,

Thách thức mang tên nguồn nhân lực

Cải thiện năng suất lao động đóng vai trò trọng tâm trong thúc đẩy phát triển bền vững cho ngành gỗ tại Việt Nam.

Ngành gỗ và chế biến gỗ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam với 5.500 doanh nghiệp (DN) ở khu vực chính thức và gần 7.400 DN ở khu vực phi chính thức, chiếm 5% GDP với gần một triệu việc làm. Theo số liệu năm 2021 của Tổng cục Thống kê, toàn ngành có 928.000 lao động, chiếm 1,9% việc làm toàn quốc. Con số này không bao gồm hoạt động trồng trọt và khai thác, nơi có thêm khoảng 1,1 triệu hộ gia đình đang tham gia vào chuỗi sản xuất, trong đó lao động nam chiếm khoảng 61%.

Nguồn nhân lực thiếu cả trình độ lẫn kỹ năng

Theo báo cáo về ngành gỗ và nội thất Việt Nam do Tổ chức Lao động Quốc tế- ILO công bố cuối năm 2023, thời gian làm việc trung bình của một công nhân chế biến gỗ là 43 giờ/tuần, tương đương 5,5 ngày làm việc toàn thời gian, cao hơn khoảng 9% mức trung bình của cả nước. Tuy nhiên, thu nhập bình quân của lao động ngành gỗ chỉ đạt khoảng 6,3 triệu đồng/ tháng trong khi mức trung bình của cả nước là khoảng 6,5 triệu đồng. Tiền lương thấp có nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến năng suất lao động thấp.

Trong bối cảnh hiện tại, nhiều thách thức đang ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của ngành gỗ, trong đó phải kể đến sự thiếu hụt lao động chuyên môn kỹ thuật, có tay nghề cao, được đào tạo ở trường lớp. Việc này tác động trực tiếp đến khả năng cạnh tranh của ngành. Đáng nói, đây là vấn đề mang tính hệ thống tại Việt Nam khi mà hơn 41,6 triệu người (76% lực lượng lao động) chưa bao giờ được đào tạo để đạt trình độ kỹ thuật đúng tiêu chuẩn chuyên môn.

Đa phần các DN ở Việt Nam là DN gia công nên hầu hết lao động không qua đào tạo bài bản. Kiến thức và kỹ năng được chuyển giao trong công việc, một kèm một là phương pháp chính để đào tạo lực lượng lao động. Điều này đã tạo ra một thế hệ công nhân chỉ thực hiện được một công đoạn cụ thể trong dây chuyền sản xuất và không thể thực hiện được những nhiệm vụ phức tạp hơn khi thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt và nhu cầu của khách hàng ngày càng đa dạng.

Về phía đội ngũ quản lý trong ngành gỗ thì đa phần là những cá nhân phát triển theo chiều dọc từ chuyên môn. Mặc dù lộ trình này đảm bảo trình độ hiểu biết kỹ thuật cao nhưng để lại khoảng trống đáng kể trong các phẩm chất quản trị như sự sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề và khả năng lập kế hoạch. Việc thiếu các kỹ năng này hạn chế tính linh hoạt và không thể tối ưu hóa quy trình làm việc trong các tổ chức.

Lực cản khi áp dụng khoa học công nghệ

So với các ngành sản xuất khác thì ngành gỗ có đặc trưng là sản phẩm thường xuyên thay đổi mẫu mã, thiết kế, đòi hỏi phải thay đổi dây chuyền sản xuất liên tục. Điều này đặt ra yêu cầu tối ưu hóa việc bố trí mặt bằng sản xuất, nâng cao năng lực quản lý sản xuất và trình độ tay nghề cho người lao động. Đối với các DN lớn, có tiềm lực mạnh thì việc này tương đối dễ dàng; nhưng với các DN nhỏ và vừa thì đây là khó khăn rất lớn bởi DN vẫn chưa đủ sáng tạo và linh hoạt để thiết kế, điều chỉnh các mặt bằng tối ưu, đủ kỷ luật và tổ chức tốt để giám sát quá trình cải tiến liên tục.

Chế biến gỗ thành đồ nội thất hoặc các thành phẩm cần rất nhiều bước. Toàn bộ quy trình này hiện tại ở Việt Nam được quản lý trong một nhà máy duy nhất, trong khi ở các nước phát triển, các bước này thường được chia thành hai hoặc nhiều công ty: ví dụ chế biến gỗ thành ván, chế biến ván thành các loại chuyên dụng… Tín hiệu tích cực là các hiệp hội đang dần đóng vai trò quan trọng hơn trong việc tạo điều kiện cho các mối liên kết và sự hợp tác giữa các nhà chế biến chính, nhà chế biến thứ cấp và nhà sản xuất để đẩy nhanh quá trình chuyên môn hóa.

Số hóa và công nghiệp 4.0 đã được thảo luận thường xuyên trong các hội nghị, trên các phương tiện truyền thông và các cơ quan chức năng, nhưng để thực sự áp dụng vào một DN đòi hỏi đầu tư lớn về công sức và nguồn lực. Một số công ty hàng đầu nắm bắt xu thế, nhanh nhạy hướng tới số hóa nhưng lại không đạt kết quả như mong muốn; trái lại còn tốn kém, mất nhiều thời gian, công sức. Điều này bắt nguồn từ việc DN chưa sẵn sàng về mặt con người cũng như quy trình công việc để thích ứng với cách làm mới, chưa kể ngành chế biến gỗ có đặc thù riêng và không dễ tìm được giải pháp phù hợp.

Nỗ lực từ Chính phủ và DN

Để giải quyết nguyên nhân gốc rễ cản trở tăng trưởng trong ngành gỗ, việc cải thiện năng suất lao động trở thành một vấn đề trọng tâm. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách cụ thể trong Quyết định số 523/QĐ-TTg năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ chiến lược và tầm nhìn cho ngành đến năm 2050, tập trung vào việc nâng cao nhận thức, ứng dụng công nghệ, hợp tác quốc tế và hiện đại hóa ngành.

Con người là yếu tố quyết định thành công hay thất bại của mọi hoạt động. Ngành gỗ cũng không ngoại lệ. Muốn có nguồn nhân lực trình độ cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, cần phải xây dựng được mối liên kết giữa DN với các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề để chuẩn hóa chương trình đào tạo và phát triển. Phải xây dựng khung năng lực và lộ trình phát triển chung cho người lao động. Bên cạnh đó cần liên kết các hiệp hội ngành nghề để học hỏi và thử nghiệm các khóa học dành cho nhà quản lý cấp trung và cấp cao…

Khoa học công nghệ ngày càng phát triển, đòi hỏi lực lượng lao động phải theo kịp sự phát triển đó. Ngoài sự hỗ trợ ở tầm vĩ mô của Nhà nước thì đây còn là trách nhiệm trực tiếp của DN – người sử dụng lao động. Điều kiện lao động an toàn; tiền lương, phúc lợi tốt, có cơ hội thăng tiến… chính là những yếu tố tiên quyết để có nguồn nhân lực chất lượng cao, tiền đề của năng suất lao động cao.

Phạm Hồng Thủy

Danh mục:

No tag

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác