nhu cầu sản xuất ngày càng tăng. Ngoài nguyên liệu trong nước còn nhập khẩu từ châu Phi.

Điều anh nhận ra là làm hàng thủ công ngoài tuân thủ chất lượng, trên cùng chất liệu phải luôn mới mẻ về mẫu mã, đổi mới liên tục kiểu dáng thì mới thu hút được khách hàng. Sừng là chất liệu có thể kết hợp cùng nhiều loại vật liệu khác cho ra thành phẩm bắt mắt. Các sản phẩm sừng kết hợp với sơn mài được anh thử nghiệm và đưa vào sản xuất được thị trường ưa chuộng.Theo anh Tư, thị trường châu Âu rất tiềm năng với mặt hàng thủ công từ sừng. Người tiêu dùng tại đây ưa thích chất liệu mới lạ, an toàn cho sức khỏe, không gây hại môi trường mà chất liệu này hoàn toàn đáp ứng được.

Trong lúc ngành TCMN Việt Nam bắt đầu có những khó khăn, nhiều DN gặp phải cạnh tranh quyết liệt từ các nước trong khu vực để giữ được thị trường thì Tư Duy vẫn duy trì được khả năng sản xuất. Đều đặn mỗi tháng vẫn xuất hàng cho đối tác nước ngoài và thị trường nội địa.

Nói về công việc của mình, anh Tư cho rằng: “Câu chuyện của tôi từ khi khởi nghiệp bằng hai bàn tay trắng đến bây giờ không hẳn chỉ toàn thành công với màu hồng. Có những thời điểm gặp rất nhiều khó khăn. Hai vợ chồng đi lên từ thợ, ít nhiều gặp phải hạn chế nhiều mặt. Tôi từng mất rất nhiều khách hàng chỉ vì… không giỏi tiếng Anh để giao dịch. Hay như thời điểm những vụ khủng bố xảy ra trên thế giới, thời điểm bùng phát bệnh SARS khiến ngành du lịch khủng hoảng, tôi phải lặn lội khắp nơi để tìm đầu ra cho hàng hóa. Làm TCMN quan trọng phải đưa vào đó lòng yêu nghề, sự sáng tạo và cái tâm thì mới thổi hồn vào sản phẩm và giữ được hồn của DN. Tôi vẫn nói với công nhân của mình: “Không sợ thất nghiệp, không sợ hết việc, chỉ sợ không làm được và làm không tốt khiến khách hàng bỏ mình”.

Danh mục:

No tag

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác