,

VietnamWood 2023: Công nghệ sản xuất đón đầu mục tiêu xanh hóa

Thu hút hơn 320 nhà triển lãm đến từ 28 quốc gia và vùng lãnh thổ, VietnamWood 2023 mang đến khách tham quan hàng loạt công nghệ mới, phục vụ nhu cầu nâng cao năng lực sản xuất theo mô hình nhà máy thông minh, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ.

 

Công nghệ tăng cường hiệu suất

Shoda – nhà tiên phong trong lĩnh vực chế tạo máy CNC đến từ Nhật Bản cùng các thương hiệu cung ứng thiết bị lớn của thế giới như: Dieffenbacher, Weinig, SCM Group, Biesse, Nanxing Machinery… sẽ có mặt tại triển lãm quốc tế về máy móc và thiết bị công nghiệp ngành chế biến gỗ – VietnamWood 2023, tổ chức tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn – SECC, từ ngày 20 – 23/9. Sự kiện do Vinexad phối hợp cùng Yorkers Trade & Marketing Service và Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) tổ chức.

Được xem là ngày hội công nghệ của ngành nội thất, sự kiện thường niên này luôn mang đến cho khách tham quan nhiều trải nghiệm thú vị. Thông tin từ ban tổ chức cho biết, năm 2023, triển lãm tập trung vào các giải pháp để vận hành nhà máy thông minh, các giải pháp nâng cấp và tích hợp máy móc vận hành độc lập thành dây chuyền sản xuất. Theo bà Judy Wang, Chủ tịch Yorkers Trade & Marketing Service, các giải pháp này phục vụ mục tiêu giảm tỷ lệ sản phẩm bị lỗi và tăng cường hiệu suất sản xuất tổng thể cho DN. “Trong bối cảnh đơn hàng là thách thức, mong muốn lớn nhất của DN là tối ưu hóa các giá trị. Do vậy, các đơn vị cung ứng thiết bị đều hướng đến các giá trị cụ thể như cải thiện hiệu suất, độ chính xác cao, tiết giảm nguyên liệu, tiết giảm điện năng tiêu thụ và cải tiến cơ chế vận hành đơn giản nhất có thể để giảm thiểu nhân lực. Tất cả những giải pháp này đều quy tụ ở VietnamWood 2023 ”, bà Judy Wang cho biết.

8 tháng đầu năm 2023, mức độ sụt giảm xuất khẩu của ngành chế biến gỗ Việt Nam lên đến hơn 25,1%. Tuy nhiên, ngành đã và đang đón nhận những tín hiệu tích cực về việc đơn hàng quay trở lại. “Đối diện với thách thức, nhu cầu tìm hiểu các giải pháp nâng cao hàm lượng công nghệ của các DN ngành chế biến gỗ Việt Nam đang rất cao. Kiện toàn năng lực cạnh tranh, bảo toàn lực lượng lao động là giải pháp mang tính chất đón đầu”, ông Trí Nguyễn – đại diện Leitz Tooling Việt Nam nhận định.

Chuyển đổi số gắn liền với chuyển đổi xanh

Thông tin từ Ban tổ chức (BTC) VietnamWood 2023 cho thấy, ở lần triển lãm thứ 15, các DN tham gia tiếp tục mang đến những dòng sản phẩm chế biến gỗ gắn liền với quá trình chuyển đổi số quốc gia. Các thiết bị sản xuất gỗ tự động toàn diện và tích hợp hệ thống sẽ được trưng bày để DN trong ngành có thể tham khảo cho quyết định đầu tư chuyển đổi và nâng cấp, tạo nền tảng để ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam nâng cao trình độ sản xuất.

Bên cạnh không gian của lực lượng chế tạo máy, triển lãm còn tổ chức khu vực 8 nhóm gian hàng quốc gia, bao gồm Áo, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ý…, tạo điều kiện cho các DN dễ dàng tương tác, kết nối và chia sẻ về những công nghệ tiềm năng. “Chúng tôi sẽ mang đến những công nghệ sản xuất mang tính xu hướng như giải pháp sản xuất xanh, giảm thiểu carbon, giảm tiêu thụ điện năng… để DN có thêm lựa chọn. Câu chuyện đầu tư nhà máy xanh không hề xa mà sẽ rất gần”, ông Miguel DaVila – Giám đốc quốc gia Biesse chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Lê Xuân Tân – Giám đốc điều hành Công ty Gỗ Hạnh Phúc, cố vấn chuyên môn chuỗi hội thảo VietnamWood 2023 cũng cho rằng, sản xuất xanh không còn là lựa chọn mà mang tính bắt buộc trong tương lai. Do vậy, bên lề VietnamWood 2023 sẽ có sự kiện livestream với chủ đề Latest Technology và chuỗi hội thảo công nghệ tập trung vào 4 nội dung chính liên quan đến các vấn đề nổi cộm hiện nay bao gồm: Sản xuất chủ động – Vận hành giản đơn; Nhà máy xanh hướng tới trung hòa cacbon; Sức khỏe thiết bị – Bảo trì thông minh; EUDR và Chuỗi cung ứng xanh. Những nội dung này sẽ là nền tảng để các DN chế biến gỗ tại Việt Nam cập nhật thông tin về các xu hướng và công nghệ mới, tìm hiểu thời điểm thích hợp để chuyển đổi và nâng cấp nhà máy… Theo ông Tân, sẽ có những thị phạm cụ thể để DN có thể nắm bắt xu hướng đầu tư công nghệ một cách trực quan nhất tại chuỗi sự kiện này.

Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, giá trị nhập khẩu máy móc chế biến gỗ Việt Nam trung bình lên đến 240 triệu USD/năm. “VietnamWood 2023 diễn ra ở thời điểm này có thể xem là trợ lực cho DN tiếp cận, cập nhật, đổi mới công nghệ, giúp DN có được sự chủ động cần thiết, kịp thời nắm bắt cơ hội khi thị trường hồi phục”, ông Nguyễn Chánh Phương – Phó chủ tịch HAWA nhận xét.

Hồ Minh

Danh mục:

No tag

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác