,

Nâng tầm thương hiệu nội thất Việt

Gần 30 năm qua, ngành chế biến gỗ Việt Nam đã và đang khẳng định vị thế của một quốc gia cung ứng nội thất cho thị trường toàn cầu. Hiện tại là thời điểm thích hợp để “thương hiệu sản xuất” này cần thiết phải được nâng cấp và mở rộng.

Không phải ngẫu nhiên mà ngành nội thất có mặt trong các đề án thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam của Bộ Công Thương. Là một trong 8 ngành đóng góp nhiều nhất cho GDP cả nước, chế biến gỗ Việt Nam đã xây dựng được ấn tượng, nhắc nhớ về điểm đến trong nhận thức của các nhà mua hàng quốc tế. Đến Việt Nam, nhà mua hàng có thể được đáp ứng đầy đủ các nhu cầu, từ nội thất cao cấp, công trình nội thất đẳng cấp 5-6 sao, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo, các món nội thất công nghiệp, đóng gói phẳng, giá bình dân… Đó chính là “thương hiệu” của ngành.

Quá trình xây dựng “thương hiệu sản xuất” nội thất của Việt Nam có sự đóng góp rất lớn của khối FDI, những người đã mang mô hình sản xuất nội thất đến và phát triển thành công tại Việt Nam. Nhờ vậy, các doanh nghiệp (DN) trong nước có điều kiện thừa hưởng, từng bước gây dựng được niềm tin với thị trường thế giới, có được đơn hàng, tạo việc làm cho hàng trăm ngàn lao động.

Tuy vậy, gia công là câu chuyện kinh doanh bị động và hoàn toàn phụ thuộc. Bản thân “thương hiệu sản xuất” của ngành chế biến gỗ Việt Nam cũng không đủ mạnh. Bằng chứng là phần lớn các đơn hàng sản xuất nội thất cao cấp đều do khối FDI đảm nhận. Doanh số xuất khẩu của khối DN ngoại tương đương với khối nội, dù số lượng ít hơn rất nhiều. Nỗ lực hơn nữa để cải thiện vị thế, nâng cao “thương hiệu sản xuất” bằng cách cải thiện nội lực để có thể lấy được những đơn hàng cao cấp hơn, giá trị tốt hơn là điều DN Việt Nam cần thiết phải làm ngay từ bây giờ.

Xa hơn “thương hiệu sản xuất” là câu chuyện thương hiệu DN, thương hiệu quốc gia. Để bước ra khỏi cái bóng của các đơn vị đặt hàng, bất cứ DN nào cũng cần tiếng nói riêng với thị trường thế giới. Vọng âm ấy được xây bằng việc phát triển thiết kế, cam kết bền vững và chủ động tiếp cận với khách hàng thế giới. Xuất phát điểm là mô hình OEM, bước đệm để DN nội thất Việt Nam tiến ra xây dựng thương hiệu ở thị trường toàn cầu là ODM, phát triển thiết kế, chào bán thiết kế lẫn khả năng sản xuất để có được giá trị gia tăng cao hơn.

Cần có một chiến lược rõ ràng để xây dựng thương hiệu quốc gia của ngành nội thất Việt Nam, với bước đi đầu tiên là hỗ trợ các DN xây dựng được hình ảnh với thị trường thế giới. HawaExpo được tổ chức để phục vụ mục tiêu này. Liên minh của các hiệp hội nội thất cả nước, với sự tham gia của VIFOREST, HAWA, BIFA, DOWA, FPA đang nỗ lực hết sức để tạo nên không gian cho các DN nội thất trưng bày tất cả thế mạnh trước đội ngũ mua hàng thế giới. Dự kiến, HawaExpo 2024 sẽ đón 25.000 ngàn khách tham quan trong nước và quốc tế. Trong đó, có khoảng 4.000 khách mua hàng quốc tế đã đăng ký trước. Hội chợ chính là nơi DN nội thất thể hiện đầy đủ năng lực sản xuất, khả năng thiết kế, và mục tiêu chuyển đổi xanh, phát triển bền vững…

Tiếp nối sự kiện giao thương mang tầm quốc tế HawaExpo, thời gian tới, HAWA sẽ tổ chức thêm nhiều hoạt động, hội thảo… chuyên sâu về xây dựng thương hiệu cho DN nội thất. Đồng thời, tiếp cận với khối FDI hướng đến kết nối, hợp tác, kiến tạo nên những liên minh với các DN Việt Nam trong hệ sinh thái ngành, cho phép khách mua hàng có nhiều lựa chọn hơn.

Công nghiệp nội thất Việt Nam cực kỳ tiềm năng và DN nội thất Việt Nam đủ lực để có thể trở thành “tay chơi” quan trọng của ngành. Chiến lược xây dựng thương hiệu nội thất quốc gia sẽ bao gồm việc thể hiện tiềm năng, sự hấp dẫn của ngành để có thể thu hút thêm người trẻ, mạnh dạn start-up và mang đến hàm lượng sáng tạo mới.

Bài học ghi nhận từ Giải thưởng thiết kế nội thất Hoa Mai: Phải mất 20 năm kể từ khi HAWA phát động đầu tiên, sân chơi sáng tạo này mới tạo được dấu ấn với cộng đồng DN nội thất trong khu vực, thu hút được hàng trăm nhà thiết kế nội thất trong nước tham gia.

Hành trình xây dựng thương hiệu của các DN nội thất đòi hỏi rất nhiều kiên nhẫn, nỗ lực và quyết tâm. Nhưng khi đạt thành, thương hiệu sẽ là bệ phóng để DN có thể chinh phục các giá trị tốt hơn trên chuỗi cung ứng.

Nguyễn Quốc Khanh – Chủ tịch HAWA

Danh mục:

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác