,

Tạm biệt ghế trứng

Theo những người sáng lập studio thiết kế Pearson Lloyd, những chiếc ghế lõm như Egg (trứng) của Arne Jacobsen và Womb (dạ con) của Eero Saarinen không còn đáp ứng được định nghĩa hiện nay về một thiết kế tốt.

 

Trong tôn chỉ thiết kế được dẫn dắt bởi các tiêu chuẩn bền vững, Luke Pearson và Tom Lloyd cho rằng, đồ nội thất bọc nệm phủ keo không còn phù hợp nữa vì chúng quá khó tái chế. Họ cho rằng những thiết kế từ giữa thế kỷ trước như Egg và Womb, vốn cần rất nhiều keo để đạt được hình dạng lõm, không nên được sản xuất nữa. Lloyd cho biết: “Mọi người vẫn coi chiếc ghế Egg như một biểu tượng của thiết kế. Nhưng thực tế, nó được làm bằng vải dán trên tấm bọt xốp và tạo khuôn đúc trên kim loại, khiến nó gần như không thể sửa chữa hay tái chế, không còn phù hợp với mục đích sử dụng nữa”.

Ưu tiên hành tinh

Trong một tuyên bố chung được gửi riêng cho Dezeen, các nhà sáng lập Pearson Lloyd nói rằng đồ nội thất ngày nay phải đi theo hướng kinh tế tuần hoàn. Định nghĩa về “thiết kế tốt” hiện nay phải xem xét về tác động đến môi trường: “Chúng ta không còn có thể đánh giá chất lượng của một thiết kế chỉ dựa trên tính thẩm mỹ. Giá trị của thiết kế đang nhanh chóng chuyển đổi sang hướng tiếp cận ưu tiên hành tinh và nó khiến chúng ta đặt câu hỏi về cách hành xử của bản thân và về những gì chúng ta tạo ra. Nếu một thiết kế không giảm thiểu được lượng carbon và tối đa hóa tính tuần hoàn thì liệu nó có tốt không?”

Kiến trúc sư người Phần Lan Eero Saarinen đã tạo ra chiếc ghế Womb vào năm 1946. Hai năm sau, nó được thương hiệu nội thất Knoll đưa vào sản xuất. Kiến trúc sư người Đan Mạch Arne Jacobsen đã thiết kế nên chiếc ghế Egg cũng như chiếc ghế Swan (thiên nga) nhỏ hơn vào năm 1958 cho nội thất của khách sạn SAS Royal ở Copenhagen. Ngay lập tức, chúng được thương hiệu nội thất Fritz Hansen của Đan Mạch đưa ra thị trường và được sản xuất liên tục kể từ đó.

“Gần như không thể” tái chế

Cả ba thiết kế đều được sản xuất bằng cách dán da hoặc vải lên bọt xốp polyurethane, sau đó tạo khuôn đúc trên khung kết cấu bằng kim loại hoặc sợi thủy tinh. Điều này giúp chúng dễ sản xuất và có trọng lượng nhẹ, nhưng cũng khiến chúng khó tái chế hơn, dẫn đến làm tăng dấu chân sinh thái. Đây là công nghệ mang tính cách mạng hồi giữa thế kỷ XX, nhưng Pearson và Lloyd tin rằng nó đã chết kể từ đó do “đống vật liệu này tác động tồi tệ đến môi trường”. Họ nói: “Ngày nay, chúng ta nên thắc mắc rằng liệu các công nghệ của thế kỷ XX có còn phù hợp hay không, để loại bỏ các sản phẩm có vòng đời carbon ngắn và đơn lẻ”.

Các nhà sáng lập này bác bỏ lập luận phản đối rằng: nhờ thiết kế cổ điển, những sản phẩm này thường tồn tại lâu hơn tuổi thọ dự kiến. “Còn những thế hệ sản phẩm phái sinh có thời gian sử dụng ngắn hơn rất nhiều thì sao?” họ đặt câu hỏi. “Chúng đã bị đốt hoặc vứt ra bãi rác”.

Hạn chế tối đa vải phủ keo

Pearson Lloyd trước đây cũng sử dụng vải phủ keo trong các thiết kế của mình. Nhưng hiện giờ họ đang cố tránh sử dụng chúng càng nhiều càng tốt, các nhà sáng lập cho biết. Thay vào đó, họ xúc tiến việc sử dụng các hình dạng tuyến tính hoặc lồi, cho phép cố định vải bằng dây rút thay vì keo. Những sản phẩm mới ra mắt gần đây như nội thất CoLab cho phòng học do thương hiệu Senator của Anh sản xuất đã minh chứng cho cách tiếp cận này.

Pearson và Lloyd tin rằng các công nghệ mới như vải dệt kim 3D cũng mang lại những lựa chọn thay thế khả thi. Bộ đôi này nói thêm: “Chúng tôi rất hào hứng với những cải tiến mới về vật liệu như vải dệt kim 3D, cho phép khám phá các mô hình thiết kế mới, tính thẩm mỹ mới và cấu trúc có thể tháo rời, để phản ánh thời đại chúng ta đang sống và những ưu tiên mới của chúng ta”.

Diệp Bùi (Nguồn: www.dezeen.com)

 

Tại sao hiện nay không thiết kế ghế Egg nữa

Egg, Swan, Womb được tạo ra nhờ sự phát triển công nghệ về đúc bọt xốp polyurethane, keo và sợi thủy tinh. Những thiết kế này không giảm thiểu được lượng carbon và tối đa hóa tính tuần hoàn. Thiết kế tuần hoàn yêu cầu các sản phẩm phải có khả năng sửa chữa để kéo dài tuổi thọ và tái chế khi hết vòng đời, để có thể thu hồi carbon bằng cách đưa các vật liệu tạo thành nó trở lại chu trình kỹ thuật riêng của chúng.

Tầm nhìn là chúng ta có thể sử dụng các sản phẩm, vật liệu đang lưu hành để phục vụ nhu cầu trong tương lai, để tránh khai thác thêm vật liệu thô. Ngày nay, nhà thiết kế đã có cơ hội tiếp cận những cải tiến mới về vật liệu như vải dệt kim 3D, cho phép khám phá các mô hình thiết kế mới, tính thẩm mỹ mới và cấu trúc có thể tháo rời… Những lựa chọn này cần được ưu tiên bởi nó phản ánh đúng với nhiệm vụ của thiết kế đương đại: sáng tạo đảm bảo bền vững.

Pearson và Lloyd

Danh mục:

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác