Khai thác gỗ rừng tự nhiên giảm từ 200 nghìn m3 năm 2011, xuống 89 nghìn m3 năm 2013. Năm 2017, Chính phủ đóng cửa rừng tự nhiên nhưng ngành chế biến gỗ vẫn phát triển. Nguồn nguyên liệu phục vụ sự phát triển ngành ở đâu? Và, khai thác và chế biến gỗ là ngành xâm hại đến sự bền vững của môi trường hay ngược lại? Những câu hỏi này được ông Nguyễn Chiến Thắng – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Scansia Pacific chia sẻ rất thẳng thắn với Gỗ và Nội Thất (*).
Phóng viên (PV): Năm 2017, có một câu chuyện được cho là “nóng” của ngành chế biến gỗ là việc giá nguyên liệu gỗ cao su, tràm… tăng khiến doanh nhiệp (DN) khó khăn. Là đơn vị sản xuất số lượng hàng khá lớn, phục vụ cho những đơn hàng xuất khẩu, Scansia Pacific có cùng bức xúc?
Trong những ngày luồng thông tin thiếu nguyên liệu cục bộ được đưa ra, tôi đã đặt ra những câu hỏi. DN thiếu nguyên liệu thật không? Chúng ta có nhà máy nào đóng cửa vì thiếu nguyên liệu không? Nếu câu trả lời là không thì không thể nói là chúng ta thiếu nguyên liệu được. Chỉ có thể nói thiếu khi nào cung không đủ đáp ứng cho cầu.
Xét về vấn đề cung cầu thì thị trường có giá và tùy chỉnh theo quy luật thuận mua, vừa bán. Nhập gỗ nước ngoài về phải chịu giá cao. Ví dụ, những ngày gần đây giá gỗ sồi trắng cũng tăng 20 – 30% chứ đâu có ít, nhưng DN mua còn không có. Trong câu chuyện nhiều DN than giá gỗ cao su thời gian vừa qua, tôi nghĩ nguyên nhân là do tâm lý quan niệm gỗ cao su là nguồn nguyên liệu trong nước, giá gỗ lên cao khó chấp nhận hơn.
Trên thực tế, hiện diện tích rừng cao su của dân trồng khá lớn so với tổng cục cao su. Trong bối cảnh giá mủ cao su không hấp dẫn như trước đây, người dân thấy giá gỗ khá khá một chút là sẵn sàng chặt bán, đợi chu kỳ sau, giá mủ hồi phục thì chắc chắn, không có chuyện ngành gỗ Việt Nam thiếu nguyên liệu cao su. Kinh doanh theo cơ chế kinh tế thị trường thì thuận mua – vừa bán luôn là yếu tố điều tiết thị trường.
PV: Nhưng với tốc độ tăng giá như vậy, chúng ta có thể nói, gỗ cao su không phải là nguyên liệu hấp dẫn?
Nếu nói riêng về nguồn nguyên liệu trong nước thì chúng ta có vài lựa chọn khác, diện tích nhiều hơn. Ví dụ, hiện diện tích gỗ keo đến thời kỳ khai thác trong nước nhiều hơn gỗ cao su. Lợi thế của trồng gỗ keo là thời gian trồng ngắn, sau khoảng 6, 7 năm là có thể khai thác nên vòng quay đầu tư cũng nhanh hơn.
Theo số liệu mà tôi có được thì diện tích trồng cao su hiện nay khoảng 700 – 800 ngàn hecta. Nếu đúng vòng quay của nó phải đợi đến hơn 20 năm, khi đã khai thác hết mủ mới chặt. Gỗ keo thì khác, rừng trồng keo hiện nay khoảng hơn 3 triệu hecta, mà như đã nói, vòng quay cũng ngắn hơn nên lượng gỗ cung cấp cho thị trường là lớn hơn rất nhiều. Nói như vậy để thấy rằng, nếu là nguyên liệu trong nước thì ngành gỗ được bảo đảm từ nay đến 20 năm nữa. Chỉ cần khai thác đúng, có chiến lược dài hạn để phát triển rừng trồng, tôi tin là ngành gỗ sẽ tiếp tục tận dụng được lợi thế nguyên liệu bản địa.
PV: Có thông tin cho rằng Trung Quốc đóng cửa rừng, sẽ là nguyên nhân thương nhân của họ sang “hút” nguyên liệu gỗ nước ta, gây khó khăn cho DN Việt?
Chắc chắn là chủ trương trên ảnh hưởng nhưng tôi không nghĩ là quan trọng. Con số hải quan ghi nhận cho thấy gỗ nội địa xuất khẩu sang Trung Quốc không tăng nhiều. Hiện, lượng gỗ nội địa xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 30% trong tổng sản lượng sản xuất, 60 – 70% còn lại là phục vụ cho thị trường nội địa. Đây là điều rất đáng mừng. Có một chuyện vui mà tôi muốn chia sẻ là có lần, các thành viên nhóm F1 đi Trung Quốc tìm hiểu thị trường nhìn thấy thực tế: Giá nhân công Trung Quốc tăng cao, DN Trung Quốc bắt đầu sang Việt Nam mua đồ gỗ đem về phục vụ thị trường nội địa của họ. Nếu đối chiếu hai câu chuyện thì rõ ràng, với thị trường Trung Quốc, chúng ta có lợi nhiều hơn là những nguy cơ.
Trở lại câu chuyện nguyên liệu của DN trong nước, tôi nghĩ, việc tăng giá thời gian qua cũng là bài học tốt để chúng ta nghĩ đến việc đa dạng hóa nguồn nguyên liệu. Tất nhiên, với đơn vị sản xuất, nguyên liệu là tùy theo nhu cầu và lựa chọn của khách hàng nhưng chúng ta có nhiều giải pháp để xử lý thay thế nhưng vẫn đảm bảo rẻ, đẹp. Tôi nghĩ, cách tốt nhất là thuyết phục và cho khách hàng thấy được giá trị của nguyên liệu mới. Kinh nghiệm của Scansia Pacific cho thấy, khi khách hàng hiểu và thấy được lợi ích từ sự thay đổi, họ sẽ cảm thông chứ không cứng nhắc lắm đâu!
PV: Ngoài vấn đề thuyết phục khách hàng, Scansia Pacific có chuyện đầu tư kết nối với lâm dân, tạo ra giá trị chuỗi bền vững. Ông có thể chia sẻ thêm về chiến lược này?
Để chuẩn bị cho nguồn nguyên liệu, Scansia Pacific liên kết với gần 600 hộ trồng rừng tại các tỉnh miền Trung như Thừa Thiên Huế, Quảng Trị… Chúng tôi ký thỏa thuận bao tiêu nguồn gỗ nguyên liệu với các nhóm hộ trồng rừng. Đồng thời, công ty tài trợ cho các nhóm hộ ở đây chi phí đánh giá cấp chứng chỉ FSC; cam kết cho các hộ dân trồng keo có chứng chỉ FSC có tuổi cây keo từ năm thứ 6 trở đi vay tối đa 4 triệu đồng/ha/năm với lãi suất thấp hơn so với mức lãi suất trung bình của các ngân hàng thương mại trong nước để giúp các hộ kéo dài chu kỳ trồng cây, tạo nguồn gỗ lớn. Chúng tôi cũng cam kết mua gỗ keo có chứng chỉ FSC cao hơn tối thiểu từ 15 – 18% so với giá thị trường của gỗ không có chứng chỉ.
Tất nhiên, những năm đầu tiên, chi phí công ty phải trả cho hoạt động này không nhỏ nhưng đã làm việc với lâm dân, mình cũng phải đầu tư và tạo sự an tâm cho họ. Chưa kể, cũng phải đồng hành, hướng dẫn họ để tìm kiếm giống tốt để làm ra gỗ tốt để được giá cao hơn.
PV: Sau thời gian cũng tương đối dài, ông thấy hợp tác này có ý nghĩa thế nào với Scansia Pacific?
Tôi nghĩ câu chuyện hợp tác này rất đơn giản: Chỉ cần lâm dân và mình cùng có lợi. Khi DN đã đảm bảo người nông dân tin cậy mình thì khi họ khai thác họ sẽ ưu tiên bán cho DN. Yếu tố ổn định nguồn nguyên liệu sẽ là lợi thế lớn cho DN.
Người nông dân họ chịu đi theo chương trình chứng nhận bền vững FSC cũng khá khó khăn. Muốn được chứng nhận, cả hệ thống trồng phải đi theo các điều kiện của tổ chức đưa ra. Nhưng, khi đã thuyết phục được họ tham gia, về mặt lợi ích xã hợi, sẽ đảm bảo được vấn đề đảm bảo tái tạo rừng trồng, không phá hoại đất. Như vậy, diện tích lẫn chất lượng rừng trồng Việt Nam chắc chắn càng ngày càng tốt hơn.
Với DN, khi sử dụng nguồn nguyên liệu bền vững, đầu ra cũng kiếm dễ hơn vì hiện nay trên toàn thế giới, khách hàng, đặc biệt là châu Âu đều buộc phải có chứng chỉ này, họ mới mua hàng. Việc DN quan tâm đến xuất xứ hợp pháp của nguồn nguyên liệu cũng sẽ cải thiện vị thế trong mắt khách hàng. Khách hàng sẽ đánh giá cao uy tín DN hơn.
PV: Theo ông, khó khăn của DN khi theo đuổi câu chuyện nguyên liệu bền vững là gì?
Với thị trường châu Âu, việc có chứng chỉ FSC là bắt buộc. Gần như, với xuất khẩu, 70 – 80% thị trường đều buộc DN có chứng nhận này. Nó không phải là điều kiện để mua sản phẩm với giá cao hơn nhưng với DN sản xuất thì khác. Khu vực châu Á mới bắt đầu ý thức về khái niệm FSC nên DN mua gỗ có chứng chỉ này sẽ phải trả giá cao hơn dù việc bán ra không cao hơn. Đó là cái khó mà vài DN vẫn chưa chịu đầu tư.
Tuy nhiên, cái khó ấy không thể là rào cản bởi xu hướng tiêu dùng hiện nay lấy môi trường là trọng tâm. Chúng ta không chú ý đến vấn đề này là đi ngược với thời đại. Tôi rất tự hào khi nói rằng, chế biến gỗ là ngành công nghiệp của môi trường. Khi xây dựng chương trình khai gỗ hợp pháp, chúng ta đang chung tay bảo vệ màu xanh. Ví dụ đơn giản nhất là một cây gỗ muốn khai thác thì phải mất ít nhất 10 năm trồng. Nghĩa là 1 năm khai thác rừng thì có ít nhất 9 năm phủ xanh. Càng xuất khẩu chế biến nhiều thì phải trồng rừng nhiều. Đây là giải pháp bảo vệ rừng và đây cũng là lúc cộng đồng phải thay đổi nhận thức. Ngành gỗ không hề phá rừng mà là ngành kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường.
Chính phủ cũng đã xác định ngành chế biến gỗ là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam và sẽ phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, chống biến đổi khí hậu, góp phần xây dựng nguồn nguyên liệu rừng trồng là cách DN tạo lợi thế cho mình trong tương lai.
PV: Cụ thể, đó là những lợi thế nào, thưa ông?
Khi mà nguồn nguyên liệu ổn định, DN có thể tính đến chuyện cải tiến sản xuất. Ví dụ, khi cần mua nguyên liệu, DN đến trung tâm cung ứng nguyên liệu tại Hố Nai chẳng hạn, chúng ta phải chấp nhận quy cách cưa xẻ của thị trường. Thị trường ở Hố Nai hiện nay cưa bề rộng 70, 80, 90mm, chiều dài 1,2m. DN mua về cắt lại, khoản gỗ hao phí tính ra không hề nhỏ.
Khi Scansia Pacific mua gỗ từ nguồn trồng, chúng tôi yêu cầu lâm dân cưa theo quy cách mình cần, như vậy thì tất nhiên sẽ lợi về gỗ. Chất lượng gỗ cũng vậy, trên thị trường bán mình đi mua về phải lọc lại, còn bây giờ thì lâm dân lựa và cung cấp đúng thứ DN cần. Như vậy, tính ra, dù giá nguyên liệu mình mua cao hơn thị trường nhưng hao hụt lại giảm thiểu đáng kể.
Cho đến thời điểm này thì tôi dám khẳng định, chỉ có con đường liên kết với lâm dân, tiến đến phát triển rừng trồng hợp pháp và đúng quy chuẩn FSC là con đường phát triển bền vững đúng đắn nhất của ngành.
PV: Cảm ơn ông về những trao đổi này!
(*) Gỗ và Nội thất là ấn phẩm được phát hành bởi Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp.HCM (HAWA) vào các tháng lẻ trong năm.