Các biện pháp đơn giản hóa và giảm bớt gánh nặng hành chính để tạo điều kiện thực hiện Quy định chống phá rừng của EU (EUDR) cộng với việc được xếp hạng rủi ro thấp mang đến cơ hội lớn cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam kiện toàn các đòi hỏi từ thị trường châu Âu.
Diễn biến tích cực
Ngày 15/4, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố các tài liệu hướng dẫn mới để xem xét việc đưa EUDR vào thực hiện từ cuối năm nay cho các quốc gia thành viên, nhà sản xuất và thương nhân. Theo đó, phần “Hướng dẫn cập nhật và Câu hỏi thường gặp” sẽ cung cấp cho các công ty, cơ quan chức năng của các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia đối tác những biện pháp đơn giản hóa bổ sung, làm rõ về cách chứng minh sản phẩm của họ không gây phá rừng. Điều này sẽ đảm bảo việc thực hiện các quy định được hài hòa trên toàn EU.
Các biện pháp đơn giản hóa còn bao gồm Đạo luật ủy quyền. Đạo luật này cung cấp thêm những góc nhìn rõ ràng và đơn giản hóa về phạm vi của EUDR, giải quyết yêu cầu của các bên liên quan về việc hướng dẫn đối với các loại sản phẩm cụ thể, tránh được chi phí hành chính không cần thiết cho các nhà kinh doanh và cơ quan chức năng.
Cuối cùng, EC đang hoàn thiện hệ thống đánh giá chuẩn mực quốc gia thông qua Đạo luật triển khai. Đạo luật này sẽ được thông qua chậm nhất vào ngày 30/6/2025, sau khi thảo luận với các quốc gia thành viên. Theo đánh giá của các chuyên gia, tất cả các biện pháp này sẽ giúp giảm đến 30% chi phí hành chính và gánh nặng cho các công ty, theo ước tính hiện tại. EUDR đã tạo nên những diễn biến tích cực và hành động trên thực tế để chống lại nạn phá rừng, biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học.
Các biện pháp đơn giản hóa chủ yếu
Trong các tài liệu hướng dẫn mới, EC đã đưa ra một số biện pháp đơn giản hóa, ví dụ: Các công ty lớn có thể sử dụng lại những văn bản thẩm định hiện có nếu hàng hóa trước đây đã có mặt trên thị trường EU, nay được nhập khẩu lại. Điều này có nghĩa là giảm bớt thông tin cần đệ trình trong hệ thống công nghệ thông tin; Một đại diện được ủy quyền hiện có thể nộp báo cáo thẩm định thay mặt cho các thành viên của nhóm công ty; Các công ty sẽ được phép nộp báo cáo thẩm định hằng năm thay vì báo cáo riêng cho mỗi tàu hàng hoặc lô hàng cung cấp cho thị trường EU; Làm rõ cách “xác định” việc thẩm định đã được thực hiện, như vậy các công ty lớn ở hạ nguồn sẽ có lợi khi các nghĩa vụ được đơn giản hóa (hiện nay đang áp dụng nghĩa vụ pháp lý tối thiểu là thu thập số liệu tham chiếu của Báo cáo thẩm định (DDS) từ các nhà cung cấp của họ, và sử dụng số tham chiếu đó cho các lần nộp DDS của riêng họ).
Tất cả các biện pháp cập nhật này dự kiến sẽ làm giảm đáng kể số lượng báo cáo thẩm định mà các công ty cần nộp, đáp ứng yêu cầu chính của ngành. Hệ thống thông tin EUDR đã được mở vào ngày 4/12/2024 bằng tất cả các ngôn ngữ của EU. Hiện nay DN đã có thể gửi và quản lý các văn bản thẩm định của mình.
Hôm 22/5, EC cũng đã công bố danh sách phân loại mức độ rủi ro theo quốc gia đối với EUDR. Theo đó, Việt Nam được xếp vào nhóm có “rủi ro thấp” (low risk). Các đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Việt Nam là Indonesia, Malaysia, Brazil được xếp vào nhóm “rủi ro tiêu chuẩn” (standard risk). Ngoài ra, có 4 quốc gia bị xếp vào nhóm “rủi ro cao” (high risk) là Belarus, Myanmar, Triều Tiên và Nga. DN sử dụng gỗ nguyên liệu từ các nước này cần đặc biệt lưu ý.
Các chuyên gia đánh giá, việc được xếp vào nhóm “rủi ro thấp” không làm thay đổi nghĩa vụ pháp lý đối với DN xuất khẩu từ Việt Nam. Họ vẫn phải tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của EUDR. Theo ông Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends, sẽ có một số điểm thuận lợi và khác biệt trong quá trình thực thi, cụ thể như giảm tần suất kiểm tra tuân thủ: Đối với sản phẩm từ quốc gia thuộc nhóm rủi ro thấp, cơ quan chức năng EU sẽ chọn ngẫu nhiên 1% trong các lô hàng để kiểm tra. Trong khi đó, các nước thuộc nhóm rủi ro tiêu chuẩn là 3%, và rủi ro cao là 9%.
DN từ các quốc gia rủi ro thấp sẽ ít bị nghi ngờ hơn, điều này giúp rút ngắn thời gian và chi phí thông quan. ông Phúc giải thích thêm: “Việc được xếp loại rủi ro thấp giúp giảm gánh nặng kiểm tra hậu kiểm và tạo lợi thế cạnh tranh, nhưng không miễn trừ trách nhiệm thẩm định và minh bạch chuỗi cung ứng. DN Việt Nam vẫn phải chuẩn bị hồ sơ và dữ liệu đầy đủ, đặc biệt là hệ thống truy xuất nguồn gốc đến tọa độ địa lý”.
Bùi Diệp