Kết hợp nguồn lực các doanh nghiệp có cùng chí hướng dưới một pháp nhân chung tạo điều kiện cho các thành viên từng bước tiếp cận trực tiếp thị trường xuất khẩu với một chi phí hợp lý. Và trong mắt đối tác, năng lực cung ứng của các doanh nghiệp tăng gấp nhiều lần.
Giấc mơ cũ
“Có lẽ, đó là năm 2004, khi doanh số xuất khẩu ngành chế biến gỗ Việt Nam chỉ mới vượt ngưỡng 1 tỷ USD, các doanh nghiệp (DN) trong ngành đã bắt đầu nói với nhau về khả năng thâm nhập trực tiếp thị trường Mỹ”, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Âu Mỹ, Bộ Công Thương nhớ lại.
Đó là dịp các DN xuất khẩu nội thất đầu ngành của Việt Nam cùng tham gia một hội chợ nội thất quốc tế. Ở đó, họ chứng kiến một thương nhân trẻ Trung Quốc, không trực tiếp đầu tư sản xuất nhưng vẫn lấy được hàng loạt đơn hàng từ phía các DN Mỹ. Nguyên nhân là vì doanh nhân ấy rất am hiểu người tiêu dùng Mỹ, anh dùng khả năng chọn lọc các mặt hàng tiêu biểu của các DN sản xuất, tập hợp lại để cung ứng cho các nhà bán hàng. Theo ông Linh, đó là một mô hình kinh doanh hiệu quả, kết hợp được khả năng am hiểu thị trường và năng lực sản xuất. Mô hình đó gây ấn tượng lớn cho các DN Việt Nam, khởi lên giấc mơ kết hợp với nhau để có thể tiếp cận thị trường quốc tế trong một vai trò khác, chủ động, không đơn thuần là đợi đơn hàng để gia công. Lúc ấy, các DN rất hào hứng với ý tưởng này.
Tuy nhiên, năm 2023, sau gần 20 năm, doanh số xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam đã vượt 15 tỷ USD, gấp hơn 15 lần, dự định ấy vẫn chưa triển khai được. Nguyên nhân có lẽ nhiều, từ việc thiếu người dẫn dắt để triển khai dự án, thiếu định hướng phát triển chung từ phía nhà nước, đến những thách thức mà các DN sản xuất nội thất phải đối mặt hàng ngày, để có thể cung ứng cho đơn hàng gia công ngày một nhiều hơn.
“Bây giờ mới triển khai là đã mất khá nhiều cơ hội bứt phá hơn trong thời gian trước nhưng vẫn hết sức cần thiết và kịp thời”, ông Linh nói.
Kinh doanh chủ động
Trong bối cảnh phát triển mới, theo ông Linh, ý tưởng về mô hình trung tâm phân phối nội thất tại thị trường trọng điểm mà HAWA khởi xướng sẽ tạo điều kiện cho các DN trong ngành có thể kết hợp thế mạnh của nhau, cho khách hàng thêm nhiều lựa chọn và nhất là có cơ hội tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng khác nhau, không chỉ là những nhà mua hàng, đặt hàng gia công số lượng lớn. Điều cần nhất là tập hợp được đội ngũ nhân lực am hiểu thị trường, có khả năng tiếp thị, giao dịch…
Điểm xuất phát đầu tiên là Mỹ cũng khá phù hợp vì dù có ghi nhận sụt giảm trong những tháng đầu năm 2023 nhưng đây vẫn là thị trường nội thất nhiều tích cực và đủ dư địa để DN trong ngành đầu tư, khai thác những khung giá trị lớn trên chuỗi cung ứng. Lâu dài hơn, việc tiếp cận trực tiếp và kinh doanh chủ động cần được phát triển ra các thị trường tiềm năng khác. Ông Med Venlig Hilsen, đại diện F&H Group cho biết nội thất Việt Nam hoàn toàn có khả năng thâm nhập sâu hơn ở thị trường châu Âu. Cụ thể như Đan Mạch, trước đây chủ yếu mua hàng nội thất từ Trung Quốc nhưng 3 năm trở lại đây, lựa chọn của các nhà mua hàng đã thay đổi, mở rộng sang các quốc gia cung ứng khác, trong đó có Việt Nam. “Tương lai, Đan Mạch và các nước châu Âu sẽ nhập nhiều đồ nội thất hơn từ Việt Nam. Nếu DN chủ động tiếp cận thay vì thụ động đợi đơn hàng, hiệu quả kinh doanh sẽ tốt hơn rất nhiều”, đại diện F&H Group nhận xét.
Đồng quan điểm, bà Julian Lemcke, chuyên gia SIPPO cũng cho rằng chủ động là yếu tố còn thiếu ở các DN chế biến gỗ Việt Nam. Theo bà Julian, DN Việt Nam ít chú trọng nghiên cứu số liệu thị trường. Trong khi đầu tư vào công tác này giúp DN có thể nhìn thấy xu hướng thị trường, chuyển nó thành dữ liệu làm marketing lẫn phát triển sản phẩm. Từ đó, có được tài nguyên để có thể chủ động làm việc với khách hàng.
Để có thể tiếp cận thị trường thế giới bằng năng lực, bán hàng ra nước ngoài bằng chính thương hiệu của mình, ông Vũ Hoàng Linh cho rằng DN Việt Nam cần thay đổi từ nội tại, tự nâng cao các lợi thế cạnh tranh, kết hợp để tạo được ngôn ngữ chung cho hàng hóa Việt. Ngoài ra, DN cũng cần chú ý áp dụng công nghệ số để thu phục khách hàng cuối. “Bộ Công Thương cũng đang tìm cách hỗ trợ DN của các hiệp hội ngành hàng, tập hợp các DN cùng chí hướng, tạo nguồn lực chung để đưa sản phẩm trực tiếp ra thị trường nước ngoài”, ông Linh khẳng định.
Phương Quyên