,

Ứng phó với xuất khẩu sụt giảm

Trong quý II/2023, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam ước đạt 83,4 tỷ USD, giảm 14,2% so với cùng kỳ năm trước và tăng 2,9% so với quý I/2023. Tuy nhiên, với các quốc gia khác trong khu vực ASEAN, mức sụt giảm lại khả quan hơn, nhờ hàng loạt chính sách tích cực từ Nhà nước.

 

Tính đến hết tháng 5/2023, xuất khẩu hàng hóa của Thái Lan chỉ giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2022, Indonesia giảm 6%, Malaysia giảm 2,3%… Tại Thái Lan, nhằm đối phó với những biến động của thị trường, Chính phủ nước này khuyến cáo các doanh nghiệp (DN) trong nước tìm kiếm những thị trường xuất khẩu mới bên cạnh những thị trường truyền thống. Chính phủ Thái Lan tăng cường đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với nhiều quốc gia gồm Saudi Arabia, Kuwait, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Qatar, Bahrain và Oman. Tính đến tháng 4/2023, Thái Lan đã ký 14 FTA với 18 quốc gia.

Nỗ lực tìm kiếm thị trường mới

Bộ Thương mại Thái Lan dự kiến triển khai 450 hoạt động xúc tiến thương mại với tổng ngân sách xúc tiến trị giá 74,6 triệu USD trích từ ngân sách hoạt động của 3 đơn vị là Cục Xúc tiến Thương mại Quốc tế (DITP), Cục Ngoại thương (DFT) và Cục Đàm phán Thương mại Quốc tế (DTN). DITP được giao làm đơn vị chủ trì. Các hoạt động xúc tiến sẽ giúp tiếp cận 4 nhóm thị trường mới gồm Trung Đông, Nam Á, Trung Quốc và khối CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam), bên cạnh việc khám phá các thị trường mới nổi, gồm Trung Á và Bắc Âu.

Song song đó là việc duy trì nhóm thị trường truyền thống gồm Mỹ, Canada, châu Âu (EU), Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc), ASEAN, Australia và New Zealand, châu Phi và châu Mỹ. Bộ Thương mại nước này dự kiến xuất khẩu của đất nước sẽ dần phục hồi vào cuối năm do áp lực lạm phát và các vấn đề về chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ giảm theo giá năng lượng. Người Thái kỳ vọng sự phục hồi của ngành dịch vụ và du lịch cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu của các đối tác thương mại.

Phusit Ratanakul Sereroengrit, Tổng giám đốc Cục Xúc tiến Thương mại Quốc tế Thái Lan cho biết sẽ cam kết tiếp tục đẩy nhanh các hoạt động thúc đẩy xuất khẩu. Bắt đầu từ quý II/2023, Thái Lan triển khai nhiều triển lãm sản phẩm quy mô lớn hơn, trong khi các tham tán thương mại ở nước ngoài bắt đầu hoạt động từ quý II và III, giúp tác động tích cực đến xuất khẩu trong thời gian tới.

Cải thiện chỉ số niềm tin

Tại Indonesia, người phát ngôn của Bộ Công nghiệp, Febri Hendri Antoni Arif, cho biết: “Mặc dù kinh tế toàn cầu vẫn đang đối mặt với những thách thức, nhưng cả Chỉ số quản lý mua hàng sản xuất (PMI) của Indonesia do S&P Global công bố và Chỉ số niềm tin ngành (IKI) do Bộ Công nghiệp đưa ra đều cho thấy mức độ phát triển”.

Giá trị xuất khẩu của Indonesia trong tháng 5/2023 đạt 21,72 tỷ USD, tăng 12,61% so với 19,29 tỷ USD của tháng trước. Giá trị xuất khẩu trong tháng 5 cao hơn 0,96% so với 21,51 tỷ USD của tháng 5/2022. Xuất khẩu phi dầu khí trong tháng 5 được ghi nhận ở mức 20,40 tỷ USD, tăng 13,18% so với tháng 4/2023 và tăng 1,94% so với tháng 5/2022.

Trước tình hình nguồn nguyên liệu thô nhập khẩu giảm, Bộ Công nghiệp sẽ tiếp tục khuyến khích xuất khẩu, kiểm soát thị trường trong nước. Ông Arif lưu ý rằng Bộ cũng tiếp tục thực hiện các bước chiến lược để duy trì thị trường cho các sản phẩm sản xuất tại Indonesia bằng các chính sách hạ nguồn (chuyển đổi dầu, khí thành sản phẩm hoàn chỉnh), khuyến khích chương trình tăng cường sử dụng sản phẩm nội địa (P3DN), đẩy mạnh gia tăng tỉ lệ nội địa hóa (TKDN) và đơn giản hóa các quy tắc cấp chứng nhận TKDN cho các ngành công nghiệp nhỏ.

Ngoài ra, Chính phủ nước này đang tiếp tục tích cực nỗ lực để mở rộng xuất khẩu thông qua hợp tác song phương và đa phương, cũng như mở cửa thị trường xuất khẩu sang các nước phi truyền thống. “Hợp tác với các nước đối tác và các nhà đầu tư toàn cầu có thể giúp Indonesia tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng khả năng cạnh tranh công nghiệp và mở ra thị trường nước ngoài rộng lớn hơn”, ông Arif nhận xét.

Kinh tế số cải thiện sức mua

Nửa đầu năm 2023, nền kinh tế Malaysia đạt được nhiều chỉ số tích cực, bao gồm mức tăng trưởng 5,6% trong quý I/2023, vượt dự báo và cho thấy nước này vẫn vượt lên nhiều nước khác trong khu vực. Đồng thời, Malaysia cũng đã thu hút được 71,4 tỷ RM trong các khoản đầu tư được phê duyệt, tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Lạm phát ở mức 2,8% trong tháng 5, mức thấp nhất trong vòng một năm.

Trong nửa đầu năm 2023, Bộ phận Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp đã thu được hơn 230 tỷ RM trong các khoản đầu tư cam kết và hơn 10 tỷ RM về mặt thương mại. Trong nửa cuối năm 2023, bộ phận này sẽ mở rộng hoạt động ở châu Âu và Trung Đông, tập trung mạnh vào việc giao dịch với các khách hàng tiềm năng đã thu hút được trong nửa đầu năm 2023.

Việc Malaysia gần đây tăng 5 bậc trong Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh thế giới (WCR) của IMD, từ vị trí 32 của năm 2022 lên vị trí 27 trong năm 2023, là bằng chứng cho thấy nền kinh tế của nước này đang đi đúng hướng. Báo cáo này xếp hạng Malaysia là nền kinh tế cạnh tranh thứ hai sau Singapore tại khu vực ASEAN và nhận xét rằng Malaysia đã làm tốt việc quản lý giá cả, cơ sở hạ tầng cơ bản và chính sách thuế, nhưng có thể làm tốt hơn nữa trong việc phát triển năng lực cho lực lượng lao động, cải cách quy định để tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, ưu tiên kỹ thuật số cho các lĩnh vực quan trọng và theo đuổi sự phát triển bền vững.

Nước này cũng đã tích cực thúc đẩy đầu tư vào điện và điện tử (bao gồm cả thiết bị y tế), hóa chất và hóa dầu, nền kinh tế kỹ thuật số, kỹ thuật hàng không vũ trụ và dược phẩm.

Trong kế hoạch dài hạn đến năm 2030, Bộ phận Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp của Malaysia sẽ không tiếp cận dựa trên ngành như trước đây mà áp dụng cách tiếp cận dựa trên sứ mệnh để thúc đẩy chuyển đổi ngành sản xuất theo bốn cách: thúc đẩy sự đa dạng của nền kinh tế, nâng cấp công nghệ, thúc đẩy các mục tiêu net-zero, bảo vệ an ninh kinh tế và tính toàn diện.

Mục tiêu chính là làm cho tất cả các ngành đều tập trung thực hiện các sứ mệnh này, mang lại tỷ lệ thành công cao hơn, đảm bảo sự thịnh vượng trong tương lai của Malaysia. Ngành sản xuất hiện đóng góp 25% GDP của Malaysia và 80% tổng xuất khẩu của nước này. Do đó, việc chuyển đổi ngành sản xuất chắc chắn sẽ dẫn đến tăng trưởng trên diện rộng và sự tái thiết sức mua của tầng lớp trung lưu Malaysia sau đại dịch.

Bùi Phương

 

Theo Bloomberg, Trung Quốc đang cân nhắc gói kích thích nền kinh tế bao gồm các biện pháp hỗ trợ trên quy mô lớn, trong bối cảnh áp lực ngày càng tăng với nước này khi thúc đẩy đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Các đề xuất về gói kích thích được soạn thảo bởi nhiều cơ quan chính phủ, bao gồm ít nhất 10 biện pháp được đưa ra nhằm hỗ trợ các lĩnh vực như bất động sản và nhu cầu trong nước. Việc hạ lãi suất cũng nằm trong số biện pháp đang được xem xét. Theo đó, nhà đầu tư đang cho rằng Ngân hàng trung ương Trung Quốc sẽ sớm hạ lãi suất dài hạn, tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn.

Danh mục:

No tag

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác