,

Bà Jean Lin, chuyên gia mua hàng của Alltrade – Mỹ: Rất cần thương hiệu OEM

Có mặt xuyên suốt thời gian diễn ra triển lãm HawaExpo 2023, tham gia tất cả các hoạt động, các chuyến tham quan nhà máy chế biến gỗ, có thể nói, bà Jean Lin đã cảm nhận được sâu sát nhất hiện trạng ngành công nghiệp nội thất Việt Nam. Theo chuyên gia tìm nguồn cung ứng này, thị trường sẽ sớm trở lại đà tăng trưởng trong năm 2024.

* Nhiều năm tìm kiếm nhà cung ứng cho các thương hiệu nội thất lớn tại Mỹ, theo bà, khả năng và trình độ sản xuất của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã đáp ứng được đòi hỏi từ thị trường Mỹ nói riêng và thế giới nói chung?

– Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam là nhà cung cấp rất được ưa chuộng tại châu Âu và chiếm vị trí là quốc gia cung ứng nội thất số 1 tại Mỹ. Các sản phẩm mà các DN Việt Nam làm ra khá chất lượng, luôn mới mẻ và ấn tượng. Cảm nhận cá nhân tôi thì các DN Việt Nam rất thân thiện và nhiệt tình chia sẻ thông tin.

Như các sản phẩm tiêu dùng khác, nhu cầu về nội thất gỗ phụ thuộc vào thị hiếu của từng thị trường, từng khu vực và thay đổi theo xu hướng. Tôi nghĩ, DN Việt Nam thích ứng được tốt với những đòi hỏi riêng, mang tính đặc thù. Nhờ vậy mà khả năng mở rộng thị trường cũng sẽ cao hơn.

* Theo quan sát thực tế của bà, các DN chế biến gỗ Việt Nam đã mạnh tay đầu tư vào công nghệ sản xuất tiên tiến chưa hay vẫn phụ thuộc vào nhân công giá rẻ?

– Không chỉ đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, nguồn nhân công của các DN chế biến gỗ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay đã tập trung vào cải thiện tay nghề hơn, chất lượng lao động cũng cao hơn. Tôi nghĩ, DN chế biến gỗ Việt Nam đã không còn quá phụ thuộc vào nhân công giá rẻ. Đây là việc rất đáng mừng.

* Về chất lượng, giá cả, quy trình sản xuất hay hoạt động hậu mãi… thì sao?

– Với bản thân tôi, chất lượng và giá cả hàng hóa nội thất ở thị trường Việt Nam đều chấp nhận được. Tuy nhiên, về dịch vụ hậu mãi, DN Việt Nam cần thời gian xây dựng, cải thiện hơn để tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

* Theo bà, các DN nội thất Việt Nam đã tạo được dấu ấn riêng, hay nói cách khác là khả năng nhận diện sản phẩm để các nhà mua hàng tìm đến khi cần những mặt hàng có phong cách đặc trưng như vậy chưa?

– Với lịch sử hơn hai thập kỷ phát triển, đã có nhiều DN Việt Nam quan hệ rất tốt với DN nước ngoài. Bắt đầu tư việc gia công trên thiết kế có sẵn, đòi hỏi chất lượng cao, tiến đến hợp tác với đội ngũ nhà thiết kế châu Âu nên có thể nói hiện nay nhiều DN nội thất đã tạo được dấu ấn sản xuất riêng. Từ nội thất gỗ nguyên khối, nội thất gỗ nhân tạo, sản phẩm trong nhà hay ngoài trời, hay sản phẩm mây tre… Tôi sẽ đến Việt Nam khi muốn tìm một mẫu thiết kế mới mẻ nào đó từ khía cạnh sản xuất.

* Việc xây dựng nhận diện thế mạnh sản xuất đặc trưng của từng DN, theo bà, có cần thiết với các DN nội thất Việt Nam, vốn phần lớn vẫn thực hiện gia công cho các thương hiệu nội thất thế giới?

– Tôi nghĩ rất cần thiết. Một khi xây dựng được nhận diện thế mạnh sản xuất đặc trưng, các nhà máy có thể làm nên thương hiệu OEM (Original Equipent Manufacturer). Công việc gia công, sản xuất thiết bị gốc dù mang lại giá trị thặng dư thấp nhưng lại là nền tảng đảm bảo giải quyết việc làm và tính ổn định cho sản xuất. Toàn bộ thế mạnh của ngành nội thất Việt Nam hiện nay đã xây dựng trên công tác này. Theo tôi, quan trọng là làm thế nào để các nhà máy có thể xây dựng được “thương hiệu OEM”?

Ngoài chất lượng và tính chuyên nghiệp như đã nói, với tư cách là một chuyên gia mua hàng, tôi mong muốn được làm việc với các nhà máy có tư duy cởi mở, sẵn sàng thay đổi theo nhu cầu của thị trường. Như vậy sẽ dễ dàng cho hoạt động hợp tác giữa đôi bên và thúc đẩy xuất khẩu ra thị trường khác.

Thị trường rất rộng lớn, nhu cầu vẫn có đó, không mất đi đâu cả. Tôi nghĩ, thị trường có thể chậm lại đôi chút trong năm 2023 và năm 2024 do ảnh hưởng của lạm phát và những biến động to lớn trên toàn cầu. Tuy nhiên, những thiết kế mới, những ý tưởng và công nghệ trong ngành nội thất chắc chắn vẫn liên tục phát triển.

* Bà sẽ trở lại Việt Nam cho những chuyến mua hàng sắp tới chứ?

– Chắc chắn rồi. Tôi sẽ quay lại vào mùa đặt hàng chuẩn bị cho năm 2024 vì thực tế Việt Nam vẫn là quốc gia cung ứng nội thất phù hợp nhất với các khách hàng của tôi.

* Xin cảm ơn bà.

BÙI PHƯƠNG thực hiện

Danh mục:

No tag

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác