,

Việt Nam trước động lực xanh và bền vững

Xác định phát triển kinh tế xanh và phát triển bền vững là chìa khóa và là hướng đi bắt buộc của các quốc gia trên toàn cầu, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam quyết tâm theo đuổi mục tiêu phát thải bằng 0 vào năm 2050. Động lực chính trong hành trình chinh phục mục tiêu này, theo Thủ tướng, là nỗ lực chuyển đổi từ phía doanh nghiệp.

 

80 chuyên gia trong nước và quốc tế cùng hơn 700 đại diện doanh nghiệp (DN), các tổ chức… đã cùng tham dự Diễn đàn Kinh tế Xanh (GEF) 2023, tổ chức ngày 2/11 tại Hà Nội. Diễn đàn thu hút sự chú ý của quốc tế và các nguyên thủ cấp cao như Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban Châu Âu Valdis Dombrovskis và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte.

Chiến lược không có chọn lựa khác

Phát biểu tại GEF, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá thời gian qua thế giới đã chứng kiến những thay đổi nhanh và lớn. Dưới tác động của cuộc đa khủng hoảng, từ kinh tế đến chính trị khiến cả thế giới đều phải nỗ lực tìm kiếm các mô hình phát triển phù hợp. “Để có thể nâng cao khả năng chống chịu và tính sáng tạo nhằm thích nghi với điều kiện mới, lựa chọn duy nhất của Việt Nam là tạo ra một mô hình mới, không chỉ để giải quyết các vấn đề hiện hữu mà còn có khả năng ngăn chặn các nguy cơ có thể phát sinh”, Thứ trưởng chia sẻ.

Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên

Mô hình mới này, theo Thứ trưởng, phải bao gồm được hai yếu tố “tăng trưởng xanh” và “phát triển bền vững”. Không đơn thuần là đáp ứng nhu cầu từ phía thị trường, đòi hỏi các sản phẩm thân thiện, lựa chọn này phù hợp cho phục hồi, phát triển của nền kinh tế và xa hơn là phòng ngừa rủi ro. Bởi, sức khỏe của nền kinh tế bất cứ quốc gia nào cũng gắn liền với tình hình biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. “Công nghiệp xanh sẽ tạo động lực tăng trưởng mới và nâng cao lợi thế cạnh tranh cao. Đồng thời, thể hiện nỗ lực của các chính phủ trong việc hướng đến tăng trưởng xanh và bền vững. Vì vậy, theo đuổi mô hình kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững là chìa khóa thành công cho chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của các quốc gia, địa phương lẫn DN”, ông Thắng nói.

Đồng quan điểm, ông Gabor Fluit – Chủ tịch Eurocham cũng cho rằng bối cảnh thương mại toàn cầu đang trải qua một sự thay đổi mạnh mẽ. Người tiêu dùng đang ngày càng ưa chuộng các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường. Đây không chỉ là một xu hướng nhất thời mà còn là một sự phát triển lớn trong hành vi của người tiêu dùng. Do vậy, DN bỏ qua các tiêu chí bền vững sẽ phải rời cuộc chơi và ngược lại, những DN thích ứng được hoàn toàn có khả năng trở thành dẫn đầu thị trường trong tương lai. “Trong vị thế của quốc gia cung ứng sản phẩm cho thị trường quốc tế, đối với các DN Việt Nam, việc đón nhận sự thay đổi này là cần thiết để duy trì khả năng cạnh tranh trong và ngoài nước”, ông Gabor Fluit nhấn mạnh.

Với tư cách đại diện cho là các DN châu Âu, Chủ tịch Eurocham cho biết sẽ nỗ lực hết mình để hỗ trợ Việt Nam trong hành trình chinh phục các mục tiêu bền vững. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng quá trình chuyển đổi này đòi hỏi một nguồn lực khổng lồ, đặc biệt là việc nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động, triển khai công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng và thúc đẩy môi trường kinh doanh sáng tạo đổi mới.

Biến thách thức thành lợi thế

“Đúng là các quy chuẩn tiêu dùng xanh sẽ đặt áp lực về phía các DN nhưng cũng sẽ trở thành lợi thế, nếu những đơn vị cung ứng sản phẩm cho thị trường thế giới kịp thời chuyển đổi”, Thủ tướng Hà Lan, ông Mark Rutte nhận xét như vậy khi chia sẻ về việc các quy định của Thỏa thuận Xanh của EU sắp có hiệu lực. Ông nhấn mạnh trọng tâm của những đòi hỏi cung cấp bền vững không còn nằm ở các quy định quốc tế mà xuất phát từ ý thức trách nhiệm của người dùng. Do đó, các nhà sản xuất Việt Nam cần nỗ lực hết sức để tận dụng những cơ hội này.

Đồng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cũng khẳng định, mặc dù sẽ nhiều thách thức trong việc thực thi nhưng Việt Nam xem các quy chuẩn xanh trên toàn cầu là cơ hội phát triển ngành nông nghiệp theo định hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững và tăng trưởng xanh. Cụ thể nhất là ở Quy định chống phá rừng châu Âu được Ủy ban Châu Âu thông qua ngày 16/5/2023 (EUDR). Theo ông Hoan, Việt Nam tuân thủ quy định không chỉ vì mục đích xuất khẩu các mặt hàng bị ảnh hưởng như cà phê, cao su, gỗ và sản phẩm gỗ vào EU. Cơ quan quản lý lẫn DN đều xem đây là cơ hội để chuyển đổi xanh, bền vững các chuỗi cung ứng ngành hàng nông sản Việt Nam.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng dự báo, khi Quy định có hiệu lực vào năm 2025, sẽ tác động trực tiếp đến một số chuỗi cung ứng ngành hàng cũng như sinh kế của nông hộ, đặc biệt là các nông hộ quy mô nhỏ vốn chiếm phần lớn ở Việt Nam. “Các chuỗi cung ứng nông sản tại Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức để đáp ứng EUDR, đặc biệt trong các vấn đề về dữ liệu định vị, truy xuất nguồn gốc, hệ thống giám sát, phản hồi chống phá rừng”, Bộ trưởng nói.

Vì điều này mà tăng cường hợp tác, ứng dụng công nghệ để phục vụ mục tiêu chuyển đổi xanh là nhiệm vụ được Việt Nam đặt ra hàng đầu. Như lời của Thủ tướng Phạm Minh Chính, thời gian tới, Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên như năng lượng tái tạo, hydrogen xanh, hạ tầng xanh, chuyển đổi số, nông nghiệp thông minh, công nghiệp phát thải thấp… “Đó chính là nền tảng để Việt Nam có thể trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu của khu vực trong lĩnh vực chuyển đổi xanh và hình thành chuỗi giá trị hydrogen xanh ở Việt Nam”, Thủ tướng kết luận.

Lê Nguyễn

Danh mục:

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác