,

Xuất khẩu “xanh”: Cơ hội hay thách thức?

Yếu tố “xanh” đang được hướng đến ở mọi ngành kinh tế của Việt Nam, cũng như Thế giới. Nếu chậm chuyển đổi, doanh nghiệp tất cả các ngành sẽ phải đứng ngoài cuộc chơi.

Áp lực từ nhiều phía

“Yêu cầu, quy chuẩn kinh doanh, sản xuất gắn liền với việc bảo vệ môi trường đã được đưa ra thảo luận từ những năm 2010 nhưng 3 năm trở lại đây, “xanh” trở thành yếu tố mang tính áp đặt, buộc các doanh nghiệp (DN) lẫn các thể chế chính trị phải tuân thủ”, TS. Nguyễn Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh, khẳng định như vậy tại diễn đàn “Xuất khẩu xanh”, do Sở Công Thương TP.HCM tổ chức ngày 25/5 vừa qua.

Theo ông Thành, từ quan điểm ban đầu, những đòi hỏi “xanh” đã thay đổi về chất, không chỉ khẩu hiệu mà là thực tế. Người dùng thực sự hưởng ứng trong cuộc cách mạng tiêu dùng xanh, đòi hỏi trực tiếp các nhà cung ứng phải chọn lựa. Trước cuộc cách mạng tiêu dùng này, các tổ chức cũng đã hoàn thiện các bộ quy chuẩn xanh trong sản xuất, kinh doanh và phát triển chuỗi cung ứng như ESG, chứng chỉ carbon…

Không dừng lại ở đó, chiến lược phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn… được lồng ghép trong các thỏa thuận quốc tế, điển hình là COP26. Để phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… nhiều quốc gia đã và đang rất quyết liệt trong việc xây dưng chính sách hỗ trợ DN theo đuổi mô hình kinh tế tuần hoàn, phát triển khu công nghiệp sinh thái… Theo đuổi các giá trị xanh, DN thuận lợi hơn rất nhiều trong tiếp cận tài chính, cơ hội đầu tư… Nhờ vậy, việc chinh phục các chỉ số “xanh” không còn quá khốc liệt như ngày trước. Ông Thành khẳng định: “DN không có lựa chọn nào khác, ngoài việc thay đổi để đáp ứng”.

Tối ưu hóa chuỗi cung ứng

Theo nghiên cứu của Công ty Nielsen Việt Nam thực hiện cho thấy các thương hiệu có cam kết “xanh” và “sạch” có mức tăng trưởng khá cao, khoảng 4%/năm. Đồng thời, doanh số bán hàng của các thương hiệu cam kết ưu tiên tính bền vững tăng gấp 4 lần so với những đối thủ không có cam kết này.

Là một quốc gia đang trên đã trở thành nơi cung ứng hàng hóa chất lượng cho thị trường toàn cầu, với những thế mạnh như: nội thất, giày dép, may mặc, thủy hải sản, thiết bị điện tử… “Việt Nam không những phải đẩy mạnh các chứng chỉ “xanh” mà còn phải hết sức quyết liệt với con đường này, cả với thị trường nội địa và trên cả chuỗi cung ứng”, Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistic Việt Nam (VLA) nhận định.

Theo ông Minh, logistic xanh cũng là một trong những cấu phần của toàn bộ chuỗi cung ứng xanh mà Việt Nam cần chú trọng xây dựng, ngay từ thời điểm hiện nay. Nguyên nhân là vì ngành đóng góp khí thải lớn trong quá trình vận hành, đưa hàng hóa đến các nơi.

Để tối ưu hóa chuỗi cung ứng, xây dựng được yếu tố “xanh” cho toàn chuỗi cung ứng, đại diện VLA cho rằng, TP. Hồ Chí Minh cần chủ động trong vai trò dẫn dắt, thực hành mô hình xuất khẩu theo xu hướng “xanh” ở tất cả các ngành. Với logistic, cần thí điểm chuyến vận tải xanh nối đồng bằng sông Cửu Long với cảng Cái Mép, tạo nên cung đường kết nối, phát triển vận tải thủy cho các tỉnh miền Tây với TP. Hồ Chí Minh, từ đó, đưa hàng hóa đến các thị trường tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu thuận lợi hơn, tiết giảm phát thải trong quá trình vận chuyển.

Không chỉ mô hình B2B, với sự phát triển của thương mại điện tử (TMĐT), theo ông Minh, việc xuất khẩu đã có thể tiến hành B2C thông qua các nền tảng bán hàng. Đối chiếu với việc người dùng Việt Nam đang mua hàng trực tiếp từ các thương nhân Trung Quốc qua Shopee hay Lazada, cơ hội để DN Việt xuất khẩu trực tiếp đến người dùng ở thị trường các nước không hề nhỏ. “Giải pháp là Việt Nam thiết lập được trung tâm xử lý đơn hàng TMĐT để hỗ trợ DN. Xa hơn, là thiết lập sàn TMĐT xuất khẩu, tạo điều kiện cho hàng Việt tiếp cận khách hàng Quốc tế”, ông Minh góp ý.

Đánh giá cao các góp ý từ phía đội ngũ chuyên gia, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho rằng, tiêu dùng xanh, xuất khẩu xanh là một trong những xu hướng và là đòi hỏi chính đáng. “Đáp ứng quy định về tiêu chuẩn chất lượng, môi trường không chỉ là trách nhiệm trong thực thi các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký mà còn giúp hàng hóa rộng đường xuất khẩu, hưởng những ưu đãi về thuế từ phía quốc gia nhập khẩu”, ông Hoan nhấn mạnh. Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh khẳng định Thành phố định hướng sẽ theo đuổi xuất khẩu xanh và phát triển sản xuất đáp ứng các yêu cầu Quốc tế về kinh tế tuần hoàn. Đây là một trong 12 chương trình trọng điểm “Phát triển DN và đổi mới sáng tạo” của thành phố trong giai đoạn 2020 – 2025. Hiện, TP. Hồ Chí Minh đang xây dựng, định hướng xây dựng một số cơ chế chính sách để thúc đẩy tăng trưởng xanh hiện thực hóa mục tiêu này.

Khảo sát của Viện nghiên cứu Giá trị doanh nghiệp thuộc Tập đoàn IBM (IBM Institute for Business Value – IBV) vào năm 2021 đối với 14.000 người đến từ 9 quốc gia cho biết, 90% người được khảo sát trả lời rằng, dịch Covid-19 đã làm thay đổi cách nhìn của họ về các vấn đề liên quan đến môi trường và tiêu dùng bền vững. Không chỉ vậy, người tiêu dùng sẽ hạn chế sử dụng sản phẩm của các DN gây ô nhiễm, sử dụng lãng phí tài nguyên hoặc sản phẩm có các tác động tiêu cực đến môi trường, cộng đồng.

MINH HOÀNG

Danh mục:

No tag

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác