Bùi Trần
Những dấu hiệu của suy thoái như lạm phát, thị trường chứng khoán giảm giá, lãi suất tăng và nhu cầu tiêu dùng chậm lại khiến các doanh nghiệp lo lắng. Nhưng, suy thoái kinh tế thực sự có ý nghĩa như thế nào đối với ngành nội thất?
Khi xem xét một số động lực truyền thống của ngành nội thất, không kể đến đại dịch, Furniture Today cho rằng, có vài thứ kích thích nhu cầu về đồ nội thất hơn là mua một ngôi nhà mới. Theo Tổ chức tư vấn National Assn của Realtors, doanh số bán nhà hiện có trong tháng 5/2022 đã giảm đến tháng thứ tư liên tiếp. Cụ thể, doanh số giảm 3,4% so với tháng 4 và 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương ứng, giá bán nhà trung bình hiện ở mức 407.600 USD, tăng 14,8% so với năm ngoái và lần đầu tiên vượt quá 400.000 USD.
Động lực chính đã có
Mặc dù thị trường nhà ở sụt giảm đáng kể, nhưng nhu cầu của thế hệ Millennial và Gen Z, đang chiếm phần lớn trong cơ cấu dân số, có được ngôi nhà đầu tiên (hoặc thậm chí thứ hai) là rất cao. Chỉ cần giá nhà ở mức chi phí hợp lý hơn, người dùng sẽ sẵn sàng chi trả. Và do vậy, thị trường nhà ở sẽ không chỉ không ảnh hưởng đến doanh số bán đồ nội thất mà còn góp phần kích thích đáng kể.
Tháng 6/2022, mức lãi suất mà Cục Dự trữ Liên bang áp dụng đã tăng 0,75%, mức tăng cao nhất trong vòng 40 năm. Vào thời điểm đó, chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang đề xuất một mức tăng thêm nửa điểm nữa vào tháng 7, với mục đích là để hạ nhiệt một nền kinh tế đang đối mặt với lạm phát tăng cao. Kết quả dự kiến là tạo ra một cuộc “hạ cánh mềm”, hay theo cách nói của dân thường, làm chậm nền kinh tế để cắt giảm suy thoái. Mặc dù không ai có thể dự đoán được kết quả cụ thể, nhưng việc lãi suất đi ngang và bắt đầu giảm trở lại chắc chắn sẽ mang đến một số tin tốt cho những người kinh doanh nội thất. Nó không chỉ có thể hỗ trợ gia tăng doanh số nhà ở mà còn cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng, vốn vẫn là động lực chính của doanh số bán hàng nội thất.
Điều chỉnh để thích nghi
Một vấn đề rất đáng quan tâm là thị trường lao động. Trước suy thoái, thị trường có ghi nhận sự thiếu hụt nhân lực, giá nhân công tăng cao, đến mức các dịch vụ bắt đầu bị cắt giảm, các doanh nghiệp (DN) thu hẹp quy mô và tăng trưởng bị đình trệ. Khi các dấu hiệu suy thoái gia tăng, các DN có thể chứng kiến tình trạng sa thải nhân viên và điều đó có thể sẽ tăng tốc trong những tháng tới. Nhưng, xét ở mặt tích cực, đây cũng là động lực để cân bằng cung và cầu trong lực lượng lao động. Bởi, suy thoái nhẹ ít nhất có thể đưa mọi người trở lại thị trường việc làm.
“Xét ở mặt tích cực, suy thoái nhẹ ít nhất có thể là động lực để cân bằng cung và cầu trong lực lượng lao động. Bởi, nó đưa mọi người trở lại thị trường việc làm”
Tất cả những điều này, tất nhiên, đều mang tính suy đoán nhưng nó chứa đầy hy vọng. Thực tế, hy vọng đó cũng khiến DN trong ngành nội thất phải nỗ lực hơn nữa để thích nghi. Nhà sản xuất nội thất văn phòng và giải trí Martin Furniture là ví dụ. “Chúng tôi đã cố gắng điều chỉnh tổ hợp sản phẩm của mình để tăng sản lượng từ nhà máy ở Mexico, đồng thời phát triển các sản phẩm mới và đưa vào sản xuất một số bộ sưu tập bán chạy nhất”, Gil Martin – nhà sáng lập Martin Furniture cho biết.
Công ty 40 năm tuổi này đã sản xuất đồ nội thất ở Mexico từ năm 2002. Theo Martin, nhu cầu nội thất có thể đang giảm dần nhưng rất khó để phân tích chính xác điều gì đang diễn ra. Bởi, việc kinh doanh nội thất hiện nay không đồng đều ở các thị trường. Các nhà bán lẻ ở một số vùng có doanh số bán hàng xuất sắc, trong khi những nơi khác lại chậm. “Hiện có quá nhiều biến số đang diễn ra để đánh giá độ sâu hoặc độ dài của đợt sụt giảm”, Martin nói.
Công ty này đang điều chỉnh các đơn đặt hàng linh kiện và vật liệu, đồng thời có kế hoạch giảm giá để thu hút người mua hàng. Martin cho biết, năm 2021, thời gian từ lúc đặt hàng đến khi nhận hàng từ các nhà cung cấp ở châu Á kéo dài tới 9 tháng. Chỉ mới trong vòng ba tháng qua, các DN nội thất mới nhận được tất cả hàng hóa đã đặt trước đó. Do vậy, DN cần giải quyết xong các đơn hàng tồn đọng của mình trước, sau đó mới dựa trên nhu cầu trong tương lai để đặt hàng nên thời gian này, chưa có nhiều đơn hàng đến khối sản xuất. Ông chia sẻ: “Hy vọng khi giá container ổn định, DN có thể giảm mức phụ phí lên hàng nhập khẩu, tháo bớt áp lực cho DN”.