Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) 2024 của WIPO công bố chiều 26/9 ghi nhận: Việt Nam xếp thứ 44/133 quốc gia, tăng 2 bậc so với năm 2023. Trong đó, Việt Nam có 3 chỉ số dẫn đầu thế giới gồm nhập khẩu công nghệ cao, xuất khẩu công nghệ cao, xuất khẩu hàng hóa sáng tạo. Đây là lần đầu tiên, Việt Nam sở hữu chỉ số xuất khẩu hàng hóa sáng tạo dẫn đầu.
GII là bộ công cụ đánh giá xếp hạng năng lực đổi mới sáng tạo của các quốc gia, được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) phối hợp với nhiều đơn vị thực hiện kể từ năm 2007. Tại Việt Nam, Chính phủ sử dụng bộ chỉ số này như một trong các công cụ quản lý điều hành quan trọng.
Gia tăng giá trị
Theo đánh giá của WIPO, Việt Nam là một trong 8 quốc gia thu nhập trung bình trong top 70 đã có những tiến bộ nhanh nhất về đổi mới sáng tạo trong hơn thập kỷ qua, gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Iran, Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam và Maroc. Việt Nam cũng được đánh giá là quốc gia có kết quả đổi mới sáng tạo cao hơn so với mức độ phát triển. Nghĩa là, việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra đổi mới sáng tạo thực sự hiệu quả.
Xuất khẩu hàng hóa sáng tạo trên thế giới tăng từ 208 tỷ USD năm 2002 lên 524 tỷ USD vào năm 2020, trong đó châu Á là khu vực xuất khẩu lớn nhất. Giá trị xuất khẩu hàng hóa sáng tạo Việt Nam ước tính đạt 14.153 triệu USD. Trong khi các nước phát triển thống trị xuất khẩu xuất sản phẩm, nghệ thuật thị giác và nghe nhìn thì các nước đang phát triển thống trị xuất khẩu thiết kế và thủ công mỹ nghệ.
Với lợi thế là một trong 6 ngành xuất khẩu chủ lực, chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ Việt Nam hiện quy tụ được hơn 3.300 doanh nghiệp (DN) tham gia. Tuy nhiên, hoạt động gia công theo thiết kế sẵn có lại chiếm vai trò chủ yếu. Ông Vũ Hải Bằng – Phó chủ tịch HAWA cho biết, trang bị thêm các giá trị sáng tạo thông qua hoạt động đầu tư cho R&D là một trong những cách để DN gia tăng khả năng cạnh tranh. Bởi, câu chuyện giá tốt có được từ nguồn lao động trẻ, giá nhân công thấp sẽ không còn trong tương lai. “Xuất khẩu nội – ngoại thất, thủ công mỹ nghệ Việt Nam đã lên đến hơn 16 tỷ USD, nên cần phải tiếp cận được thị trường. Trên nền tảng gia công, từ đó ngành cần xây dựng những giá trị khác. Ví dụ, hiệu suất để gia công có giá thành tốt hơn, sáng tạo để có thiết kế riêng, nghiên cứu thị trường để có chiến lược xuất khẩu trúng đích hơn…”, ông Bằng nói. Tất cả những giá trị này đang khá hạn chế ở các DN chế biến gỗ.
Tăng khả năng thích ứng
Theo ông Vũ Hải Bằng, việc đầu tư cho R&D sẽ giúp DN có được sự ổn định, đặc biệt là khả năng thích ứng trong tình huống đặc biệt. Minh chứng cụ thể nhất là trong giai đoạn sụt giảm đơn hàng vừa qua, các DN có đầu tư cho R&D đều có được sự chủ động tốt hơn. Trong chiến lược chuyển đổi xanh, giảm phát thải mà DN trong ngành đang hướng tới, hàm lượng sáng tạo cũng sẽ góp phần giúp DN chinh phục các mục tiêu bền vững thuận lợi hơn rất nhiều.
Đồng quan điểm, ông Lai Trí Mộc, nhà đồng sáng lập Vietnam Housewares Corp cho rằng, nghiên cứu, đổi mới và sáng tạo chính là chìa khóa để có được lợi thế trên toàn chuỗi cung ứng. Đơn giản như việc ứng dụng mô hình nhà kính trong nông nghiệp vào kho chứa cỏ năng tượng, Vietnam Housewares đã có thể tiết kiệm chi phí lẫn thời gian sấy khô cho nguyên liệu. Tương tự, công tác sáng tạo cũng được triển khai vào việc thử nghiệm các vật liệu mới, phát triển sản phẩm… “Song song đó, DN phải nghiên cứu khả năng hấp thụ của thị trường, tìm hiểu thị hiếu, thói quen tiêu dùng đặc trưng từng quốc gia, từng khu vực…”, ông Mộc nói.
Theo ông Mộc, công nghệ hiện đang hỗ trợ khá tốt cho công tác R&D. Bản thân Vietnam Housewares đang ứng dụng giải pháp Quản lý Vòng đời sản phẩm (PLM). Nền tảng này giúp DN lập kế hoạch, thiết kế, phát triển, bán hàng… khá thuận lợi. Công tác đầu tư cho thiết kế, sáng tạo giúp Vietnam Housewares có danh mục đa dạng sản phẩm với hơn 5.000 SKU (mã code phân loại hàng hóa tồn kho), đưa sản phẩm thâm nhập trực tiếp vào hệ thống siêu thị lớn tại Anh, Mỹ…
Theo tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế quản lý Trung ương, tư duy về kinh tế sáng tạo giúp hoàn thiện chính sách để các ý tưởng sáng tạo có đủ điều kiện, chu trình từ hình thành, sản xuất, cung ứng, phân phối và xuất khẩu. Từ đó, mang lại nhiều giá trị gia tăng hơn cho nền kinh tế, lợi nhuận cao hơn cho DN và thu nhập cao hơn cho người lao động.
Công nghiệp nội thất Việt Nam vươn xa đến hơn hơn 120 quốc gia, trong đó thị trường chính là Hoa Kỳ, châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản… Ông Vũ Hải Bằng cho rằng, DN Việt Nam đã có khả năng cung ứng hàng nội thất số lượng lớn, chất lượng cao. “Trên hành trình xây dựng giá trị sáng tạo, DN có thể thử nghiệm với số lượng nhỏ hơn, từng bước thử nghiệm và không thể có kết quả trước mắt. Điều này đòi hỏi tính kiên nhẫn, tinh thần học hỏi không ngừng nhưng chắc chắn sẽ có kết quả”, ông Bằng nói.
Nguyễn Lê