,

Từ “brick & mortar” đến “brick & click”

Kỷ nguyên thương mại điện tử nội thất đã bắt đầu? Theo CSIL, đồ nội thất được bán trực tuyến toàn cầu hiện đạt giá trị khoảng 96 tỷ USD, chiếm khoảng 11% lượng tiêu thụ đồ nội thất trên toàn thế giới theo giá của người dùng cuối, so với ước tính chỉ 1% vào năm 2000.

 

Báo cáo CSIL đầu tiên tập trung vào thương mại điện tử được phát hành vào tháng 11/2001, trước kỷ nguyên internet. Có 418 triệu người dùng internet vào năm 2000. Trong khoảng 2 thập niên, số lượng người dùng internet đã tăng từ khoảng 418 triệu lên hơn 4 tỷ, với doanh số bán hàng trực tuyến đạt 5,7 ngàn tỷ USD, so với 50 tỷ USD vào năm 2000. Báo cáo mới nhất của CSIL cho thấy, năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường thương mại điện tử đơn lẻ lớn nhất về giá trị, theo sau là Trung Quốc, trong khi châu Âu đứng thứ ba. Tỷ lệ thâm nhập của thương mại điện tử đối với hoạt động tiêu dùng nội thất cao nhất là ở Bắc Mỹ (15%), tiếp theo là châu Á – Thái Bình Dương (11%) và châu Âu (10%).

Từ “brick & mortar” đến “brick & click”

Mức tiêu thụ nội thất toàn cầu giảm trung bình 3% trong giai đoạn 2019 – 2022, tuy nhiên, mức tiêu thụ thương mại điện tử lại tăng 18% so với mức trung bình hằng năm trong cùng giai đoạn. Đợt bùng nổ hoạt động bán hàng trực tuyến đã được ghi nhận vào năm 2020 và 2021, trong khi vào năm 2022, xu hướng này về cơ bản không thay đổi.

Các thị trường hiện đang chịu ảnh hưởng của những biến động do chiến tranh ở Ukraine và lạm phát gia tăng. Do đó, niềm tin của người tiêu dùng và chi tiêu cho các khoản mua sắm lớn như nội thất phần nào bị giảm sút.

Trong năm 2022, thị trường nội thất vẫn phải đối mặt với một số thách thức và gián đoạn trong chuỗi sản xuất và cung ứng: thiếu nguyên liệu và linh kiện, biến động giá đầu vào, chi phí năng lượng tăng, hậu cần tắc nghẽn, chi phí vận chuyển tăng, ảnh hưởng đến thương mại và làm việc giao hàng bị chậm trễ.

Áp lực lạm phát tăng cao, nhu cầu đối với các sản phẩm liên quan đến gia đình giảm sút và niềm tin của người tiêu dùng thấp đang tạo ra những bất ổn nhiều hơn nữa cho thị trường. Điều đáng chú ý, năm 2021 là một năm tuyệt vời đối với nhu cầu nội thất, do đó những kết quả hoạt động của năm 2022 vẫn có tính tích cực nếu so với năm 2020 hoặc 2019, cả về doanh số bán hàng và tỷ lệ thương mại điện tử.

Có vẻ hợp lý khi cho rằng quỹ đạo tăng trưởng của doanh số bán hàng trực tuyến vẫn đang lên và đại dịch đã đẩy nhanh cuộc chuyển đổi sang bán hàng trực tuyến. Các nhà bán lẻ điện tử bao gồm các nền tảng thương mại điện tử toàn cầu (như Amazon), thị trường giao dịch lớn trong khu vực (như TMall) và các cửa hàng trực tuyến chuyên về nội thất (như Wayfair, Home24 hoặc Dunelm) đại diện cho hơn một nửa thị trường vào năm 2022. Các đại lý/nhà phân phối nội thất chuyên hoạt động thông qua cả cửa hàng thực tế và thương mại điện tử, còn được gọi là “brick & click”, đại diện cho danh mục phát triển nhanh.

Một ngành hàng đang phát triển nhanh là nội thất ngoài trời. Nội thất văn phòng (đặc biệt là ghế văn phòng) cũng đang có xu hướng phát triển nhanh chóng. Trong số các danh mục sản phẩm tăng trưởng nhanh còn có bàn, bàn làm việc tại nhà, ghế và giường.

Phương pháp tiếp cận đa kênh

Thị trường nội thất trực tuyến là một thị trường cạnh tranh cao và thay đổi nhanh chóng. Theo CSIL, có thể nhấn mạnh rằng xu hướng chung là phần lớn các nhà bán lẻ đang hướng tới chiến lược đa kênh. Ngày nay, khách hàng luôn kết nối mạng internet và họ đã quen với các dịch vụ theo yêu cầu mà họ có thể tiếp cận nếu muốn.

Người tiêu dùng đã quen với sự lựa chọn gần như không giới hạn mà họ có thể tiếp cận trực tuyến, ở bất cứ đâu, vào bất kỳ lúc nào. Và họ mong đợi một trải nghiệm liền mạch kết hợp giữa các cửa hàng thực tế, trực tuyến hoặc trên điện thoại để có thể chuyển đổi giữa các kênh một cách dễ dàng. Điều này đã viết lại các quy tắc của bán lẻ truyền thống.

Cụ thể, thành công của một nhà bán lẻ không còn phụ thuộc vào khả năng cung cấp nhiều sản phẩm. Nó không còn phụ thuộc vào việc đưa ra các chương trình khuyến mãi. Và số lượng cửa hàng hiện nay cũng không quá quan trọng, miễn họ có được kênh bán hàng online. Đó chính là lý do các nhà bán lẻ truyền thống đang thiết lập sự hiện diện mạnh mẽ trên mạng.

Ở chiều ngược lại, CSIL cũng ghi nhận việc các nền tảng thương mại điện tử hướng tới truyền thống. Xu hướng O2O (online to offline) cũng diễn ra song hành, nơi mà người mua sẽ tìm hiểu, theo dõi sản phẩm của họ thật kỹ trước khi bước đến trải nghiệm ở cửa hàng. Và, cửa hàng mới chính là nơi họ “chốt đơn”.

Hiệp Ca (Theo worldfurnitureonline)

Danh mục:

No tag

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác