,

Tạo nền tảng để ngành gỗ tự cường

Sẽ không quá lời khi cho rằng trong các đơn vị đoàn hội cả nước, HAWA là tổ chức xã hội nghề nghiệp hoạt động có hiệu quả, bám sát tôn chỉ mục đích, quy định của Nhà nước. Với việc liên kết với các hiệp hội và tổ chức ở các quốc gia khác, uy tín, thương hiệu HAWA đã vượt tầm biên giới.

 

Với độ mở thị trường quốc tế sâu rộng, gần 85% giá trị hàng hóa được xuất khẩu, ngành khai thác và chế biến gỗ Việt Nam chịu tác động trực tiếp và mạnh mẽ của những biến đổi kinh tế, chính trị, xã hội trên toàn cầu. Trong hai thập kỷ qua, ngành đã liên tục đổi mới, sáng tạo, phát triển theo cơ chế thị trường, hòa nhập với xu thế thời đại. Nhờ vậy mà tăng trưởng nhanh, ổn định, vươn lên thành ngành có đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu cả nước, chiếm thị phần – vị thế hàng đầu trong khu vực và toàn cầu.

Một nhiệm kỳ nhiều thách thức

Tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay, ngành chịu tác động tiêu cực của nhiều yếu tố, đặc biệt là những diễn biến phi truyền thống mới: Dịch bệnh Covid-19, căng thẳng chính trị, các rào cản phi thuế quan nhằm kiểm soát thích ứng với biến đổi khí hậu, quản trị rừng… Tất cả xuất hiện trong cùng một khoảng thời gian khiến cho sản xuất có lúc bị đình trệ, lao động mất việc; đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu đơn hàng; chi phí nguyên liệu, logistics tăng cao; hàng tồn kho nhiều… Trong bối cảnh ấy, ngành gỗ có giảm phát nhưng về tổng thể vẫn còn tăng trưởng cả về tỷ trọng so sánh và giá trị tuyệt đối. Đây là kết quả của những nỗ lực, sáng tạo không ngừng của cả hệ sinh thái. Thành công đó rất đáng ghi nhận.

Có điều kiện gắn bó với ngành, với các hoạt động của HAWA, tôi ấn tượng với một Ban Chấp Hành nhiệt huyết đã xây dựng được các chương trình hành động thống nhất, nhanh nhạy thích ứng với các tình huống biến động trên chuỗi cung ứng lẫn thị trường. Đây là tổ chức có khả năng kết nối các doanh nghiệp (DN) thành viên, tương trợ cùng phát triển, đặt lợi ích của DN gắn liền với việc đảm bảo đời sống, điều kiện làm việc người lao động…

HAWA đã làm tốt vai trò liên kết, chủ động, tư vấn cho DN thích ứng và khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến vào hoạt động, giảm chi phí thương mại. Nổi bật nhất là việc duy trì, mở rộng chuỗi sự kiện các hội chợ, kết nối khách hàng cả trên phương thức truyền thống lẫn hiện đại với việc hình thành và duy trì kết nối toàn cầu nền tảng trực tuyến HOPE.

Trước những vướng mắc thị trường quốc tế, Hiệp hội đã chủ động tổ chức cho các hội viên giải trình, phản biện, thay đổi nhận thức và hành vi, cùng nhau hành động để tránh được tranh chấp pháp lý quốc tế trong vụ điều tra về thương mại gỗ của Hoa Kỳ, gỗ ván dán của Hàn Quốc, thực hiện VPA/FLEAGT… Tôi đánh giá cao dự án HAWA DDS, số hóa hệ thống giải trình nguồn gốc gỗ hợp pháp.

Các hội thảo chuyên ngành do HAWA tổ chức dựa trên những đòi hỏi thực tế từ thị trường, từ đời sống DN nên khá gần gũi và hiệu quả. Việc duy trì và phát hành ấn phẩm định kỳ Gỗ và Nội thất của Hội dưới hình thức bản in lẫn điện tử trình bày chuyên nghiệp, hấp dẫn, có nội dung thời sự, phong phú về chính sách, cơ hội thị trường, định hướng đầu tư… Đây là kênh tham khảo có giá trị thiết thực với các DN trong ngành.

Bài toán nâng cao giá trị gia tăng

Với tất cả những nỗ lực trên, sẽ không quá lời khi cho rằng trong các đơn vị đoàn hội cả nước, HAWA là tổ chức xã hội nghề nghiệp hoạt động hiệu quả, bám sát tôn chỉ mục đích, quy định của Nhà nước. Với việc liên kết với các hiệp hội, tổ chức ở các quốc gia khác, uy tín và thương hiệu HAWA đã vượt tầm biên giới. Có được tầm vóc này là nhờ những doanh nhân nòng cốt trong Hiệp hội đã làm tốt vai trò dẫn dắt và sáng tạo không ngừng.

Tuy nhiên có một thực tế là dù đóng góp cao vào GDP nhưng ngành gỗ và nội thất Việt Nam vẫn chưa khai thác được hết các giá trị mà chỉ mới tập trung vào gia công theo đơn hàng. Làm thế nào để ngành có giá trị gia tăng tốt hơn, đưa gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam tiếp tục chinh phục người dùng quốc tế và xa hơn nữa là phát triển bền vững hơn cần được xem là mục tiêu lớn trong thời gian tới.

Đây là thời gian HAWA cần nhìn lại thực tiễn hoạt động nhiệm kỳ VIII và cả quá trình hơn 20 năm qua, từ đó thiết lập những chương trình phát huy thành quả đã đạt được để tiếp tục duy trì, nâng cao hiệu quả. Sắp tới HAWA cần chú trọng mục tiêu ứng dụng công nghệ mới, phát triển sản phẩm mới, tăng hàm lượng thiết kế sáng tạo, xây dựng thương hiệu quốc gia, thương hiệu DN và đẩy mạnh thương mại hóa các sản phẩm nội ngoại thất tại các thị trường trọng điểm. Đồng thời, quán triệt tinh thần tuân thủ các quy định về xuất xứ, nguồn gốc; đảm bảo quy trình sản xuất tốt, an toàn, hợp pháp; chú trọng bảo vệ môi trường… Đặc biệt, HAWA cần tổ chức mở rộng chuỗi liên kết hàng hóa, trong đó chú trọng liên kết tạo vùng nguyên liệu gỗ lớn và quản lý rừng bền vững, tạo nền tảng để ngành gỗ và chế biến gỗ Việt Nam có thể tự cường trên chuỗi cung ứng.

Đây là mục tiêu lớn, dài hơi nhưng đánh giá cao nỗ lực của HAWA thời gian qua, tôi tin những mục tiêu ấy có thể chinh phục được trong thời gian tới. Thị trường nhiều cơ hội nhưng tất yếu cũng còn nhiều thử thách. Rất mong các DN trong ngành vững tin, “Phùng thiên thời, chiếm địa lợi, đắc nhân tâm, thành đại nghiệp”.

Tiến sĩ Hà Công Tuấn – Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ NN và PTNT

Danh mục:

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác