,

Tư duy lại mô hình kinh doanh nội thất

Trong viễn cảnh không xa, hầu hết các hoạt động kinh tế đang dần hướng tới tự động hóa, với những cửa hàng không người phục vụ, giao dịch mua bán chỉ cần những cái click chuột, giao hàng bằng drone hay xe vận hành không người lái… các nhà máy không những phải chuyển đổi mô hình sản xuất mà còn phải tư duy lại mô hình kinh doanh.

 

Thế giới đang không ngừng biến động, ngành công nghiệp nội thất tại Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức lớn, mang tính toàn cầu. Từ sự dịch chuyển chính trị từ đơn cực sang đa cực, kinh tế phẳng sang địa phương hóa, căng thẳng chính trị  lan rộng, kết hợp với khủng hoảng kinh tế, đến dịch bệnh, đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát, sa thải lao động diễn ra trên diện rộng do nhiều ứng dụng từ AI, robot… Tất cả đều tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của ngành.

Tạo ảnh hưởng lớn nhất có lẽ là cuộc cách mạng công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực online. Công nghệ đang thay đổi cách thức làm việc, giải trí, y tế, giáo dục, sản xuất, quản trị lẫn tiêu dùng. Big data, khoa học phân tích dữ liệu, máy tính lượng tử, AI… đang dần thay đổi cục diện xã hội. Điều này không chỉ tăng cường hiệu suất lao động mà còn mở ra những cơ hội mới cho những ai sớm và hiểu cách đầu tư vào cuộc chơi công nghệ, giúp doanh nghiệp (DN) quản trị trên quy mô rất lớn.

IKEA đã áp dụng hệ thống quản trị dữ liệu toàn diện để có thể duy trì vận hành tốt, đạt doanh thu hơn 50 tỷ USD (năm 2023), còn Amazon là 554 tỷ USD (năm 2023). Công nghệ 3D, VR/AR (thực tế ảo/thực tế ảo tăng cường) và sự hỗ trợ của AI tạo ra các nền tảng ứng dụng trực quan, hấp dẫn và thông minh. Trải nghiệm 3D đang ngày càng gần với thực tế hơn, là một công cụ cho trải nghiệm gần với thực tế đang trở nên quan trọng trên các nền tảng của IKEA hoặc Wayfair. Người dùng có thể dễ dàng chọn lựa những món đồ ưng ý với sự hỗ trợ của ứng dụng công nghệ.

Có nhiều dự báo trong vòng 5 năm tới, trong đó, mô hình Direct to Customer (D2C), loại bỏ bớt các kênh phân phối trung gian, sẽ giữ vai trò chủ đạo. Theo Furniture Today, doanh số D2C thông qua môi trường online của Hoa Kỳ dự kiến sẽ đạt 51 tỷ USD vào năm 2024. Xu hướng này sẽ tạo tác động lớn không kém cách mạng công nghệ. Các nhà máy sẽ phải trực tiếp tiếp cận nhà bán lẻ, dự án và người tiêu dùng, cả online lẫn offline.

Ngoài ra, tác động từ xu hướng phát triển bền vững ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) cũng sẽ trở thành yếu tố quyết định trong chiến lược phát triển của DN lẫn quốc gia. Việc chú trọng vào kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, thị trường tín chỉ carbon… không chỉ là trách nhiệm xã hội mà còn là yếu tố quyết định sự thành công của DN trong tương lai.

Đứng trước những thay đổi quá nhanh đó, nhiều nhà máy nội thất tại Việt Nam đang đối diện khó khăn. Lần đầu tiên sau hơn 20 năm liên tục phát triển, năm 2023 biểu đồ tăng trưởng xuất khẩu nội thất đi xuống. DN Việt Nam chủ yếu là những đơn vị gia công, thường xuyên phải đối mặt với tình trạng chờ đơn hàng và khó khăn trong việc thích ứng với biến động thị trường. Khi nhu cầu giảm sút hoặc thiếu đơn hàng, họ buộc phải giảm quy mô, thậm chí đóng cửa. Rất nhiều DN chưa bắt kịp xu thế, không nắm bắt tốt thông tin thị trường, thụ động trước thời cuộc nên càng khó khăn hơn.

Đầu năm 2023, Research and Markets dự báo giá trị ngành nội thất toàn cầu trong năm đạt hơn 739 tỷ USD, tăng từ 692 tỷ USD trong năm 2022. Tuy những biến động kinh tế đã khiến doanh thu ngành nội thất toàn cầu giảm sút rõ rệt nhưng tiềm năng thị trường vẫn còn rất lớn. Khi thị trường phục hồi, đơn vị này dự đoán, con số ấy sẽ là 935,9 tỷ USD vào năm 2027 với tốc độ CAGR là 6,1%. Trong chuỗi giá trị hàng hóa ngành, ước tính sản xuất chiếm 2/7, thiết kế chiếm 1/7, thương hiệu chiếm 1/7, phân phối – dự án chiếm 3/7. Khi DN đầu tư làm phân phối – dự án thì ắt sẽ phải tiếp cận luôn phần thiết kế và thương hiệu. Điều này cho thấy đây là vùng tăng trưởng rất lớn cho các DN nội thất Việt Nam.

Nếu như những năm trước DN tổ chức phân phối nội thất ít nhiều khó khăn do phải đầu tư nhiều nguồn lực, nhất là mặt bằng, nhân sự… thì nay ứng dụng online phổ biến, digital marketing quá thuận lợi. Thị trường logistics cũng đã có giải pháp cho ngành nội thất thì việc đầu tư khâu phân phối là một lựa chọn đáng cân nhắc, phù hợp với xu hướng D2C, nhà sản xuất bán sản phẩm trực tiếp tới người dùng.

Đứng trước thời khắc giao thời, nhiều chuyển biến trên nhiều phương diện với nhiều thách thức và cơ hội, DN phải chủ động, dám từ bỏ thói quen, bước ra khỏi vùng an toàn, thay đổi mô hình hoạt động, với tiêu chí “đầu tư – đầu tư và đầu tư thì mới tạo ra được giá trị mới”. Tư duy lại mô hình kinh doanh cho ngành nội thất ở Việt Nam lúc này là cần thiết để đối mặt với những thách thức và mở rộng vùng khai các giá trị của hàng hóa. Sự thay đổi, linh hoạt, thích ứng này sẽ giúp DN không chỉ tồn tại mà còn là nền tảng để phát triển trong môi trường kinh doanh toàn cầu ngày càng đa dạng, bất định và bất ngờ.

Trần Việt Tiến

 

Mỹ là thị trường chính chiếm hơn 50% (năm 2023) xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam, điều này có nghĩa thương hiệu nội thất Việt được thị trường này đón nhận và sản phẩm phù hợp với người dùng. Thêm vào đó, trong giai đoạn này hàng rào thuế quan 10-25% tất cả các hàng hóa từ Trung Quốc vào Mỹ, là cơ hội vàng cho các nhà sản xuất đồ gỗ Việt Nam đầu tư phân phối vào Mỹ.

Danh mục:

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác